Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở: Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh; UBND thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn, huyện Hàm Yên.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay dự án Đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ. Các địa phương tích cực rà soát bố trí tái định cư, lập kế hoạch bồi thường; 8/9 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang thi công đáp ứng theo tiến độ hoàn thành trước ngày 31-12-2025. Đối với các dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025 để đạt mục tiêu cả nước có 3.000 km, hiện Bộ Xây dựng và các địa phương đang triển khai thi công 28 dự án, dự án thành phần với tổng số 1.188 km. Tuy nhiên còn một số địa phương miền Trung và miền Nam chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng; một số địa phương tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Tại Tuyên Quang, đối với dự án Xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã triển khai theo đúng quy định, nhiều khó khăn vướng mắc kịp thời được tháo gỡ, tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên còn một số vị trí đường gom dân sinh, mương thoát nước hạ lưu cống theo kiến nghị của nhân dân chưa thi công được do hội đồng bồi thường chưa bàn giao mặt bằng, dự kiến hoàn thành xong trong quý 2-2025. Đến nay công tác giải ngân đạt 98,29%.
Đối với dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, dự án được triển khai thi công từ đầu năm 2024, đến nay tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch đề ra. Riêng công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu so với tiến độ, giải ngân giải phóng mặt bằng đạt 86%; thi công đạt 35,54% giá trị hợp đồng…
Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong 3 nhiệm kỳ qua và trong các dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng đều xác định tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai hiệu quả phát triển hạ tầng giao thông gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy, giúp kết nối con người với con người, kết nối vùng, kết nối cả nước, kết nối quốc tế, giảm thời gian đi lại, giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí logistics, tạo công ăn việc làm, tạo không gian phát triển mới…
Theo Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh tăng trưởng của thế giới suy giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được thúc đẩy, đạt mức cao. Tới đây, cùng với việc tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, thực hiện “bộ tứ chiến lược”, các nhiệm vụ thường xuyên khác vẫn phải được thúc đẩy, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng, trong đó đầu tư, nhất là đầu tư công, mà giao thông là ngành có tỷ trọng cao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo rà soát các nhiệm vụ, trong đó tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án; thúc đẩy hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc trong năm nay, 1.000 km đường ven biển, các dự án đường sắt, đường bộ kết nối với Lào, Trung Quốc…
Đặc biệt, tập trung bàn sâu vào việc thúc đẩy triển khai xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, quyết tâm khởi công trong năm 2025 để kết nối đường sắt Việt Nam với Trung Quốc, Trung Á, châu Âu; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát triển hạ tầng giao thông, trên tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ các thành viên Ban Chỉ đạo phải “nói thật, làm thật, hiệu quả thật, tránh bệnh hình thức”; tập trung đánh giá, rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các công trình, dự án.
Đặc biệt, các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát các vấn đề về vật liệu xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng. Bộ Tài chính rà soát vấn đề giải ngân. Bộ Xây dựng rà soát, thúc đẩy các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Thủ tướng lưu ý, Ban Chỉ đạo các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát linh hoạt kịp thời các vấn đề còn vướng mắc, tồn tại; hoạt động tích cực, hiệu quả hơn để cho nhân dân được hưởng thụ thành quả.
Tin, ảnh: Việt Hòa