Phía sau việc Tổng thống Trump chỉ trích ông Powell ngày càng quyết liệt là gì?

Phía sau việc Tổng thống Trump chỉ trích ông Powell ngày càng quyết liệt là gì?
7 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ (Al Drago/Bloomberg/Getty Images)
Các cố vấn của ông Trump hiện đang tham gia rõ rệt vào một chiến dịch có phối hợp nhằm gia tăng áp lực chỉ trích công khai lên Powell, thông qua cả tuyên bố chính trị và các biện pháp hành chính, tất cả nhằm tạo thêm đòn bẩy cho Tổng thống.
Theo các nguồn thạo tin, mục tiêu không phải là sa thải Powell, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Trump ngày càng "bất mãn" vì Fed không chịu cắt giảm lãi suất theo ý muốn, đây là bước đi cứng rắn nhất cho đến nay nhằm chuyển hóa mối đe dọa thành áp lực thực tế với Powell.
Đó cũng là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy nỗ lực mở rộng nhằm làm suy yếu cam kết độc lập của Powell và Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC). Chỉ ba tuần trước, ông Trump đã thừa nhận nỗ lực gây ảnh hưởng của mình thất bại.
“Tôi đã gọi ông ấy bằng mọi biệt danh có thể để ông ấy phải hành động. Tôi đã thử mọi cách, từ hung hăng có, mềm mỏng có, nhưng chẳng gì hiệu quả cả”, ông Trump nói, thể hiện sự khó hiểu trước việc Powell không bị thuyết phục.
Giờ đây, các cố vấn của Trump cho thấy họ chưa hề từ bỏ.
Leo thang từ kịch bản quen thuộc
Tốc độ chiến dịch chống lại Chủ tịch Powell bùng nổ hôm thứ Năm vừa nhanh, vừa có thể đoán trước, phản ánh cách tiếp cận triệt để của chính quyền Trump nhiệm kỳ hai, với quan điểm mở rộng tối đa quyền lực hành pháp và sự am hiểu sâu sắc về các công cụ pháp lý, hành chính để thực thi điều đó.
Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) Russell Vought đã khởi động chuỗi sự kiện này bằng một bức thư công khai gửi Powell, đăng trên mạng xã hội, gợi ý rằng Chủ tịch Fed có thể đã vi phạm luật liên quan đến việc quản lý dự án cải tạo trụ sở của Fed.
Trong thư, Vought viện dẫn lời khai của Powell trước Quốc hội tháng trước và cho rằng dự án cần được Ủy ban Quy hoạch Quốc gia phê duyệt theo Đạo luật Quy hoạch Thủ đô. Vought khẳng định mục tiêu của thư là “tìm hiểu rõ hơn” về dự án trong bối cảnh chi phí đội lên và những điểm chưa rõ trong lời khai của ông Powell.
“Chúng tôi sẽ đặt ra những câu hỏi khó cho Fed. Nhưng Tổng thống cảm thấy bị xúc phạm vì chi phí vượt dự toán, ông ấy là một nhà phát triển bất động sản mà”, Vought nói với báo giới sáng thứ Sáu.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông Trump có muốn Fed duy trì sự độc lập hay không, Vought gọi câu hỏi đó là “không liên quan.”
“Tổng thống có quan điểm chính sách rất rõ ràng, chúng ta cần lãi suất thấp hơn”, ông Vought nói và thêm rằng: “Ông ấy cho rằng ông Powell luôn hành động quá trễ. Fed đã bị quản lý yếu kém”.
Đáng chú ý, lá thư của Vought trùng thời điểm với việc lặng lẽ thay thế ba thành viên trong Ủy ban Quy hoạch Quốc gia bằng những người thân tín, tất cả đã tuyên thệ nhậm chức trước cuộc họp Ủy ban tối thứ Năm, theo nguồn tin của CNN.
