BHG - Sáng 10.5, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải tổ chức phiên họp thứ 17 trực tuyến với các tỉnh, thành phố có triển khai dự án. Đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ chủ trì. Dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư. Dự tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Phan Huy Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Giang.
Ngày 15.3.2025, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về thành lập BCĐ các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, trong đó tách các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt khỏi BCĐ Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Vì vậy, đến nay các dự án thuộc BCĐ gồm 37 dự án/95 dự án thành phần, trong đó 35 dự án thuộc lĩnh vực đường bộ và 2 dự án thuộc lĩnh vực hàng không.
Qua nhiều lần kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc tiến độ đã có 19 dự án/dự án thành phần hoàn thành đưa vào khai thác; nổi bật như đưa vào khai thác 16 tuyến cao tốc, nâng tổng số đường bộ cao tốc của cả nước từ 1.327km lên 2.268km; đưa vào khai thác tuyến đường kết nối và nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; đang triển khai thi công 52 dự án/dự án thành phần cơ bản bám sát tiến độ đề ra. Tại phiên họp thứ 16, Thủ tướng Chính phủ giao 33 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương; trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 26 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu.
Tình hình triển khai các dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025 để đạt mục tiêu cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc, hiện nay Bộ Xây dựng, các địa phương đang triển khai thi công 28 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 1.188 km. Mặc dù các địa phương, chủ đầu tư đã nỗ lực cố gắng, chủ động triển khai, khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nhưng công tác giải phóng mặt bằng một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, chậm bàn giao mặt bằng; việc triển khai thủ tục cấp phép mỏ vật liệu xây dựng chưa đáp ứng tiến độ; triển khai thi công một số dự án còn chậm; khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu…
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh nghe ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hà Giang hiện đang thực hiện Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang. Dự án đến nay đã bàn giao 100% mặt bằng; hoàn thành xây dựng 3/3 khu tái định cư; hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật; xác định các điểm mỏ đá, cát đáp ứng cơ bản nhu cầu vật liệu phục vụ cho dự án. Hiện nay, nhà thầu của 3 gói thầu xây lắp đang tổ chức thi công các hạng mục; huy động 693 người và 379 máy móc, thiết bị thi công tại hiện trường. Giá trị sản lượng đạt 1.365/2.316 tỷ đồng, đạt 59% giá trị hợp đồng, tăng 7% so với phiên họp thứ 16. Tổng kế hoạch vốn đã bố trí 1.511 tỷ đồng, đã giải ngân 1.511 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
Đối với việc triển khai thực hiện Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh 4.850 tỷ đồng; trong đó, ngân sách T.Ư 2.654 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.196 tỷ đồng, tỉnh Hà Giang đang chỉ đạo hoàn thành hồ sơ điều chỉnh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay các cơ chế, chính sách đặc thù đã không còn phù hợp với Nghị quyết số 43, ngày 11.1.2022 của Quốc hội, dẫn đến quá trình thực hiện các gói thầu trong bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phải tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đấu thầu, dẫn đến khó kiểm soát về thời gian theo kế hoạch.
Tại phiên họp, các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án; làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục; làm rõ trách nhiệm, thời gian thực hiện các dự án…
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Việc thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải là nhiệm vụ quan trọng, là động lực tăng trưởng, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nghị quyết, mang lại niềm vui cho Nhân dân. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực vào cuộc hỗ trợ các nhà thầu trong quá trình thi công; xuống hiện trường chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Người đứng đầu các ngành, địa phương phải năng động, sáng tạo, trách nhiệm; quan tâm thực sự, đầu tư công sức thực sự, tránh “bệnh hình thức”, chỉ “diễn” mà không làm; thực hiện theo đúng phương châm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm”. Đồng thời, tập trung thực hiện đồng bộ các lĩnh vực và bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, tất cả hướng đến mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn. Tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục chuẩn bị đầu tư một số dự án; có chế tài ràng buộc giữa chủ đầu tư với nhà thầu khi thực hiện cam kết với tinh thần “dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Các địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án theo kế hoạch; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng. Các chủ đầu tư rà soát và đề xuất điều chỉnh vốn bảo đảm tiến độ dự án trong năm 2025. Rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản tại các địa phương; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu thi công cần quyết tâm thực hiện theo tinh thần "thần tốc hơn nữa" để đảm bảo kế hoạch đặt ra.
Tin, ảnh: Kim Tiến