Douyin, nền tảng video ngắn thuộc tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), đã thực hiện bước đi nhằm giải quyết những lo ngại từ công chúng về hệ thống đề xuất nội dung mạnh mẽ của mình.
Gần đây, Douyin đã ra mắt trang web đặc biệt 95152.douyin.com, cung cấp thông tin về cách ứng dụng đề xuất và “kiểm duyệt” nội dung hơn 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày. Động thái này diễn ra vài tháng sau khi Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc phát động chiến dịch ngăn chặn việc lạm dụng thuật toán trên các nền tảng trực tuyến trong nước.
Theo trang web của Douyin, thuật toán hoạt động như một “quá trình mô hình hóa toán học nhằm thiết lập mối tương quan giữa hành vi người dùng và đặc điểm nội dung, thay vì hiểu nội dung đó”.
Trang web cho biết thuật toán theo dõi hành vi người dùng, gồm lượt thích, theo dõi, chia sẻ và thời gian xem video, để dự đoán sở thích của họ.
Trang web cũng nhấn mạnh rằng Douyin không theo dõi người dùng. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng đôi khi người dùng có thể cảm thấy như bị giám sát, chẳng hạn khi tìm kiếm thức ăn cho thú cưng trên một ứng dụng, sau đó thấy quảng cáo tự động về sản phẩm đó trên nền tảng khác.
Nội dung của trang web đặc biệt này phản ánh nỗ lực từ Douyin, cùng các đối thủ như Kuaishou Technology và Tencent Holdings, nhằm làm cho hệ thống đề xuất trực tuyến minh bạch hơn giữa bối cảnh chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát việc lạm dụng thuật toán trên các nền tảng thường xuyên được công chúng sử dụng.
Hơn 1 tỉ người dùng internet tại Trung Quốc dành trung bình 2,5 giờ mỗi ngày để xem video ngắn, theo cuộc khảo sát do nhà nước tài trợ.
Thuật toán đề xuất cũng là tài sản giá trị nhất của các nền tảng như Douyin, khiến chính phủ Trung Quốc cấm xuất khẩu công nghệ này. Điều đó cũng làm cho thương vụ bán TikTok tại Mỹ trở nên phức tạp và khó khăn hơn.
Douyin vừa ra mắt một trang web đặc biệt để giải thích cách ứng dụng đề xuất và “kiểm duyệt” nội dung cho người dùng - Ảnh: Shutterstock
Tại Diễn đàn Truyền thông Internet Trung Quốc kéo dài hai ngày, kết thúc hôm 30.3 vừa qua, lãnh đạo các nền tảng mạng xã hội lớn Trung Quốc, gồm Douyin, WeChat thuộc Tencent Holdings và Weibo, đã cam kết cải thiện thuật toán của họ.
Han Shangyou, Chủ tịch Douyin, cho biết tại sự kiện rằng hệ thống đề xuất của nền tảng này không phụ thuộc vào phương pháp truyền thống là gắn nhãn nội dung hoặc người dùng.
Trong khi đó, Chen Yong (Phó chủ tịch Tencent Holdings) nói kênh video ngắn của siêu ứng dụng WeChat (còn gọi là Weixin tại Trung Quốc) thúc đẩy thói quen duyệt internet lành mạnh.
Wang Gaofei, Giám đốc điều hành Weibo, tuyên bố nền tảng này đã làm cho danh sách xu hướng trở nên “tích cực” hơn. Ông tiết lộ rằng 96% chủ đề thịnh hành trong danh mục xã hội và thời sự của Weibo năm ngoái đều dựa trên nội dung từ các cơ quan truyền thông trong nước.
"Douyin không có động lực tạo ra bong bóng lọc"
Đầu năm nay, Li Liang (lãnh đạo ByteDance) hạ thấp vai trò của các thuật toán đề xuất nội dung trong việc tạo ra “bong bóng lọc” khi công ty phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ cả Trung Quốc lẫn Mỹ.
