Phim của Vu Chính từ trước đến nay rất dễ được chiếu và đa số đều đảm bảo thành tích tốt nhưng Triều Ca lại là ngoại lệ hiếm hoi. Dù đã hoàn thành từ năm 2017, bộ phim này suốt 8 năm qua vẫn chưa thể lên sóng khiến Vu Chính cùng công ty sản xuất "bay màu" 300 triệu tệ (khoảng 1050 tỷ đồng) vốn đầu tư, trở thành một thất bại cực kỳ cay đắng trong sự nghiệp làm phim của anh.
Triều Ca có khả năng sẽ phải “nằm kho” vĩnh viễn. (Ảnh: Weibo)
Nam chính Trương Triết Hạn bị phong sát
Triều Ca ban đầu được kỳ vọng rất lớn với dàn diễn viên trẻ trung, dự đoán sẽ tạo ra làn gió mới trên màn ảnh. Tuy nhiên, cú sốc lớn mà bộ phim gặp phải chính là sự cố của nam chính Trương Triết Hạn khi anh bị phong sát vì liên quan đến vấn đề chính trị.
Sự kiện này khiến Triều Ca không thể phát sóng như kế hoạch. Nhà sản xuất từng tìm cách cứu vãn bằng việc thử áp dụng công nghệ AI thay gương mặt nam chính, nhưng do phim quay đã lâu, chất lượng hình ảnh không còn phù hợp với tiêu chuẩn hiện đại nên nỗ lực này cũng thất bại. Một dự án đầu tư hàng trăm triệu tệ, vậy mà chỉ vì một nhân tố sụp đổ,đã kéo theo cả tập thể lao đao – đây cũng là bài học đau đớn cho Vu Chính và những nhà sản xuất khác trong việc lựa chọn diễn viên.
Trương Triết Hạn đã bị cấm sóng vào năm 2021. (Ảnh: Weibo)
Vu Chính làm phim thay đổi lịch sử
Bên cạnh vấn đề diễn viên, bản thân nội dung Triều Ca cũng gây ra nhiều tranh cãi gay gắt. Vu Chính vốn nổi tiếng với phong cách "cải biên lịch sử" để tăng sự kịch tính cho phim nhưng lần này, sự sáng tạo của anh lại trở thành con dao 2 lưỡi.
Triều Ca được lấy cảm hứng từ thần thoại Phong Thần Bảng nhưng nội dung bị "bẻ cong" quá nhiều, đến mức khó chấp nhận. Ví dụ như Cơ Phát (Trương Triết Hạn) và Đát Kỷ (Ngô Cẩn Ngôn) được xây dựng chuyện tình lâm li bi đát nhưng trong lịch sử, 2 nhân vật này sống cách nhau 200 năm. Mà ngay cả khi sống cùng thời trong Phong Thần Bảng thì Cơ Phát và Đát Kỷ cũng ở 2 phe đối lập, không khác gì kẻ thù. Ngoài ra, cảnh quay và kỹ xảo phim cũng bị chỉ trích nặng nề vì pha trộn lung tung giữa yếu tố Trung Hoa cổ đại với phong cách phương Tây kiểu như Game Of Thrones, The Lord Of The Rings.
Với mức độ thay đổi lịch sử như vậy thì Triều Ca cũng rất khó vượt qua khâu kiểm duyệt và được phép phát sóng. (Ảnh: Weibo)
Các yếu tố khác ảnh hưởng tới số phận bộ phim
Ngoài 2 nguyên nhân chính trên, còn một số yếu tố khác góp phần khiến Triều Ca rơi vào tình trạng "nằm kho" vô thời hạn.
Thứ nhất là vấn đề kỹ thuật và chất lượng sản xuất. Tuy được đầu tư tới 300 triệu tệ nhưng thời gian quay phim đã quá xa (2017), công nghệ kỹ xảo khi đó không thể sánh với tiêu chuẩn thẩm mỹ hiện nay. Sau 8 năm, dù có sửa chữa cũng khó làm mới hoàn toàn, dẫn đến cảm giác "cũ kỹ" trong mắt khán giả trẻ vốn quen với chất lượng cao của các phim hiện tại.
Thứ hai, bối cảnh thị trường cũng đã thay đổi. Những năm gần đây, Tổng cục Phát thanh Truyền hình Trung Quốc xét duyệt rất kỹ các tác phẩm có yếu tố lịch sử, ngay cả bộ phim Hoắc Khứ Bệnh của Trương Nhược Quân cũng mất đến 8 năm mới qua kiểm duyệt thì một dự án như Triều Ca chắc chắn khó “qua ải”. Bên cạnh đó, những tranh cãi xoay quanh việc Ngô Cẩn Ngôn đủ đẹp để đảm nhận vai Đát Kỷ và nhân vật này được thay đổi để “ngôn tình hóa” cũng khiến khán giả “ném đá”.
Phim của Vu Chính tồn tại quá nhiều vấn đề khó giải quyết. (Ảnh: Weibo)
Triều Ca chính là bài học đắt giá cho Vu Chính về việc kiểm soát rủi ro trong quá trình sản xuất phim: từ lựa chọn diễn viên, vấn đề nội dung cho tới việc nhạy bén với xu hướng kiểm duyệt và thị trường. Trong khi phần lớn các dự án của Vu Chính vẫn rất thành công thì thất bại này lại cho thấy chỉ cần một vài sai lầm, cả một siêu phẩm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cũng có thể "bay màu" không dấu vết.
Lily