Phim 'Địa đạo': Thông điệp sâu sắc về lòng yêu nước

Phim 'Địa đạo': Thông điệp sâu sắc về lòng yêu nước
13 giờ trướcBài gốc
"Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" là bộ phim Việt Nam do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực hiện, lấy bối cảnh năm 1967 tại Củ Chi - một trong những điểm nóng của chiến trường miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Phim kể về đội du kích do Bảy Theo (Thái Hòa đóng) chỉ huy, sống và chiến đấu trong lòng đất để bảo vệ căn cứ, bảo vệ mạng lưới tình báo và đối diện với sự truy lùng gắt gao của lính Mỹ.
Giữa bóng tối và hy vọng
Hệ thống địa đạo trong phim biểu tượng cho sự sinh tồn của người Việt trong những năm tháng đạn bom ác liệt giữa lòng địch.
Giữa những lớp đất, lớp đá, những đường hầm chồi bom, chồi đạn, đội du kích vẫn sống, chiến đấu, giữ niềm tin vào ngày mai độc lập. Bóng tối của địa đạo không là bóng tối của tuyệt vọng, mà là nơi "chiếu sáng" những yêu thương giản dị và lòng dũng cảm không bao giờ tắt.
Giữa làn bom đạn mịt mù của chiến tranh, lòng đất Củ Chi không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là mái nhà thầm lặng chở che cho biết bao đồng bào, chiến sĩ. Hệ thống đường hầm chằng chịt vừa phục vụ chiến đấu, vừa là nơi người dân và lực lượng du kích sống trọn một phần đời mình trong lòng đất mẹ.
Lòng đất là pháo đài, nhưng cũng là căn bếp nhỏ. Là nơi người ta mài súng, họp bàn chiến lược, nhưng cũng là nơi người chị, người em nhóm lửa nấu cơm, người chiến sĩ lặng lẽ viết thư, những người trẻ đàn hát, đọc thơ, chia nhau một mẩu kẹo hay chỉ là một nụ cười.
Giữa bóng tối đặc quánh của đất sâu, con người vẫn giữ ánh sáng bên trong mình - hy vọng. Hy vọng được sống, được tự do, được thấy một ngày không còn tiếng bom. Chính lòng đất - tưởng chừng là nơi tận cùng của sự bức bối, sợ hãi - lại trở thành cái nôi gìn giữ sự sống, gìn giữ tình người.
"Ngôi nhà" dưới lòng đất tuy chật hẹp, thiếu thốn nhưng lại đủ đầy tình thương và ý chí.
Giữa bom đạn mịt mù của chiến tranh, lòng đất Củ Chi không chỉ là nơi trú ẩn, mà còn là mái nhà âm thầm che chở biết bao đồng bào, chiến sĩ. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Xuống lòng đất để hiểu một dân tộc
Không chỉ là bộ phim lịch sử, Địa đạo còn là một chuyến đi, hành trình thực sự, nơi người xem được dẫn sâu xuống lòng đất Củ Chi, để nhìn, nghe, cảm và hiểu những điều tưởng như đã ngủ yên trong lịch sử.
Lạ lùng thay, càng đi xuống, ta lại càng ngẩng lên, càng bước vào bóng tối, càng thấy rõ hơn ánh sáng của một dân tộc.
Dẫu "oằn mình" hứng chịu bom đạn chiến tranh, vùng đất Củ Chi anh hùng vẫn không gục ngã mà chọn cách sống... dưới lòng đất. Địa đạo ra đời từ sự khéo léo, trí thông minh và trên hết là khát vọng sinh tồn mãnh liệt. Đó không đơn thuần là hệ thống hầm hào để đánh giặc, mà là một thế giới thu nhỏ của làng quê trên mặt đất: Có đời sống, có tình thân, có ký ức, có ước mơ, nước mắt và đôi khi là cả những thói xấu rất đời.