Chuỗi hành động này mang "dấu hiệu quen thuộc" từng được ông Trump và ê-kíp thân cận sử dụng trong suốt một thập kỷ qua: bắt đầu bằng một cáo buộc ít được chú ý, sau đó khuếch đại thành dư luận, rồi biến nó thành cơ sở điều tra, từ đó làm mất uy tín hoặc mở đường cho các hành động mạnh hơn.
Việc ông Vought, một trong những cố vấn trung thành, hiểu luật và có ảnh hưởng nhất của Trump trực tiếp tham gia đã là một bước leo thang đáng chú ý.
“Tôi cho rằng các quan chức do chính trị bổ nhiệm cần quay lại nghiên cứu kỹ các đạo luật nền tảng để biết đâu là giới hạn có thể đi xa hơn”, ông Vought nói trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái trên podcast Statecraft, chia sẻ về triết lý quản trị của mình.
“Đừng chỉ giữ nguyên hiện trạng hay chờ Quốc hội bật đèn xanh. Tổng thống cần quản lý vốn chính trị, nhưng phải có các lựa chọn phù hợp với pháp luật”, ông nói.
Đáp lại, Fed hôm thứ Sáu đã đăng tải mục “Câu hỏi thường gặp” về dự án cải tạo trụ sở, bác bỏ nhiều cáo buộc gần đây liên quan đến chi phí và các chi tiết trong xây dựng. Trang này kèm ảnh cho thấy tình trạng dột nát, nền móng nứt nẻ và nỗ lực xử lý chất amiăng tồn đọng trong tòa nhà.
“Cục Dự trữ Liên bang luôn nghiêm túc với trách nhiệm quản lý tài sản công”, thông báo viết.
Fed từ chối bình luận thêm, bao gồm cả câu hỏi từ CNN về việc liệu trang này có phải phản ứng trực tiếp với thư của Vought hay không.
Không có nỗ lực chính thức nhằm sa thải Chủ tịch Powell
Các quan chức Nhà Trắng cho biết hiện không có kế hoạch chính thức nào nhằm tìm cách sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell, một ý định đã ám ảnh Trump từ lâu nhưng liên tục bị các cố vấn can ngăn do lo ngại về ràng buộc pháp lý và phản ứng của thị trường.
Ông Trump một lần nữa khẳng định điều này hôm thứ Sáu. Khi được phóng viên Kit Maher của CNN hỏi liệu ông có định sa thải Chủ tịch Fed sau khi chính quyền gia tăng tấn công hôm thứ Năm hay không, Trump trả lời “Không, nhưng tôi nghĩ ông ấy đang làm rất tệ”. Khi CNN hỏi lại liệu ông có định sa thải Powell hay không, Trump chỉ nói: “Không”.
Tuy nhiên, các lo ngại xung quanh việc sa thải Powell vẫn chưa hạ nhiệt, đặc biệt sau phán quyết của Tòa án Tối cao hồi tháng 5, trong đó khẳng định quyền lực của ông Trump trong việc cách chức các quan chức hành pháp. Tuy nhiên, phán quyết này cũng nhấn mạnh rằng quyền đó không áp dụng cho Cục Dự trữ Liên bang, một “thực thể bán công có cấu trúc đặc biệt” cần được duy trì sự độc lập đặc biệt.
Rủi ro nghiêm trọng hơn và theo nhiều nguồn tin là lý do chính khiến ông Trump vẫn chưa hành động chính là kỳ vọng rằng bất kỳ động thái nào cũng sẽ ngay lập tức dẫn đến một đợt bán tháo mạnh trên thị trường tài chính.
Hơn nữa, một cuộc chiến pháp lý dài hơi, phức tạp và đầy tranh cãi nếu xảy ra, khi ông Powell nhiều khả năng sẽ kiện ngược lại nếu bị bãi nhiệm, có thể khiến nền kinh tế Mỹ vốn đang ổn định và vững vàng rơi vào bất ổn kéo dài trong nhiều tháng.
