Phía sau một cuộc chiến

Phía sau một cuộc chiến
2 giờ trướcBài gốc
“Hỏa ngục trần gian”
Tị nạn vốn là điều chẳng mấy xa lạ với người dân Palestine từ năm 1948, song tình hình hiện tại là đặc biệt nghiêm trọng, xét về cả cấp độ và quy mô. Theo báo cáo của Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA), tính đến tháng 9/2023, khoảng 1,5 triệu người dân Gaza đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do chiến sự, chiếm khoảng 75% dân số của vùng lãnh thổ này. Và theo các số liệu mới nhất, UNRWA ước tính số người rời bỏ nhà cửa đã lên tới 1,9 triệu người tương đương khoảng 90% dân số của Dải Gaza, trong khi Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng con số này phải là khoảng 2,1 triệu người. Số người phải di tản đặc biệt tăng mạnh kể từ khi Israel phát động cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở phía Nam hồi tháng 5.
Cuộc chiến với những hệ lụy thảm khốc kéo dài tới nhiều thế hệ.
Các trại tị nạn lớn tại Dải Gaza như Jabalia, Rafah và Khan Younis… đã trở thành nơi trú ẩn cho hàng trăm ngàn người, nhưng cuộc sống của họ mỗi ngày là một sự vật lộn và đau khổ. “Mỗi ngày đều là một cuộc chiến để tìm thức ăn và nước uống. Chúng tôi không biết khi nào mọi thứ sẽ kết thúc”, theo lời Fatima, một phụ nữ 35 tuổi trong phóng sự được Reuters ghi lại.
Khoảng 7:30 tối và Mặt trời đang lặn tại trại Deir el-Balah trung tâm Gaza, nơi hiện có khoảng 4.000 người sinh sống, Nimah Elyan và 4 đứa con nhỏ của cô trở về “nhà” - một chiếc lều màu be sơ sài. Nimah, 45 tuổi, dùng một miếng bọt biển và một xô nước để tắm cho những đứa trẻ, nói trong một phóng sự được hãng tin Al Jazeera đăng tải hồi tháng 9: “Chiếc lều vào mùa Hè thật kinh khủng. Chúng tôi không thể ở trong lều dù chỉ năm phút trong ngày. Cái nóng thực sự không thể chịu nổi”. Da những đứa trẻ ửng đỏ khi phải ở dưới ánh Mặt trời cả ngày, thiếu các sản phẩm vệ sinh và tình trạng thiếu nước ngọt, nguồn nước dùng để tắm và uống được họ lấy từ một bệnh viện gần đó. Việc di chuyển đến bãi biển là cả hành trình dài, hoặc phải thuê xe với giá đắt đỏ hoặc đi bộ dưới cái nóng thiêu đốt, nhưng cái nóng không cho phép họ có lựa chọn khác. Những khi phía Israel tấn công, họ buộc phải ở trong trại dù thời tiết có thế nào. Nimah nói thêm: “Cuộc sống quá khó khăn. Việc phải di chuyển tránh nóng mỗi ngày khiến chúng tôi thường không được nhận thức ăn từ bếp ăn cộng đồng”, vì vậy sau khi trở về nhà, khẩu phần ăn của Nimah và những đứa trẻ là bất cứ thứ gì họ kiếm được, hoặc không!
Đổ nát và hoang tàn trên dải đất Gaza.
Trong khi đó, tại trại Jabalia, nằm ở phía Bắc Dải Gaza, một trong những trại tị nạn lớn nhất và đông dân nhất trong khu vực, với khoảng 110.000 người, tình hình đang ở mức khẩn cấp, với nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến điều kiện sống, vệ sinh và y tế. Các gia đình phải sống trong các căn phòng nhỏ, chật chội, với nhiều thế hệ cùng chung một không gian. Hầu hết các căn nhà được xây dựng tạm bợ, thiếu sự bảo trì và không an toàn. Không gian sống hạn chế khiến cho sự riêng tư gần như không tồn tại. Tại Trại Jabalia thường xuyên mất điện, và nguồn nước sạch rất hạn chế.
