Theo thống kê của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập), ngày 16/7, bộ phim "Đàn cá gỗ" - phim ngắn chưa đầy 30 phút của đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt - đang được quan tâm thứ 2 ở phòng vé, sau "Superman".
Cụ thể, phim thu về hơn 641 triệu đồng, trên tổng số 1.749 suất chiếu và 15.720 vé được bán ra.
"Đàn cá gỗ" đang gây chú ý ngoài rạp Việt.
Trước đó, trong ngày đầu ra rạp hôm 15/7, phim vươn lên dẫn đầu phòng vé, thu về hơn 1,7 tỷ đồng chỉ ngày công chiếu.
Hiện, "Đàn cá gỗ" ghi nhận doanh thu hơn 2,8 tỷ đồng sau 2 ngày ra rạp.
Với một bộ phim nghệ thuật, được bán vé với 39.000 đồng/ vé, doanh thu trên đáng được ghi nhận.
Song, bộ phim không được lòng tất cả khán giả. Trên các diễn đàn phim ảnh, một bộ phận khán giả ủng hộ, một bộ phận khác cho rằng điểm sáng lớn nhất của phim là âm nhạc, hình ảnh. Trong khi đó, nội dung kịch bản bị nhận xét thiếu điểm nhấn, hình ảnh các nhân vật không được khắc họa rõ nét.
Chia sẻ với Báo Xây dựng, anh Đức Nguyên - Giám đốc truyền thông của phim cho biết, ê kíp đã lường trước những làn sóng dư luận, bởi đây là một bộ phim nghệ thuật.
"Sẽ có người thấy khó hiểu thậm chí là chê phim dở. Với những phản hồi, góp ý của khán giả theo góc nhìn nghệ thuật, ê kíp đều đọc, phân tích và rút kinh nghiệm.
Bởi những nhà làm phim trẻ như chúng tôi còn cần phải học hỏi thêm nhiều hơn nữa, để mang đến những tác phẩm ngày càng chất lượng hơn cho nghệ thuật nước nhà", anh Đức Nguyên bày tỏ.
Với những khán giả yêu thích ca khúc và MV "Phép màu", "Đàn cá gỗ" là dịp để xem trọn vẹn câu chuyện phía sau MV và thưởng thức bài nhạc sâu lắng trên màn ảnh rộng.
Khi được hỏi quan điểm về một bộ phim từng nhận giải Cánh diều vàng 2024 cho Phim ngắn xuất sắc nhất, nhưng gây tranh cãi khi ra rạp, anh Nguyên cho biết, ê kíp không nghĩ nhiều về chuyện giám khảo giải thưởng hay khán giả đại chúng sẽ khác nhau thế nào. Ê kíp cũng không đặt nặng chuyện doanh thu của phim.
"Từ khi bắt đầu, chúng tôi không có chủ đích là để mang đi thi hay để công chiếu rộng rãi. 'Đàn cá gỗ' được làm ra từ những suy tư và cảm hứng rất cá nhân, tâm huyết và sáng tạo hết mình, để tạo ra một sản phẩm mà chính ê kíp là những khán giả đầu tiên, muốn xem nhất.
Chúng tôi quyết định đưa 'Đàn cá gỗ' chiếu rộng rãi vì sự hưởng ứng, sự tò mò của khán giả sau MV 'Phép màu'. Vậy nên có người đồng cảm, cũng có thể không.
Nhưng sau cùng, chúng tôi mong rằng phim sẽ giúp nhiều khán giả được đối thoại với bản ngã của chính mình, với đam mê rực cháy bên trong họ và có thêm thật nhiều động lực tích cực trong cuộc sống", anh Đoàn Nguyên giãi bày.
Hậu trường đáng nhớ khi làm "Đàn cá gỗ"
Bộ phim ngắn "Đàn cá gỗ" là phiên bản mở rộng của MV "Phép màu". Đây là ca khúc do chính nam chính Nguyễn Quốc Hùng sáng tác và thể hiện.
MV hiện đạt hơn 37 triệu lượt xem trên YouTube và trở thành hit quốc dân với hàng triệu lượt xem trên các nền tảng khác.
Từ hiệu ứng xúc động và đồng cảm của người nghe, mong muốn xem trọn vẹn câu chuyện phía sau bài hát ngày càng lớn, đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt quyết định đưa câu chuyện lên phim và ra rạp.
Diễn viên trẻ Nguyễn Quốc Hùng đảm nhiệm vai nam chính trong phim.
Lấy bối cảnh làng chài ven biển, phim kể về Cường (Nguyễn Quốc Hùng đóng), một người đàn ông từng ôm mộng âm nhạc nhưng phải gác lại sau cái chết của cha để nối nghiệp chài lưới.
Nhiều năm sau, giữa gánh nặng cơm áo và sự ủng hộ lặng lẽ từ người vợ, anh đứng trước lựa chọn khó khăn: rời bỏ con thuyền cũ để theo đuổi giấc mơ, hay ở lại để tiếp tục vun vén cho gia đình.
Phim không đặt nặng kịch tính mà dẫn dắt bằng những khung hình nên thơ, cảm xúc chân thật và âm nhạc da diết – tạo nên bức tranh điện ảnh giàu chất thơ, đầy suy ngẫm về khát vọng tuổi trẻ, tình yêu và hy sinh.
Đảm nhận vai nam chính Cường, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Quốc Hùng mang đến diễn xuất tinh tế, gần gũi.
Sánh đôi cùng Quốc Hùng là nữ diễn viên trẻ Nguyễn Minh Hà. Cô ghi điểm với lối diễn xuất nội tâm, ánh mắt biết nói và sự tiết chế cảm xúc tinh tế.
Đạo diễn Thành Đạt (trái) ở hậu trường phim.
Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt cho biết, anh không chọn cách dễ dàng để tạo ra bộ phim. Không quay tại phim trường, không dựng hậu kỳ, anh chọn bối cảnh là biển thật.
Cả đoàn phim - phần lớn là Gen Z đã mang toàn bộ thiết bị ra Quỳnh Lưu (Nghệ An). Họ sống trên thuyền, ăn ngủ theo nhịp ngư dân, và quay đúng trong điều kiện thật của những người làm nghề biển.
Hai đợt quay phim diễn ra vào tháng 2 và tháng 4/2024. Từ ngày đầu ra khơi, đoàn phim đã được sống trong những gì khắc nghiệt nhất của biển cả.
"Chúng tôi chỉ có thể nhận tàu đánh cá từ ngư dân trong những ngày biển động. Vì ngày đó họ không ra khơi đánh cá. Hầu như tất cả người trong đoàn đều say sóng và không thể thực hiện các cảnh quay quá lâu trên biển.
Những cảnh cần máy quay ngoài thuyền chính phải thực hiện bằng ghe nhỏ, chao nghiêng trên mặt nước đòi hỏi cả diễn viên lẫn cameraman giữ thăng bằng giữa chuyển động không đoán trước", đạo diễn Thành Đạt nói về kỷ niệm nhớ đời khi thực hiện bộ phim.