Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí

Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí
8 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Chủ trì tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo giải quyết, xử lý các dự án, công trình đầu tư công có thời gian thực hiện kéo dài, triển khai chậm tiến độ và sắp xếp, sử dụng hiệu quả công trình trụ sở, tài sản công trên địa bàn tỉnh, chống lãng phí, thất thoát; các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác phòng, chống lãng phí luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và được xem là một trong những yếu tố then chốt để gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.
Thủ tướng cho biết, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn đang gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế như thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án theo Quyết định số 1568/QĐ-TTg; thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản có liên quan để thực hiện Kết luận số 77-KL/TW Bộ Chính trị về Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” theo Quyết định số 963/QĐ-TTg...
Công cuộc phòng, chống lãng phí bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy lãng phí vẫn còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động... Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Tại phiên họp, các bộ, ngành, địa phương cũng đã báo cáo tóm tắt kết quả phòng, chống lãng phí trên các lĩnh vực đã thực hiện trong thời gian qua. Trong đó, nêu bật tình trạng lãng phí đất đai khi hiện có hàng nghìn dự án với diện tích hàng chục nghìn ha đất đang bị lãng phí trên cả nước. Báo cáo tình hình các dự án đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách đang triển khai trên địa bàn cả nước với trên 1.000 dự án đang bị vướng mắc chủ yếu về: Thông tin, thống kê, rà soát chưa đầy đủ, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, vấn đề quy hoạch, pháp lý đất đai, nguồn vốn đầu tư; năng lực, phương án tài chính của nhà đầu tư… Đồng thời đề xuất các ý kiến để thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống lãng phí, giải quyết các dự án vướng mắc.
Kết luận tại phiên họp thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp các kiến nghị của bộ, ngành và các địa phương, sớm trình Chính phủ ban hành thông báo kết luận phiên họp, kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo. Xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2025 với việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tiếp tục rà soát các văn bản chỉ đạo, ban hành Chỉ thị của Thủ tướng, đôn đốc chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống lãng phí.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về nhận thức, quyết tâm giải quyết dứt điểm các thất thoát, lãng phí về nguồn lực của nền kinh tế để huy động nguồn lực, động lực phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát.
Cần quán triệt 5 phương châm: phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; phòng, chống lãng phí không có giới hạn thời gian, không gian, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn nóng vội; phòng, chống lãng phí phải gắn kết chặt chẽ với tinh giản bộ máy, cơ cấu bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền; phòng, chống lãng phí gắn với sự phát triển, mục tiêu tăng trưởng của đất nước, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số để phát huy các nguồn lực truyền thống cũng như động lực phát triển mới; phòng, chống lãng phí đi đôi với thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo sau khi hội nghị trực tuyến Trung ương kết thúc.
Phát biểu chỉ đạo sau khi hội nghị trực tuyến Trung ương kết thúc, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố khẩn trương thực hiện rà soát lại một lần nữa các dự án chậm tiến độ, chủ động xử lý theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, sau khi tiến hành sáp nhập một số cơ quan, đơn vị, cần đặc biệt lưu ý đến phương án xử lý tài sản công sao cho hợp lý, tránh tình trạng lãng phí, xuống cấp.
Nguyễn Lựu- Anh Tuấn
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/phien-hop-thu-nhat-ban-chi-dao-phong-chong-lang-phi-986565.htm