Theo báo cáo của UNRWA, khoảng 60% dân số tại đây không có đủ nước sạch để sử dụng hàng ngày. Nhiều khu vực trong trại thiếu các cơ sở vệ sinh cơ bản, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Rác thải cũng không được thu gom thường xuyên, gây ra mùi hôi khó chịu và tạo điều kiện cho côn trùng phát triển.WHO ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm tăng cao do điều kiện sống không đảm bảo vệ sinh, trong khi hệ thống y tế đặc biệt khó khăn do thiếu thuốc men và thiết bị. Nỗi lo sợ về an ninh và sự thiếu thốn kéo dài đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, đặc biệt là trẻ em. UNICEF ghi nhận tỷ lệ trẻ em mắc các vấn đề tâm lý như lo âu và trầm cảm ở Jabalia tăng cao, trong khi nhiều trẻ em không thể tiếp tục đến trường do điều kiện không ổn định và thiếu thốn.
Mọi chuyện tại Trại Rafah, nơi cưu mang khoảng 90.000 người tị nạn hay Trại Khan Younis, với khoảng 80.000 cư dân, cũng không khả quan hơn. Hệ thống nước thải đã xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng ô nhiễm và bùng phát bệnh tật. Một khảo sát của tổ chức “Médecins Sans Frontìeres” (Bác sĩ không biên giới) cho thấy tỷ lệ bệnh tật tại Trại Rafah cao gấp đôi so với các khu vực khác trong Gaza.
Người tị nạn xếp hàng chờ nước sạch Tại Trại Jabalia phía Bắc Gaza.
Thảm cảnh chưa có hồi kết
Chiến tranh làm gián đoạn mọi khía cạnh của đời sống, hàng hóa thiếu thốn trong khi viện trợ bị cản trở, người dân phải vật lộn để tìm miếng ăn hàng ngày. Thực phẩm đóng hộp, thứ thức ăn “phổ biến” nhiều tháng nay chứ không phải trái cây, rau hay thịt cá, thậm chí cũng khan hiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Gần như toàn bộ 2,2 triệu cư dân của Gaza đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Theo LHQ và các nhóm nhân đạo, lượng viện trợ đến tay người dân Gaza giảm kể từ khi Israel tấn công Rafah hồi tháng 5, nơi có một phần đáng kể cơ sở hạ tầng phân phối viện trợ vào Gaza. Số lượng xe tải trung bình vào Gaza mỗi ngày đã giảm từ 169 xe vào tháng 4, xuống còn dưới 80 xe vào tháng 6 và tháng 7. Trong số 4 cửa khẩu được phép chuyển hàng hóa vào Gaza, một số lại ưu tiên hàng hóa thương mại hơn là hàng cứu trợ và việc mở những cửa khẩu này cũng không thể bù đắp được những thiệt hại do việc đóng cửa khẩu Rafah. Cuối tháng 8, UNRWA cho biết chiến dịch của Israel ở phía Bắc khu Bờ Tây cũng đã khiến cơ quan này phải đình chỉ các hoạt động cứu trợ người dân tại một số trại tị nạn.
Trong tình trạng khó khăn đó, mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi sự sụp đổ của luật pháp và trật tự tại Gaza, cùng với sự gia tăng nạn buôn lậu hàng cấm khiến xe tải cứu trợ trở thành mục tiêu của những kẻ tội phạm. Khi xe tải đi qua được cửa khẩu, các nhóm này thường xuyên tiến hành các vụ cướp bóc trước khi hàng cứu trợ đến được với người dân. Nhiều nhóm cứu trợ cũng đã phải tạm dừng hoạt động tại Gaza vì nguy hiểm.
