Cảnh trong phim "Mưa đỏ" của đạo diễn Đặng Thái Huyền. (Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp)
Đây là hoạt động trong khuôn khổ .
Một trường hợp thành công đặc biệt
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch (Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, doanh số phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là một huyền thoại.
Bộ phim chính thức công chiếu trên hệ thống các rạp toàn quốc vào ngày 4/4 và suất chiếu cuối cùng của phim này kết thúc vào ngày 31/5. Theo thông tin trên các báo, trong 2 tháng phát hành, phim có 172 tỷ đồng.
“Nếu so sánh với một bộ phim cùng thể loại được công chiếu vào năm 2024 với doanh số 20,8 tỷ đồng (theo nguồn Cục Điện Ảnh) thì có thể nói, doanh số của 'Địa đạo' là một huyền thoại”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch nhận xét.
Mặc dù không thể tìm được một con số thống kê chính xác nhưng nếu tạm lấy tổng doanh thu của phim "Địa đạo" chia cho giá vé trung bình ở Việt Nam (dao động trong khoảng từ 80.000 đến 120.000 đồng) thì riêng tại hệ thống rạp, bộ phim chiến tranh này đã thu hút được 1,7 triệu lượt người xem.
“Từ một chiều so sánh thì tiểu thuyết Việt Nam đương đại, kể cả những tiểu thuyết được giải thưởng có uy tín, được dư luận đánh giá cao hoặc gây tranh cãi và kể cả được tái bản thì không có đầu sách nào được in quá 10.000 bản in cho tất cả các lần xuất bản. Đặt cạnh nhau 2 con số nói trên, cũng vẫn có một giá trị nhất định để nói về quy mô nhóm tiếp nhận điện ảnh và văn học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch nói.
Cảnh trong phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối".
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận xét, phim “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” là phim chiến tranh thuần túy mang đậm âm hưởng anh hùng ca. Sự khác biệt của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong phim là chủ đích chọn bối cảnh hẹp đến mức bức bối, gây được cảm thức logic về nhu cầu của các nhân vật cần phải đứng lên, cần phải vùng dậy để giải quyết triệt để sự bức bối mà họ bị buộc phải chấp nhận tạm thời để sinh tồn và chiến thắng.
Bà Trịnh Thanh Nhã cho rằng, ngoài những tư liệu khá chân thật mà Bùi Thạc Chuyên đã được tiếp cận một cách chủ động trong suốt 10 năm ấp ủ kịch bản, cùng với việc thực hiện một dự án phim tài liệu 3D về địa điểm này, anh đã có một sự chuẩn bị khá thấu đáo khi tiêu tốn tới hơn 50 tỷ đồng thực chi cho phim và khoảng hơn nửa số kinh phí đó nữa cho chiến dịch truyền thông.
“Mặc dù nội dung phim không có gì mới, nhưng cách thể hiện chân thực của bối cảnh phim, với những tình huống kịch khá bài bản, những chi tiết bom rơi đạn nổ, bơm nước làm ngập đường hang…, phim cũng rất “đậm chất Chuyên” trong các cảnh nóng khá nuột và tế nhị… tất cả đã khiến bộ phim khác lạ, gây chú ý lớn trong dư luận”, bà Trịnh Thanh Nhã nói.
Còn với nhà văn Châu La Việt, phim “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” đã nhắc nhớ tới cuộc chiến giành độc lập dân tộc một cách đậm chất sử thi và anh hùng ca. Phim cũng gây tiếng vang lớn khi đem lại doanh thu lớn nhất mọi thời đại đối với một phim lịch sử cách mạng
Những góc nhìn của đạo diễn trẻ về phim chiến tranh
Khi chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, đã có những tiếng nói mới, những góc nhìn mới trong các tác phẩm điện ảnh đề tài chiến tranh, hầu hết đến từ các đạo diễn trẻ, thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh.
Đạo diễn Đào Duy Phúc cho rằng, những năm 2000, chiến tranh đã kết thúc gần ba thập kỷ, độ lùi về thời gian đã giúp các đạo diễn trẻ chiêm nghiệm, khiến họ bộc lộ những cái nhìn thấu đáo, khách quan hơn. Chiến tranh không chỉ là tấm huân chương lấp lánh mà còn là những góc khuất đằng sau nó.
Trong dòng chảy ấy, các đạo diễn trẻ ngày nay đang đối diện với một thách thức lớn: làm mới đề tài chiến tranh, cách mạng sao cho vừa trung thành với lịch sử, vừa gần gũi với cảm quan thẩm mỹ đương đại.
