Ảnh: Internet
Năm ngoái, Ukraine đã phát tín hiệu rằng không có ý định gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt tự nhiên qua đường ống có thời hạn 5 năm cho các nước Liên minh Châu Âu (EU) khi thỏa thuận này hết hạn vào ngày 31/12/2024, trong khi Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson cho biết ban điều hành EU "không quan tâm" đến việc thúc đẩy khôi phục thỏa thuận này.
EU đã cảnh báo các nước thành viên chuẩn bị cho một thế giới không có khí đốt của Nga, với khí đốt của Ukraine chiếm 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU.
Tờ Politico dẫn lời bà Aura Sabadus, một nhà phân tích cấp cao tại công ty theo dõi thị trường ICIS, cho biết Áo, Hungary và Slovakia có khả năng sẽ là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nguồn nhập khẩu bị gián đoạn.
Gần đây, Nga cho biết họ sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho Châu Âu qua Ukraine nếu Kyiv và các nước Châu Âu liên quan có thể đạt được thỏa thuận.
"Tất nhiên, theo tôi, các nước châu Âu hiện đang nhận khí đốt thông qua hành lang này rất quan tâm đến việc tiếp tục hợp tác như vậy", Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, người phụ trách chính sách năng lượng của Nga nhấn mạnh.
"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp khí đốt, nhưng không phụ thuộc nhiều vào chúng tôi, vì vậy có lẽ điều này nên được đàm phán trực tiếp giữa nước tiêu thụ và quốc gia có đường ống trung chuyển", ông Novak nói thêm.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã chuẩn bị tăng đáng kể lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu. Mặc dù rất muốn từ bỏ khí đốt của Nga, song điều này chắc chắn không dễ dàng với các nước Châu Âu.
Để làm được điều đó, con đường khả thi nhất là tái xuất khí đốt tự nhiên Azeri từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhằm hiện thực hóa ý tưởng này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần phải tiếp nhận thêm khí đốt của Nga để bù đắp cho sự thiếu hụt. Ankara rất muốn đóng vai trò là người cứu tinh và tăng đòn bẩy của mình đối với Brussels, nhưng họ muốn có một số đảm bảo về nhu cầu trước khi bắt đầu chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cần thiết.
Bình An
OP