Ngày 12/9/2024, Refugees International công bố báo cáo về tình trạng người Palestine ở Gaza, trong đó ghi nhận những cuộc trao đổi, phỏng vấn và nguồn tin từ người dân địa phương và các tổ chức cứu trợ hoạt động trong khu vực, qua đó càng bổ sung thêm những cảnh báo của LHQ, các cơ quan cứu trợ và các tổ chức giám sát về nạn đói thảm khốc đang hoành hành trong khu vực. Một bức tranh đặc biệt u ám đã được khắc họa.
Việc thiếu thực phẩm liên tục buộc các gia đình Palestine phải ưu tiên cho trẻ em, thực tế khiến nhiều cha mẹ rơi vào tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và sụt cân nghiêm trọng, tất nhiên kéo theo đủ loại bệnh tật. Ở một số khu vực của Gaza, tình trạng thiếu lương thực kéo dài đã khiến nhiều gia đình phải tìm đến các biện pháp tuyệt vọng. Một số người chia sẻ rằng họ phải ăn bất cứ thứ gì có sẵn, kể cả những thứ dường như không phải thực phẩm. Một cư dân ở phía Bắc Gaza cho biết gia đình anh từng không có thức ăn trong liên tục 17 ngày suốt những tháng đầu của cuộc chiến, và tình trạng thiếu hụt vẫn luôn đeo bám từ đó đến nay. Để tồn tại, họ thậm chí đã ăn thức ăn cho động vật, cỏ dại địa phương và cả lá cây. Một nhân viên cứu trợ của UNRWA nhớ lại: “Tất cả những gì họ có là nước, muối và có thể là một miếng dưa chuột hoặc cà chua - một thứ không đáng kể đến mức không thể gọi là bữa ăn”.
Tên lửa phóng từ Iran bị hệ thống phòng không của Israel đánh chặn trên bầu trời Jerusalem, ngày 1-10-2024.
Giá thực phẩm cơ bản và các mặt hàng phi thực phẩm đã tăng vọt kể từ khi chiến tranh bắt đầu do khan hiếm và nhu cầu cao. Và trong khi các lô hàng thương mại có thể cải thiện nguồn cung thì một vấn đề khác lại nảy sinh khi tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng ở Gaza vẫn khiến hầu hết mọi người không thể tiếp cận được những mặt hàng này. Các chuyến hàng thương mại được ưu tiên thay vì thực phẩm nhân đạo càng gây thêm áp lực cho các hộ gia đình tuyệt vọng, những người thậm chí đã phải bán tài sản - từ đồ trang sức, ôtô, đất đai - để đủ khả năng chi trả mức giá cắt cổ hoặc thậm chí là trốn khỏi Gaza đến Ai Cập.
Việc tiếp cận tiền mặt trong nền kinh tế chiến tranh của Gaza trở nên khó khăn do các ngân hàng và máy ATM đóng cửa. Hầu hết người Palestine chỉ có thể tiếp cận tiền mặt thông qua các máy ATM còn lại hoặc các nhà môi giới thương mại. Đến tháng 3/2024, chỉ có 6 trong số 91 máy ATM của Gaza hoạt động, nhưng thường trong tình trạng thiếu tiền mặt. Đến tháng 7/2024, con số này chỉ còn 4 máy, phục vụ cho hơn 2 triệu người dân.
