Một phiên tòa giả định nhằm giáo dục, răn đe và giúp học sinh hiểu rõ các quy định của pháp luật về tội “Cố ý gây thương tích”
Cuối năm 2024, trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký (TP. Thủ Dầu Một) phối hợp cùng Chi đoàn Tòa án Nhân dân TP.Thủ Dầu Một và Công ty Luật Becamex Lawfirm tổ chức phiên tòa giả định cho 500 em học sinh khối lớp 11 và 12 của nhà trường. Tại chương trình, học sinh được trực tiếp chứng kiến quá trình xét xử vụ án “cố ý gây thương tích”. Phiên tòa giả định với thành phần gồm hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát nhân dân, thư ký phiên tòa, bị cáo, người đại diện hợp pháp cho bị cáo và bị hại, diễn biến trình tự, thủ tục phiên tòa đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Thông qua phiên tòa giả định, các em học sinh được tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực học đường trong trường học. Sau phiên tòa, học sinh đặt câu hỏi và được giải đáp các thắc mắc liên quan đến các quy định của pháp luật về bạo lực học đường, ma túy học đường, các hành vi cố ý gây thương tích…
Trước đó, tại UBND phường Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một), Chi đoàn Tòa án Nhân dân, Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chánh Nghĩa đã tổ chức phiên tòa giả định xét xử một đối tượng về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Một phiên tòa giả định khác được tổ chức tại trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (phường An Phú, TP.Thuận An) xét xử một bị cáo về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Đông đảo học sinh, đoàn viên thanh niên, giáo viên của trường quan tâm theo dõi diễn tiến phiên tòa giả định và lên án các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.
Theo anh Nguyễn Hùng Cường, Bí thư Chi đoàn Tòa án Nhân dân tỉnh, đối với một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay, việc sử dụng xe mô tô vi phạm trật tự an toàn giao thông hoặc mua bán, sử dụng ma túy ngày càng gia tăng. Việc tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật đến bộ phận thanh thiếu niên là vô cùng cần thiết. Có nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật, trong đó có việc tổ chức các phiên tòa giả định tại khu dân cư, trụ sở UBND hoặc các trường học là một cách làm hiệu quả. Phiên tòa giả định được xây dựng từ các tình tiết của những vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của đối tượng tuyên truyền. Đó là câu chuyện về bạo lực học đường, mâu thuẫn khi va chạm giao thông, mua bán, sử dụng ma túy trong trường học, cưỡng đoạt tài sản…
Theo luật sư Nguyễn Phước Long, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia tỉnh, Giám đốc Công ty Luật Chánh Nghĩa, thời gian qua, các ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường tổ chức những phiên tòa giả định tại các trường học, địa phương nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong học sinh, giới trẻ và các tầng lớp nhân dân, giúp họ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không vi phạm các tệ nạn xã hội... Đây là một hình thức tuyên truyền thực tế, sinh động, tạo được những hiệu ứng tích cực trong thanh niên, học sinh, thanh niên công nhân… và các tầng lớp nhân dân.
Phiên tòa giả định mang tính trực quan, phản ánh đầy đủ hành vi phạm tội của bị cáo, các quy định pháp luật và mức án được áp dụng, giúp học sinh hiểu rõ hơn hoạt động của những người xử án, biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Từ thành viên hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa đến bị cáo, bị hại, lực lượng hỗ trợ tư pháp đều do đoàn viên thanh niên nhập vai, thể hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong phiên tòa xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Phiên tòa giả định diễn ra như một phiên tòa thật tại tòa án, với đầy đủ thành phần, trình tự và thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, các thành phần tham gia phiên tòa thể hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong phiên tòa xét xử.
TÂM TRANG