Theo đạo diễn Đào Duy Phúc, trước hết, việc đạo diễn trẻ tiếp cận đề tài chiến tranh cách mạng mang lại một góc nhìn khách quan và nhân bản. Họ không trực tiếp trải qua chiến tranh nên có thể thoát khỏi lối kể sử thi hóa. Khác với phim chiến tranh giai đoạn trước, chủ yếu mang âm hưởng tụng ca, một số đạo diễn trẻ đã lựa chọn đề tài hậu chiến làm nên những bè trầm trong bản nhạc, chủ yếu đi sâu vào những góc khuất của số phận, những khoảng lặng của chiến tranh với những nỗi đau giằng xé của người ở lại.
Đạo diễn Đào Duy Phúc lấy thí dụ về một đạo diễn trẻ là với bộ phim "Người trở về" (2015) kể câu chuyện của một nữ quân nhân trở về sau chiến tranh, đối diện với những mất mát, ám ảnh và cảm giác lạc lõng trong đời sống hòa bình. Cô có cách nhìn về đề tài chiến tranh cách mạng sâu sắc và đầy cảm xúc, đặc biệt là trong việc thể hiện nỗi đau và khó khăn của người phụ nữ hậu chiến. Với “Người trở về”, Đặng Thái Huyền đã dành 200% sức lực làm bộ phim này, chỉ để chứng minh rằng những người trẻ có thể làm tốt phim về đề tài cách mạng.
Sắp tới, Đặng Thái Huyền cũng cho ra mắt một bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng mang tên “Mưa đỏ”, dự kiến khởi chiếu dịp 2/9.
Đạo diễn Đào Duy Phúc cũng nhắc đến đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, với những bộ phim như “Đường thư”, “Những người viết huyền thoại”, “Thầu Chín ở Xiêm”, “Đường lên Điện Biên”, khẳng định mình ở thể loại phim vốn được “đóng đinh” cho những đạo diễn gạo cội ở thế hệ đi trước.
Các bộ phim của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng không làm theo tính khẩu hiệu tuyên truyền, mà là câu chuyện nghệ thuật mang tính giải trí cao, đi sâu vào số phận nhân vật, chiến tranh chỉ là cái nền để thể hiện câu chuyện của đạo diễn.
Nói về góc nhìn của các đạo diễn thế hệ sau về đề tài chiến tranh, đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng, phim chiến tranh ngày nay có tính đối thoại, từ sau năm 1975 đến nay, các nhà làm phim có điều kiện để nhìn chiến tranh một cách bao quát hơn.
Phim chiến tranh không còn là "vùng cấm" nữa, có thể đưa ra những góc nhìn, những quan điểm, chạm đến những góc khuất mà phim trước đây chưa đề cập đến, không đơn tuyến nữa mà đã có những góc nhìn từ phía đối phương, hay những góc nhìn mới chưa từng có.
“Trước đây phim chiến tranh chỉ theo một hướng tuyên truyền, thì ngày nay phim đã trở thành một sản phẩm thương mại, có bán vé, có đối thoại sòng phẳng với khán giả. Chính sự đối thoại sòng phẳng này đã khiến các nhà làm phim có cơ hội làm phim chương trình tốt hơn”, nhà làm phim Đặng Thái Huyền nhận xét.
Phim "Truyền thuyết về Quán Tiên".
Những góc nhìn mới này cũng đang góp phần làm thay đổi cách tiếp cận khán giả của phim đề tài chiến tranh hiện nay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch cho rằng, các đạo diễn đã góp phần làm mới diễn ngôn anh hùng chủ nghĩa về chiến tranh, đa dạng hóa trong những giới hạn của mình cái nhìn về quá khứ, phức tạp hóa nhận thức về con người trong chiến tranh và đặc biệt, kể lại được những câu chuyện nhân bản về chấn thương hậu chiến.
“Tuy vậy, để có thể tạo nên được sự phát triển của dòng phim này, cần một sự cởi mở đồng thời trong cơ chế quản lý cũng như đầu tư cho điện ảnh để khuyến khích được dòng phim độc lập và tạo nên một chân trời đón đợi cởi mở hơn với những tác phẩm điện ảnh về chiến tranh”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch nói.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền cũng đồng tình với ý kiến này, khi cho rằng, phim về đề tài chiến tranh cách mạng ở Việt Nam cần tiếp tục đầu tư, “nhưng không phải tái hiện lại vinh quang cũ mà là tiếp tục giải mã những góc khuất mà chúng ta chưa được biết, từ đó tạo ra những đối thoại mới với quá khứ và với chính những nhà làm phim”.
LINH KHÁNH