Hệ thống y tế tại Gaza cũng gần như bị vô hiệu hóa. Các báo cáo từ LHQ và từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy nhiều bệnh viện hoạt động dưới áp lực lớn, thiếu hụt thuốc men và trang thiết bị y tế. Sự tàn phá của các cuộc không kích và giao tranh đã khiến nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy, dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Theo báo cáo của WHO từ năm 2023, khoảng 50% cơ sở y tế không hoạt động hoặc hoạt động không đầy đủ, khiến cho người dân không thể tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản, và khi giao tranh không thấy hồi kết, thực tế chắc chắn còn tồi tệ hơn. Thiếu hụt thuốc men và thiết bị y tế đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, khi nhiều bệnh nhân không thể nhận được điều trị cần thiết, nhất là các bệnh mãn tính như tiểu đường và cao huyết áp, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng
Việc thu gom rác thải cũng không được thực hiện thường xuyên, khiến cho môi trường sống trở nên ô nhiễm và nguy hiểm. Mọi chuyện càng tệ hơn trong mùa Hè, khi nhiệt độ tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và côn trùng phát triển. Vệ sinh kém và thiếu hụt dịch vụ y tế đã dẫn đến tình trạng gia tăng bệnh tật trong cộng đồng. Các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi, tiêu chảy và các bệnh ngoài da đã trở thành mối lo ngại lớn, đặc biệt là trong số trẻ em và người già. Tính đến ngày 29/7/2024, WHO báo cáo 65.368 trường hợp phát ban, 103.385 trường hợp ghẻ và chấy và 11.214 trường hợp thủy đậu kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Đầu tháng 6 vừa qua, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố số liệu cho thấy cuộc xung đột ở Dải Gaza đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở các vùng lãnh thổ của Palestine tăng lên gần 80%. ILO nhận định cuộc xung đột giữa Hamas và Israel đã “làm mất việc làm và sinh kế trên quy mô lớn” đồng thời kéo tụt Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại đây. Tuy nhiên, điều đáng nói là số liệu trên chưa tính đến “những người đã rời bỏ thị trường lao động vì triển vọng việc làm thấp” nên con số thực tế có thể còn cao hơn.
Không chỉ hạ tầng, hàng triệu người dân phải đối mặt với các vấn đề tâm lý nặng nề do những trải nghiệm đau thương từ chiến tranh. Các tổ chức nhân đạo đã báo cáo rằng tỷ lệ trầm cảm và lo âu gia tăng đáng kể trong cộng đồng, đặc biệt là ở trẻ em. Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), 80% trẻ em ở Gaza đã trải qua ít nhất một lần trải nghiệm bạo lực, điều này dẫn đến những tổn thương tâm lý lâu dài với những nguy cơ cho nhiều thế hệ về sau.
Thảm cảnh của người dân Gaza ngày càng tồi tệ hơn, cộng đồng quốc tế cũng đã không ngừng cảnh báo và kêu gọi các bên ưu tiên vấn đề nhân đạo, tăng viện trợ, bảo vệ mạng sống của người Palestine và những con tin Israel còn lại. Tuy nhiên, thiếu vắng một lệnh ngừng bắn lâu dài, bền vững, những lối thoát cho cuộc chiến vẫn ở quá xa trong khi những người dân vô tội mắc kẹt trong cuộc chiến phải đối mặt với thực tế ngày càng ảm đạm.
Người Palestine tị nạn “chung sống” cùng rác thải tại Trại Tal al-Sultan, phía Nam Gaza, gần biên giới Ai Cập.
Nỗi đau không của riêng ai
Ở bờ bên kia của cuộc chiến, cũng vẫn là một bức tranh màu tối khác.
Năm 2023, chính phủ liên minh do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lãnh đạo đã đề xuất một loạt cải cách tư pháp gây tranh cãi, theo đó giảm quyền lực của Tòa án Tối cao và tăng quyền lực cho chính giới, làm dấy lên lo ngại về sự xói mòn các cơ chế giám sát quyền lực chính phủ, và thậm chí có những chỉ trích gay gắt còn cho rằng đây là sự kết thúc của nền dân chủ ở Israel. Thực tế này dẫn đến làn sóng phản đối mạnh mẽ từ nhiều tầng lớp trong xã hội và kích động các cuộc biểu tình lớn, đe dọa gây rạn nứt nghiêm trọng tại đất nước Do Thái và cả vận mệnh chính trị của ông Netanyahu.
