Phiên họp thứ Nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí

Phiên họp thứ Nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí
5 giờ trướcBài gốc
BHG - Sáng 25.2, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống lãng phí của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ Nhất trực tuyến với các tỉnh, thành phố nhằm đánh giá kết quả hoạt động năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư. Dự tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh và các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.
Thời gian qua, công tác chống lãng phí đạt những kết quả đáng khích lệ. Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật chung tiếp tục được hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước. Kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc, bổ sung các nguồn lực vào nền kinh tế. Tuy nhiên, công tác phòng, chống lãng phí còn một số hạn chế trên các lĩnh vực, còn tình trạng lãng phí thời gian, công sức, nguồn lực, đất đai, tài nguyên, tài sản công và tư, mua sắm công… ảnh hưởng lớn đến niềm tin của Nhân dân và nguồn lực không được huy động cho sự phát triển.
Đối với tỉnh Hà Giang đã quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến rõ rệt đến cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tỉnh đã tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đạt trên 15 tỷ đồng; tiết kiệm trong chi đầu tư xây dựng trên 637 tỷ đồng; tiết kiệm trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước. Chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt trong công tác quản lý cán bộ biên chế…
Tại phiên họp, các đại biểu đã rà soát lại các công việc đã triển khai, kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; nhất là việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài. Các thành viên BCĐ thảo luận phương thức để tiếp tục phát huy vai trò của các BCĐ đã thành lập song hành với hoạt động của BCĐ phòng, chống lãng phí.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của Nhân dân, doanh nghiệp. Phòng, chống lãng phí không có giới hạn về không gian và thời gian; làm liên tục, không ngừng nghỉ; làm từ trên xuống dưới, làm từ trong ra ngoài; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, thẩm quyền của ai thì người đó làm, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền. Phải gắn kết với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Phải gắn kết với sự phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực mới, đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Phải gắn với 3 đột phá chiến lược; tháo gỡ vướng mắc thể chế, vướng mắc tại các dự án lớn, huy động nguồn lực trong nhân dân và xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí tại thời điểm hiện nay trong tất cả các lĩnh vực, cả khu vực công và tư. Tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, ngành. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải rà soát công tác phối hợp sao cho chặt chẽ, hiệu quả theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền. Phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tự giác, tự lực, tự cường để phòng, chống lãng phí hiệu quả.
Tin, ảnh: Kim Tiến
Nguồn Hà Giang : http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202502/phien-hop-thu-nhat-ban-chi-dao-phong-chong-lang-phi-5ad53c1/