“Nếu tổng thống thực sự tìm cách cách chức Chủ tịch Fed, phản ứng của thị trường sẽ rất dữ dội, thậm chí trước cả khi tòa án có cơ hội xét xử”, cựu Thống đốc Fed Daniel Tarullo nói trong cuộc phỏng vấn với Harvard Gazette hồi tháng 4.
“Tác động thị trường dự báo trước như vậy chính là lý do đủ mạnh để không nên làm điều đó, bất kể chính quyền có bất mãn với chính sách của ông ấy đến đâu”, ông nói.
Tăng áp lực gián tiếp
Dù một số cố vấn của Trump, bao gồm cả ông Vought từ trước nhiệm kỳ hiện tại từng đặt câu hỏi về cơ sở pháp lý của sự độc lập Fed, thì hiện tại chính quyền vẫn rất thận trọng với phản ứng thị trường.
Sự thận trọng này càng được nhấn mạnh qua một trong những sắc lệnh hành pháp quan trọng nhất mà ông Trump từng ký để mở rộng quyền lực tổng thống như đặt các cơ quan từng được xem là độc lập trực tiếp dưới quyền điều hành của Nhà Trắng.
Tuy nhiên, trong sắc lệnh đó có một điều khoản quan trọng được đưa vào rất kín đáo: “Sắc lệnh này không áp dụng đối với Hội đồng Thống đốc Hệ thống Dự trữ Liên bang hoặc Ủy ban Thị trường Mở Liên bang trong việc thực hiện chính sách tiền tệ”.
Các quan chức cho biết điều này vẫn không thay đổi, và điều đó cho thấy rõ rằng các động thái gần đây chủ yếu nhằm gây áp lực gián tiếp lên cả ông Powell lẫn các thành viên bỏ phiếu của FOMC.
“Chúng tôi hiểu rằng ông Powell không phải người quyết định một mình”, một quan chức chính quyền nói với CNN tuần trước và thêm rằng: “Quan điểm của chúng tôi là các thành viên có quyền bỏ phiếu cần nhìn vào dữ liệu, bất kể quan điểm của Powell và chúng tôi tin rằng dữ liệu đang ủng hộ lập luận của chúng tôi”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt giơ cao một bức thư viết tay của Tổng thống Donald Trump gửi Chủ tịch Fed Jerome Powell về việc hạ lãi suất (Ricky Carioti/The Washington Post/Getty Images)
Kế hoạch thay thế Powell
Lập trường hiện tại của chính quyền Trump càng được củng cố khi cuộc đua thay thế Chủ tịch Fed Jerome Powell, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm tới bắt đầu nóng lên.
Kevin Warsh, một trong ba ứng viên được đánh giá có nhiều khả năng được Trump lựa chọn tuần này phát biểu trên kênh Fox Business, rằng thuế quan không gây ra lạm phát, và nền kinh tế Mỹ đang bị kìm hãm bởi “các chính sách kinh tế sai lầm từ ngân hàng trung ương”.
Trong khi đó, Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời ông Trump và cũng là một ứng viên hàng đầu đã đưa ra lập luận tương tự dựa trên dữ liệu kinh tế. Trớ trêu thay, chính ông Hassett là người từng góp phần thuyết phục ông Trump không sa thải ông Powell trong nhiệm kỳ đầu, sau khi âm thầm nghiên cứu tính pháp lý cùng các luật sư Nhà Trắng.
“Chúng tôi phát hiện rằng Tổng thống có thể không đủ quyền để sa thải ông ấy và đã thông báo điều đó ngay tại Phòng Bầu dục”, ông Hassett viết trong hồi ký về thời gian làm việc trong chính quyền Trump.
“Có thể sa thải ông ấy khỏi vị trí chủ tịch, nhưng ông ấy vẫn được giữ lại với tư cách thành viên Hội đồng. Các thành viên khác vẫn có thể coi ông ấy là chủ tịch, và chuyện sẽ chỉ dừng lại ở đó”, ông cho biết.
