Phích nước Rạng Đông (RAL) ghi nhận quý kinh doanh khó khăn nhất kể từ năm 2020

Phích nước Rạng Đông (RAL) ghi nhận quý kinh doanh khó khăn nhất kể từ năm 2020
6 giờ trướcBài gốc
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, doanh thu thuần trong kỳ chỉ đạt 1.527,8 tỷ đồng, giảm tới 46% so với cùng kỳ năm 2024. Mặc dù biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhẹ lên mức 21,5%, nhưng do doanh thu giảm sâu, lợi nhuận gộp cũng chỉ còn 328,2 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài giảm mạnh từ 4,7 tỷ đồng xuống còn 2,5 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí tài chính lại tăng vọt từ 20 tỷ đồng lên 24,4 tỷ đồng, trong đó gần như toàn bộ là chi phí lãi vay.
Báo cáo tài chính quý I của RAL
Chi phí bán hàng ở mức 170,3 tỷ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ năm trước, chi phí quản lý tăng 7,8% lên 23 tỷ đồng.
Kết quả, Rạng Đông báo lãi sau thuế gần 101 tỷ đồng, giảm 48% so với quý I/2024. Đây là mức lợi nhuận quý I thấp nhất mà công ty ghi nhận kể từ năm 2020.
Lý giải về kết quả kinh doanh không mấy khả quan, ban lãnh đạo Rạng Đông cho biết doanh nghiệp đang phải hứng chịu sức ép rất lớn từ làn sóng hàng hóa ngoại nhập, đặc biệt là từ Trung Quốc, nơi nhiều nhà sản xuất đang dư thừa công suất và ồ ạt xả hàng. Song song đó, nhiều tập đoàn nước ngoài đang đẩy mạnh hiện diện tại thị trường Việt Nam, mang theo mô hình kinh doanh hiện đại, tiềm lực mạnh và khả năng tiếp cận thị trường nhanh chóng thông qua các nền tảng thương mại điện tử và mô hình kết hợp trực tuyến - truyền thống (O2O). Những yếu tố này đang trực tiếp lấn sân thị phần của các doanh nghiệp nội địa như Rạng Đông.
Không chỉ đối mặt với cạnh tranh khốc liệt, Rạng Đông còn bị ảnh hưởng nặng nề từ sự suy giảm chung của thị trường. Các số liệu thống kê cho thấy số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong năm 2024 đã tăng 15%. Đáng chú ý, chỉ trong hai tháng đầu năm 2025, đã có khoảng 67.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động – gấp đôi mức trung bình năm trước. Diễn biến này phản ánh sức mua yếu kém và môi trường kinh doanh đầy bất ổn, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động tiêu thụ và sản xuất của công ty.
Về mặt tài chính, tổng tài sản của công ty giảm gần 3% trong quý I, hiện ở mức dưới 8.100 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ việc giảm khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng – từ 4.364 tỷ đồng còn 3.730 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điểm sáng trong bức tranh tài chính là lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tiếp tục gia tăng, đạt gần 1.645 tỷ đồng, nhờ vào hoạt động vẫn duy trì lợi nhuận dương. Ở chiều ngược lại, giá trị hàng tồn kho tăng mạnh 18% lên mức 2.090 tỷ đồng, cho thấy thách thức trong việc tiêu thụ sản phẩm khi sức mua thị trường suy giảm.
Rạng Đông hiện duy trì mức vay nợ tài chính hơn 3.500 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu được củng cố nhờ phần lợi nhuận chưa phân phối tiếp tục tăng, hiện đạt trên 3.400 tỷ đồng.
An Vũ
Nguồn Thị Trường Tài Chính : https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/phich-nuoc-rang-dong-ral-ghi-nhan-quy-kinh-doanh-kho-khan-nhat-ke-tu-nam-2020-141733.html