Nghề nhà giáo đối với tôi, đó là nghề “đặc biệt của đặc biệt”. Ý nghĩa đặc biệt đầu tiên, đó là nghề kiến tạo, bồi đắp, vun trồng và hoàn thiện tính người cho mỗi con người trong xã hội. Ý nghĩa đặc biệt thứ hai, đó là nghề cung cấp, truyền thụ, trang bị kiến thức để giúp con người không ngừng tiến bộ về nhận thức, tư duy và tự biết làm giàu tri thức trong suốt cuộc đời mình.
Từ suy nghĩ ấy, tôi mang ý kiến này ra trao đổi với một người bạn thân hiện là giáo viên phổ thông. Người bạn cười bảo rằng, cậu làm nghề báo nên nói gì cũng đúng, cũng hay, nhưng sự thật thì bao giờ cũng có phần khắc nghiệt hơn thế cậu ạ. “Khắc nghiệt nghĩa là sao?”, tôi ngạc nhiên.
Ảnh minh họa: Vietnam+
Bạn tôi từ tốn giải thích: “Cũng như bao nghề khác trong xã hội, nghề giáo cũng là một sinh kế của con người. Mà đã là sinh kế thì có lúc cũng phải “vật lộn” để mưu sinh. Sự “vật lộn” này dẫu không nhọc nhằn, một nắng hai sương như người nông dân hay ngày ngày bám đường hứng bụi trên từng cây số như chị bán hàng rong, anh chạy xe ôm và người đi buôn thúng bán mẹt, nhưng ngày đêm cũng phải đau đáu trăn trở, suy ngẫm với từng câu chữ, từng trang giáo án, từng bài giảng, từng hành vi để làm sao cho mỗi lời nói, ánh mắt, cử chỉ của mình khi đứng trên bục giảng đủ sức lôi cuốn, lay động trái tim, khối óc học trò.
Như bao người khác, nhà giáo cũng phải đối mặt với nỗi lo “cơm áo gạo tiền” và giải quyết biết bao mối quan hệ trong xã hội. Khi đứng trên bục giảng, họ là người thầy có quyền dạy bảo, giáo dục người khác. Nhưng về nhà, họ sắm đủ thứ “vai”, nào là cha, là mẹ, là con, là cháu... mà vai nào cũng phải cố gắng làm tròn bổn phận để cho đúng đạo làm người, làm thầy. Còn ra xã hội, họ cũng chỉ là một công dân, song địa vị công dân của người thầy đòi hỏi họ phải luôn nghiêm ngắn, mô phạm, chuẩn mực.
Tất nhiên, khi mang bản tính “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” với đủ cung bậc tâm trạng, cảm xúc “hỷ-nộ-ái-ố” nên có thể nhà giáo cũng có lúc thế này, thế khác. Nếu chẳng may mà lỡ lời, nhỡ miệng nói sai, nói hớ, nói buông thả vài ba câu cũng đủ để người đời săm soi, phán xét. Từ trong bản chất, hai chữ “sư phạm” nghĩa là thầy, là khuôn thước, là mẫu mực. Chấp nhận nghề làm thầy là chấp nhận làm tấm gương cả đời thì mới không bị hổ danh, mang tiếng hai chữ “người thầy”.
Tóm lại, làm nghề nhà giáo phải luôn biết tiết chế, kiểm soát bản thân để giữ sao cho tròn đức hạnh trong sáng của nghề “trồng người”! Đấy, cái sự khắc nghiệt của nghề nhà giáo chỉ người trong cuộc mới thấm thía thôi, đâu phải ai cũng thấu hiểu.
Chia sẻ với tôi sự thật này, thêm một lần tôi thấu hiểu phía sau ánh hào quang của “Nghề cao quý nhất dưới ánh sáng mặt trời” (lời nhà giáo dục học nổi tiếng Jan Amos Komensky), là nỗi niềm riêng của các nhà giáo. Tuy vậy, tôi hiểu bạn tôi sẻ chia tâm tư nghề nghiệp như vậy cũng là một cách tự vấn mình phải có trách nhiệm hơn với nghề đã chọn để không làm tổn thương đến địa vị, danh hiệu cao quý của người thầy.
Vì tôi biết rằng, bạn tôi cũng như bao thầy, cô giáo khác, dù thấm thía với sự thật có phần gian truân của nghề nhà giáo nhưng vượt lên tất cả, trái tim họ vẫn vẹn nguyên với tình yêu thương con người, vẫn trọn vẹn một niềm tin sắt đá vào những giá trị cao cả mà sự nghiệp “trồng người” đã mang đến cho mỗi gia đình và toàn xã hội.
Bằng chứng là, trong khi không ít người vẫn cố gắng bám đuổi bằng được những nghề “hái ra tiền” để dễ trở nên giàu có, sung túc, thì bạn tôi và hàng vạn thầy, cô giáo từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi hẻo lánh đến hải đảo xa xôi vẫn ngày ngày đến trường, bám lớp để truyền cảm hứng tình yêu cuộc sống, thắp sáng ước mơ, chắp cánh tương lai cho hàng triệu học trò.
(Theo qdnd.vn)