Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước

Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
28 phút trướcBài gốc
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.
Dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Cách đây 2 tháng (ngày 10/11/2024), tại Phiên họp thứ nhất, Ban chỉ đạo đã thống nhất mục tiêu, quan điểm, định hướng, phương thức, cách làm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo và các bộ, cơ quan, địa phương. Ngay sau Phiên họp thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ban hành Thông báo Kết luận số 523 ngày 16/11/2024, đồng thời có Công điện số 117 ngày 18/11/2024, trong đó yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích, phải rà soát, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025); đồng thời là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Do đó, việc thực hiện thành công Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng; thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân; không hy sinh tiến bộ, công bằng, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, "không để ai bị bỏ lại phía sau"; thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", "tình dân tộc, nghĩa đồng bào"; thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương trong việc huy động các nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, ai có của giúp của, ai có công giúp công”; thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các địa phương, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhất là lực lượng Công an, Quân đội…
Từ nay đến cuối năm 2025 còn khoảng 240.000 căn nhà phải hoàn thành, trong khi thời gian triển khai rất gấp (còn lại khoảng 350 ngày). Vì vậy, phải tập trung triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm thực hiện thành công Chương trình trong năm 2025, bảo đảm kịp tiến độ và chất lượng. Thủ tướng đề nghị VTV và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện chương trình "đếm ngược hàng tuần" để công bố số liệu thực hiện hàng tuần.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn hoặc kế hoạch triển khai Phong trào cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 của địa phương; hoàn thành 19/26 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Phiên họp thứ nhất.
Tính đến ngày 6/1/2025, có 31 địa phương đã tổ chức chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn với kinh phí huy động được trên 2.316 tỷ đồng; có 4 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát không tổ chức phát động là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và Nhân dân, đến ngày 11/1/2025 toàn quốc đã thực hiện xóa được 84.888 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Một số địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhiều địa phương đã đặt mục tiêu hoàn thành Chương trình sớm hơn so với mục tiêu chung của cả nước; một số địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện như: tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo bố trí mặt bằng sạch, bố trí nơi ở tạm cho hộ dân trước khi xây dựng, hình thành Tổ thanh niên chuyên chở vật liệu hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát; tỉnh Tuyên Quang đã ứng trước kinh phí để các hộ xây dựng nhà ở...
Tại Ninh Bình, Ủy ban MTTQ Việt Nam từ cấp tỉnh đến cơ sở cùng với các địa phương đã tổ chức phát động phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa bàn với hình thức phù hợp, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả và được các tổ chức, cá nhân hưởng ứng tham gia. Theo tổng hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến thời điểm hiện nay đã tiếp nhận kinh phí ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát là 3 tỷ đồng.
Về kết quả hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở năm 2024 trên địa bàn tỉnh: Thực hiện Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND ngày 10/3/2023 của HĐND tỉnh, trong 2 năm 2023-2024, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 917 hộ gia đình (trong đó 650 hộ xây mới, 267 hộ sửa chữa) với tổng kinh phí là 78,35 tỷ đồng. Riêng năm 2024, UBND tỉnh phê duyệt 426 hộ có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí là 37,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay có 422 hộ đã được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở (trong đó 322 hộ xây mới, 100 hộ sửa chữa) với tổng kinh phí là 37,2 tỷ đồng (còn 4 hộ không thực hiện được do đối tượng đã qua đời, có tranh chấp về đất đai, hồ sơ đất không đầy đủ). Bên cạnh đó, kinh phí trích từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 371 hộ có khó khăn về nhà ở với tổng số tiền là 9,3879 tỷ đồng (trong đó 284 hộ xây mới với số tiền 8,514 tỷ đồng, 87 hộ sửa chữa với số tiền 873,9 triệu đồng).
Tại Phiên họp, đại diện các địa phương, bộ, ngành đã phát biểu ý kiến làm rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, kế hoạch hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát…
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Để sớm hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội cần coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; cần đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp và bao trùm; tăng cường công tác thông tin truyền thông tạo đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, đồng lòng, chung sức hỗ trợ thực hiện chương trình, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau; cần tăng cường hơn nữa chính sách hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, gia đình chính sách; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, không để trục lợi chính sách.
Trong quá trình thực hiện cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn; đổi mới phương pháp, cách làm theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, phát huy tinh thần tương thần, tương ái, nghĩa đồng bào, tinh thần tự lực vươn lên của người nghèo để sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại hội nghị.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương chỉ đạo, rà soát, kiểm tra cụ thể số lượng nhà cần hỗ trợ trên địa bàn, không để trục lợi chính sách; đảm bảo đúng đối tượng; đúng mức hỗ trợ.
Đồng thời thực hiện tổng hợp cụ thể nhu cầu, nguồn lực, xây dựng lộ trình thực hiện đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ của cả nước; làm tốt công tác huy động các nguồn lực để xã hội cùng góp công, góp sức xây, sửa nhà cho các hộ thuộc đối tượng hỗ trợ.
Bùi Diệu -Minh Quang
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/phien-hop-thu-hai-ban-chi-dao-trung-uong-trien-khai-xoa-nha-326977.htm