Mọi chuyện đã nhanh chóng thay đổi sau ngày 7/10/2023, những tranh cãi về cải cách tư pháp đã bị lãng quên. Cả đất nước Israel bàng hoàng trước quy mô mất mát về sinh mạng và sự tàn bạo của các nhóm vũ trang Palestine do Hamas cầm đầu vượt biên từ Dải Gaza tiến hành các vụ sát hại, tấn công, hãm hiếp và bắt giữ con tin. Trong những tháng tiếp theo, cả đất nước Israel sục sôi và sự đồng thuận rộng rãi về nhu cầu triệt tiêu Hamas, và hơn hết là thống nhất sự ủng hộ đối với các chiến dịch của Lực lượng Phòng vệ Israel.
Từ đó đến nay, những bản tin về cuộc xung đột vẫn liên tục được cập nhật cùng các diễn biến mới. Những nỗi đau, nỗi ám ảnh kinh hoàng của những người chứng kiến, những người nhà nạn nhân thiệt mạng và những thân nhân của các con tin chưa được giải thoát vẫn còn vẹn nguyên. Thậm chí có ý kiến cho rằng với những gì đã diễn ra, nói với người dân Israel ở thời điểm này về một giải pháp hòa bình dường như vẫn còn quá khó.
Khi những tháng trôi qua và giao tranh tiếp diễn, Thủ tướng Benjamin Netanyahu lại một lần nữa bị chỉ trích gay gắt. Trên hết tất cả những vấn đề, người ta đổ lỗi cho ngày 7/10/2023 và đổ lỗi cho việc nhà lãnh đạo này không quyết liệt tìm cách giải cứu con tin. Những chia rẽ mới xuất hiện trong xã hội Israel, rằng cái giá phải trả để giành lại những công dân này trước khi có thêm người chết hoặc bị hành quyết là bao nhiêu?
Cuộc chiến càng làm gia tăng sự phân cực trong xã hội Israel, với những mâu thuẫn sâu sắc giữa các nhóm dân cư, bao gồm người Do Thái và người Arab, trong bối cảnh các cuộc biểu tình và phản đối vẫn diễn ra để phản ánh sự bất mãn với chính phủ và chính sách an ninh.
Các cuộc giao tranh ở biên giới, các đòn tấn công của Hezbollah từ Lebanon, và thậm chí là các loạt tên lửa từ Iran khiến vấn đề di dời trở nên nổi cộm trong xã hội Israel. Ước tính khoảng 75.000 người Israel đã phải rời bỏ nhà cửa ở phía Bắc gần biên giới Lebanon, do tên lửa của Hezbollah và nỗi sợ hãi về các cuộc tấn công xuyên biên giới xuất phát từ Gaza.
Nền kinh tế Israel cũng chịu áp lực lớn từ cuộc xung đột. Các ngành du lịch và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến tình trạng thất nghiệp và khó khăn tài chính cho nhiều gia đình. Tính theo bình quân đầu người, GDP của Israel đã giảm 0,4% trong quý II/2024 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi số liệu dân số được điều chỉnh. Cuộc chiến ở Dải Gaza là một trong những nguyên nhân làm xói mòn triển vọng đầu tư, trong khi nguồn cung hàng hóa nhập khẩu gián đoạn đã ảnh hưởng tới nhập khẩu và tiêu dùng trong nước. Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch hồi tháng 8/2024 đã đánh tụt hạng nền kinh tế Israel từ A+ xuống A, nhận định triển vọng “tiêu cực” cho nền kinh tế này khi cuộc chiến ở Dải Gaza kéo dài sang năm 2025.
Trong khi đó, khi cuộc chiến bước sang những giai đoạn mới, những ngã rẽ và các bước leo thang nghiêm trọng, Israel đối mặt với nhiều chỉ trích từ các tổ chức quốc tế và quốc gia khác về cách thức ứng phó với xung đột, một thực tế đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ ngoại giao và thương mại. Trước xung đột, người ta đã mơ về một Trung Đông mới với những nền móng đầu tiên cho sự hòa giải của Israel với thế giới Arab. Những hy vọng vẫn còn đó, nhưng chỉ thời gian mới có câu trả lời.
Thái Hân
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/phia-sau-mot-cuoc-chien-i749373/