Chiều 15-1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ (viết tắt là Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả triển khai công tác CCHC năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự phiên họp tại điểm cầu Khánh Hòa có ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu trung tâm.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa.
Năm 2025, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; ưu tiên nguồn lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; cải cách thể chế, trọng tâm là các thể chế đang gây lực cản cho tăng trưởng; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh CCHC nhà nước giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách về tổ chức bộ máy hành chính, cơ chế vận hành, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức…
Năm 2024, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, việc rà soát, xử lý bất cập về CCHC được triển khai tích cực. Đặc biệt, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được quan tâm, với những mô hình hay được ghi nhận tại: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Khánh Hòa, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... Văn phòng Ban Chỉ đạo đã phối hợp rà soát, trả lời, giải đáp, tháo gỡ 144/144 đề xuất, kiến nghị. Chính phủ tổ chức 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc. Các bộ, ngành hoàn thành hơn 1.000 nhiệm vụ, đạt 97,14% kế hoạch; UBND cấp tỉnh hoàn thành hơn 2.800 nhiệm vụ, đạt 97,43% kế hoạch. Chính phủ trình Quốc hội thông qua 29 luật; các bộ, ngành tham mưu, trình Chính phủ ban hành 182 nghị định, đều tăng so với năm 2023. Từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.200 quy định kinh doanh, vượt mục tiêu tối thiểu giai đoạn 2020 - 2025. Toàn quốc tinh giản biên chế hơn 16.100 công chức, viên chức; thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương; giảm 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 563 đơn vị hành chính cấp xã; thành lập mới, nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị. Bộ Nội vụ tham mưu triển khai 4/6 nội dung cải cách chính sách tiền lương khu vực công; điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 70,24% kế hoạch. Trục liên thông văn bản quốc gia ghi nhận hơn 12,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận; tăng hơn 4 triệu văn bản so với năm 2023. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 59,57%; địa phương đạt 56%, đều tăng khoảng 2 lần so với năm 2023. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của các bộ, ngành đạt 61,4%; các địa phương đạt 67,46%...