Li Liang là Phó chủ tịch của đơn vị Douyin kiêm phụ trách ứng dụng tổng hợp tin tức Jinri Toutiao của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc).
Bong bóng lọc là thuật ngữ mô tả hiện tượng khi một người chỉ tiếp xúc với thông tin, quan điểm hoặc nội dung trực tuyến phù hợp với sở thích, niềm tin, hành vi trước đây của họ. Điều này thường xảy ra do các thuật toán trên các nền tảng trực tuyến (như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm hoặc ứng dụng tin tức) phân tích dữ liệu cá nhân của người dùng để tùy chỉnh nội dung đề xuất.
Kết quả là người dùng có thể bị "mắc kẹt" trong một môi trường thông tin giới hạn, ít gặp phải những ý kiến khác biệt hoặc thông tin đa chiều. Hiện tượng này có thể:
Làm suy giảm sự hiểu biết đa dạng: Người dùng chỉ tiếp cận thông tin mà họ đồng tình, dẫn đến nhận thức phiến diện.
Tăng cường định kiến: Việc chỉ tiếp xúc với các quan điểm giống nhau có thể củng cố niềm tin ban đầu, dẫn đến khó chấp nhận ý kiến trái chiều.
Ví dụ: Trên một nền tảng như Douyin và TikTok, nếu bạn thường xem các video về một chủ đề cụ thể (như thể thao, nhạc rap hoặc nấu ăn), thuật toán sẽ tiếp tục đề xuất các video tương tự, hạn chế khả năng bạn tiếp cận nội dung mới mẻ hoặc trái ngược với sở thích hiện tại.
Douyin "không có động lực tạo ra bong bóng lọc", Li Liang nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Ifeng News. Ngược lại, Douyin được thúc đẩy để phá vỡ các bong bóng lọc vì có nội dung đa dạng giúp giữ chân người dùng trong thời gian dài, theo Li Liang.
"Một số liệu quan trọng với Douyin là tỷ lệ giữ chân người dùng lâu dài", ông nhấn mạnh.
TikTok và Douyin đã thu hút sự chú ý của hơn 2 tỉ người dùng trên toàn thế giới bằng cách điều chỉnh nguồn cấp dữ liệu nội dung mỗi người theo sở thích xem của họ. Các thuật toán mạnh mẽ nhưng bí mật của ByteDance được coi là có giá trị đến mức chính phủ Trung Quốc quy định rằng chúng không được bán cho các thực thể nước ngoài.
Tuy nhiên, các thuật toán như vậy cũng làm dấy lên mối lo ngại rằng người dùng chỉ được tiếp xúc với thông tin và ý kiến mà họ đồng tình, tạo ra bong bóng lọc (hoặc kén thông tin).
Li Liang mô tả hệ thống đề xuất của ByteDance là sự kết hợp giữa các thuật toán và chiến lược, chẳng hạn bộ lọc cộng tác. Đó là kỹ thuật được sử dụng để tuyển chọn nội dung cho một người dựa trên sở thích hoặc hành vi của những người dùng khác có hành vi tương tự.
Ông cho biết các công cụ đề xuất của ByteDance cũng bao gồm cả một thuật toán dựa trên nội dung có thể phân tích và nhận dạng các video tương tự, cùng một cơ chế khám phá được thiết kế để cung cấp nhiều thông tin đa dạng cho người dùng với mục đích tránh bong bóng lọc.
Nguồn cấp nội dung trên các ứng dụng ByteDance không chỉ dựa vào những gì được hệ thống đề xuất mà còn gồm cả thông tin liên quan đến những gì người dùng đã tìm kiếm và chia sẻ với nhau, cũng như các chủ đề thịnh hành, ông nói thêm.