Chiến dịch phối hợp gây áp lực
Dù sự bất mãn của ông Trump với ông Powell đã kéo dài nhiều năm, các đòn công kích trước đây chủ yếu chỉ đến từ cá nhân ông.
Tuy nhiên, việc ông Trump gần đây thừa nhận thất bại trong nỗ lực “đơn thương độc mã” nhằm gây áp lực lên ông Powell dường như đã thổi bùng hành động phối hợp từ các đồng minh thân cận.
“Ngài Tổng thống đã nói điều này suốt một thời gian, và nay càng rõ ràng hơn, việc Fed từ chối hạ lãi suất là một hành vi sai lầm trong điều hành tiền tệ”, Thượng nghị sĩ J.D. Vance viết trên nền tảng X, ngay sau phát biểu của ông Trump.
Bill Pulte, Giám đốc Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang (FHFA) - người đã nhiều tuần công kích Powell, tiếp tục kêu gọi ông từ chức chỉ vài giờ sau tuyên bố của Trump.
Chiến dịch này càng trở nên căng thẳng trong tuần qua.
Peter Navarro, cố vấn lâu năm và là người hoạch định chính sách thương mại cứng rắn nhất của ông Trump đã đăng bài xã luận trên tờ The Hill với tiêu đề: “Ông Powell đang cạnh tranh danh hiệu Chủ tịch Fed tệ nhất lịch sử”. Sau đó, ông liên tiếp xuất hiện trên các kênh truyền hình như Newsmax, Scripps, CNBC và Fox Business để bàn luận về bài viết.
Việc ông Navarro lên sóng truyền hình luôn được Phố Wall chú ý, vì ông thường là tín hiệu cho các lập trường cứng rắn hơn về chính sách thuế quan. Nhưng lần này, Navarro nhấn mạnh ông không muốn bàn về thuế quan và cũng không đi trước Tổng thống trong chủ đề đó. Điều ông muốn nói là về ông Powell.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, khi được hỏi về Chủ tịch Powell trên Newsmax, cũng không né tránh.
“Ông ấy phải thay đổi và ông ấy phải rời khỏi vị trí đó”. Lutnick nói. Trong các chính quyền trước đây, phát ngôn như vậy từ một thành viên nội các sẽ là điều chấn động. Nhưng tuần này, gần như chẳng ai bất ngờ.
Mục tiêu cuối cùng: Tác động đến toàn FOMC
Dù các động thái gần đây rất quyết liệt, các cố vấn cho biết mục tiêu cuối cùng không phải là sa thải Powell. Thay vào đó, đó là cách truyền thông điệp và gây áp lực lên các thành viên có quyền bỏ phiếu trong FOMC trước kỳ họp tiếp theo.
Chiến lược này được thể hiện rõ nhất qua lời của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, cố vấn kinh tế hàng đầu của Trump và là cầu nối quan trọng với Phố Wall cũng như nhà đầu tư quốc tế.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News Sunday ngày 6/7, ông Bessent ví cách tiếp cận của ông Trump với hai huyền thoại bóng rổ đại học Mỹ.
“Có trường phái Bobby Knight và trường phái Dean Smith”, Bessent nói và nhắc đến huấn luyện viên nổi tiếng nóng nảy của Đại học Indiana và người đồng nghiệp điềm tĩnh, kiểm soát tốt của Đại học North Carolina.
“Tổng thống rõ ràng thuộc trường phái Bobby Knight và tôi xin nhắc, Knight giành 3 chức vô địch quốc gia còn Dean Smith chỉ có 2. Vậy nên, "tác động đến trọng tài" đôi khi lại hiệu quả”, ông nói.
Đại Hùng
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/phia-sau-viec-tong-thong-trump-chi-trich-ong-powell-ngay-cang-quyet-liet-la-gi-167202.html