Khi bước vào địa đạo qua những cảnh quay chậm rãi, cận cảnh, người xem mới hiểu: Lòng đất không chỉ che chở con người khỏi cái chết, mà còn là nơi họ tiếp tục sống - sống thật sự, bằng đầy đủ những cảm xúc của con người.
Có thể nhiều khán giả sau khi xem phim cần một cái kết rõ ràng hơn, chẳng hạn như một trận đánh máu lửa, một chiến thắng rền vang. Tuy nhiên, điều đọng lại trong phim không phải là các chiến công vang dội, mà là những khoảnh khắc người với người gìn giữ nhau trong im lặng, là tiếng hát giữa hầm sâu, là nồi cơm giấu khói, là ánh mắt nhìn nhau khi cái chết cận kề.
Cái kết rõ ràng nhất không hiện diện qua những thước phim, mà là giá trị của hòa bình ngày hôm nay mà tất cả chúng ta đang được sống.
Vì thế, hành trình xuống lòng đất trong Địa đạo còn là hành trình của tâm hồn. Bộ phim cho người xem cơ hội cúi mình xuống, lắng nghe nhịp đập của đất mẹ, của con người, của thời gian.
Để rồi khi ngẩng đầu lên, ta hiểu rằng: Dân tộc Việt Nam không chỉ sống sót sau chiến tranh, mà đã đi qua nó bằng lòng dũng cảm, tình thương và ánh sáng của hy vọng không bao giờ tắt, kể cả trong bóng tối sâu nhất của lòng đất.
Bộ phim chứa đựng nhiều chi tiết đời thường lãng mạn, hài hước. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Khơi dậy lòng tri ân
Phim Địa đạo lấy nước mắt người xem không nhờ kỹ xảo hay những thước phim hoành tráng, mà bởi sự chân thành và lặng lẽ trong cách kể chuyện.
Phim tái hiện chiến tranh bằng cách đơn giản là kể câu chuyện của một nhóm du kích trẻ trong một lát cắt nhỏ của lịch sử.
"Địa đạo" không nói về chiến công, mà nói về con người. Không ca ngợi hào hùng, mà lưu giữ từng chi tiết nhỏ của sự hy sinh. Đôi tay âm thầm đào đất bằng chiếc xẻng nhỏ, bàn chân trần đi trên đạn bom, những người trẻ phải cất đi tuổi xuân để khoác lên mình màu áo lính - tất cả hiện lên trong phim không như huyền thoại lãng mạn mà là đời thực.
Không ai nhắc đến hai chữ “tri ân” một cách trực diện, nhưng từng cảnh phim, từng gương mặt, từng cái tên Bảy Theo, Tư Đạp, Ba Hương, Lục Tạc, Ba Hiền, Út Khờ... đều là lời nhắc nhở: Đừng quên!
Tuy vẫn còn có những chi tiết được cho là chưa hợp lý hay trọn vẹn trong bộ phim, nhưng với những gì đã làm được, "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" xứng đáng nhận được nhiều tình cảm từ khán giả. Được công chiếu rộng rãi tại các rạp, phim thu hút đông đảo người xem, bộ phim giúp nhiều bạn trẻ lần đầu tiên tiếp xúc với một phần lịch sử mà họ chưa từng trải nghiệm.
Bộ phim Địa đạo lấy nước mắt người xem bởi sự chân thành và lặng lẽ trong cách kể chuyện. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Phim càng đặc biệt có ý nghĩa hơn trong những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả dân tộc kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Có thể nói, "Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối" lan tỏa thông điệp sâu sắc về lòng yêu nước, sự hy sinh vô bờ bến của những con người sống và chiến đấu vì độc lập dân tộc. Bộ phim chính là bài học quan trọng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về giá trị lịch sử, đồng thời minh chứng cho sự trưởng thành của nền điện ảnh Việt Nam với những câu chuyện đầy cảm xúc và ý nghĩa.
Châu Anh - Phương Linh - Ngọc Anh - Quỳnh Trâm
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/phim-dia-dao-thong-diep-sau-sac-ve-long-yeu-nuoc-312962.html