Li Liang đã hạ thấp vai trò của các thuật toán đề xuất nội dung của Douyin trong việc tạo ra “bong bóng lọc” - Ảnh: Internet
Li Liang đưa ra phát biểu này trong bối cảnh chiến dịch kéo dài ba tháng do cơ quan giám sát internet hàng đầu Trung Quốc phát động cuối tháng 11.2024 nhằm giải quyết "các vấn đề điển hình với thuật toán", gồm bong bóng lọc và giá cả không công bằng nhắm vào các nhóm nhân khẩu học khác nhau.
Douyin đã công bố kế hoạch thành lập một trung tâm an toàn trong năm 2025 để làm cho hệ thống đề xuất của mình minh bạch hơn với người dùng. Nhà điều hành nền tảng video ngắn Kuaishou Technology, cùng các nhà cung cấp ứng dụng khác như Pinduoduo và Xiaohongshu, cũng giới thiệu nhiều biện pháp khác nhau để khắc phục vấn đề liên quan đến thuật toán.
Việc ra mắt Douyin tại Trung Quốc đại lục vào năm 2016 và TikTok ở các thị trường quốc tế năm 2017 đã cách mạng hóa ngành truyền thông xã hội. Hai ứng dụng này có giao diện tương tự, cung cấp nguồn cấp dữ liệu được cá nhân hóa với các video tự động phát khi người dùng vuốt lên hoặc xuống. Cả Douyin và TikTok đều được hỗ trợ bởi cùng một công nghệ đề xuất của ByteDance.
Sức mạnh của các thuật toán ByteDance được minh chứng qua Musical.ly, tiền thân của TikTok. Sau khi ByteDance giới thiệu công cụ đề xuất nội dung của mình cho Musical.ly, thời gian người dùng dành cho ứng dụng này đã tăng gấp đôi, theo Eugene Wei, cựu giám đốc công nghệ ở Mỹ từng làm việc tại Amazon, Hulu, Flipboard và Oculus, trích dẫn lời “những người bạn tại ByteDance”.
"Sự thay đổi đó hoàn toàn không hề nhỏ", Eugene Wei viết trong một bài đăng trên blog vào năm 2020.
Trung Quốc không thể bỏ qua tầm quan trọng từ các thuật toán của ByteDance và đã cập nhật danh sách kiểm soát xuất khẩu trong năm 2020 để ngăn chặn việc bán ra nước ngoài hai công nghệ chính mà TikTok sử dụng: "Đẩy thông tin được cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu" và "giao diện tương tác trí tuệ nhân tạo". Điều này xảy ra sau khi Tổng thống Donald Trump thời điểm đó ký lệnh hành pháp buộc ByteDance phải bán tài sản TikTok tại nước này cho các chủ sở hữu người Mỹ.
Hôm 2.4, Tổng thống Trump sẽ xem xét một đề xuất cuối cùng liên quan đến TikTok trước thời hạn ngày 5.4 để ứng dụng này tìm được một nhà đầu tư không phải của Trung Quốc hoặc đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ, một quan chức Nhà Trắng tiết lộ với Reuters.
Một cuộc họp sẽ diễn ra tại Phòng Bầu dục với sự tham gia của Phó tổng thống Mỹ JD Vance, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard, quan chức này cho biết, xác nhận báo cáo của trang CBS News.
Tuần trước, Reuters đưa tin rằng hãng đầu tư tư nhân Blackstone đang thảo luận về việc tham gia cùng các cổ đông không phải của Trung Quốc hiện có của ByteDance, dẫn đầu bởi Susquehanna International Group và General Atlantic, để đóng góp thêm vốn nhằm đấu thầu mua lại hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ.
Hôm 30.3, Tổng thống Trump tuyên bố rằng một thỏa thuận với ByteDance để bán TikTok ở Mỹ sẽ hoàn tất trước thời hạn ngày 5.4. Ông Trump đã đặt ra thời hạn này vào tháng 1 để TikTok, ứng dụng video ngắn có hơn 170 triệu người Mỹ sử dụng, tìm một nhà đầu tư không phải của Trung Quốc hoặc đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ vì lý do an ninh quốc gia, theo một đạo luật năm 2024.
Sơn Vân