Bộ phim xoay quanh câu chuyện tình bi thương giữa Moo-hyuk (So Ji-sub), một người đàn ông bị bỏ rơi và lớn lên trên đường phố ở Úc, và Eun-chae (Im Soo-jung).
Khi trở về Hàn Quốc với một viên đạn trong đầu và cái chết cận kề, Moo-hyuk bất ngờ tìm được tình yêu nhưng cũng đối mặt với nỗi đau không thể tránh khỏi.
"Xin lỗi anh yêu em" (I'm sorry, I love you) gây sốt truyền hình Hàn Quốc năm 2004, được đánh giá là đỉnh cao của dòng phim bi đầu thập niên 2000.
Phiên bản Director’s Cut gồm 6 tập, phát hành độc quyền trên nền tảng Wavve của Hàn Quốc, đã đưa bộ phim trở lại với khán giả hiện đại. Điều bất ngờ là 35,4% khán giả tại buổi chiếu đặc biệt lại là thanh thiếu niên, cho thấy sức hút đặc biệt của bộ phim đối với thế hệ trẻ.
Thời trang và giai điệu vượt thời gian
Các cảnh trong "I'm Sorry, I Love You" bộ phim tâm lý tình cảm năm 2004 được làm lại - Ảnh: Wavve
Khi ra mắt năm 2004, I'm Sorry, I Love You không chỉ nổi bật bởi câu chuyện cảm động mà còn tạo nên làn sóng thời trang với áo len cầu vồng và bốt Ugg do Im Soo-jung diện trong phim. Ca khúc chủ đề Snow Flower của Park Hyo-shin cũng trở thành bản nhạc bất hủ, chạm đến trái tim của hàng triệu khán giả.
“Câu chuyện tình yêu thuần khiết và chân thành trong phim là thứ khó tìm thấy trong xã hội ngày nay”, Kim So-joong, 42 tuổi, một người hâm mộ trung thành, chia sẻ. “Phong cách hoài cổ của bộ phim, từ thời trang đến bối cảnh, rất hợp với Gen Z, những người đang chuộng chụp ảnh bằng máy phim để tìm về cảm giác hoài niệm. Với tôi, bộ phim này là một kiệt tác không tuổi”.
Nhằm tạo cơ hội cho khán giả sống lại thời kỳ đỉnh cao của bộ phim, Wavve hợp tác cùng Creative Mut mở một cửa hàng pop-up tại The Hyundai Seoul (quận Yeongdeungpo, Seoul, Hàn Quốc).
Khu vực được thiết kế theo phong cách hoài cổ, gợi nhớ đến những con hẻm ở Úc xuất hiện trong phim, cho phép khán giả trải nghiệm không khí năm 2004. Họ cũng có thể nghe lại nhạc phim trên máy phát CD. Cửa hàng sẽ hoạt động đến hết ngày 5/12.
Gen Z và hành trình khám phá kinh điển
Một cửa hàng pop-up cho bộ phim truyền hình kinh điển của Hàn Quốc, "I'm Sorry, I Love You", được nhìn thấy tại Hyundai Seoul ở quận Yeongdeungpo, Seoul - Ảnh: Creative Mut
Nhiều khán giả trẻ biết đến các bộ phim truyền hình kinh điển qua những clip ngắn và meme lan truyền trên mạng xã hội. Lee Seo-hyun, 19 tuổi, chia sẻ: “Tôi thường xem các clip cắt ngắn trên YouTube. Chúng rất thú vị và làm tôi tò mò tìm hiểu thêm. Đến cửa hàng pop-up cũng là cách để tôi kết nối với bộ phim”.
Sự tái xuất của I’m Sorry, I Love You nằm trong dự án “New Classic Project” của Wavve, hướng tới giới thiệu các tác phẩm kinh điển tới khán giả trẻ. Trước đó, bộ phim My Lovely Sam Soon (2005) cũng trở lại màn ảnh với sự chào đón nồng nhiệt, một lần nữa chứng minh sức sống lâu bền của những câu chuyện giàu tính nhân văn.
“Sam Soon là một nhân vật nữ phá cách, không hoàn hảo như những hình mẫu nữ chính thường thấy. Cô ấy mũm mĩm, đời thường và rất thực tế”, Kwon Ji-young, 35 tuổi, nhớ lại. “Cảnh cô ấy ăn bát bibimbap sau một ngày kiêng khem thực sự khiến tôi đồng cảm và không thể quên”.
Tìm lại giá trị của sự thuần khiết
Áp phích của bộ phim tình cảm lãng mạn năm 2005 "My Lovely Sam Soon" - Ảnh: Wavve
Theo các nhà phê bình văn hóa, xu hướng tìm về các bộ phim kinh điển sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Ha Jae-keun nhận định: “Những bộ phim xưa có sự thuần khiết và chân thực mà các tác phẩm hiện đại khó có được. Điều này đặc biệt thu hút Gen Z”.
Giáo sư Yun Suk-jin từ Đại học Quốc gia Chungnam giải thích thêm: “Phim gốc trên các nền tảng OTT hiện nay thường đầy rẫy bạo lực và sự giật gân, gây quá tải dopamine cho người xem. Trong khi đó, các bộ phim kinh điển mang đến sự nhẹ nhàng và ý nghĩa, thu hút khán giả tìm về”.
Hiện tại, kênh YouTube MBC Classic Dramas đã có gần 4 triệu người theo dõi, với những video tóm tắt như Princess Hours (2006) đạt hơn 25 triệu lượt xem.
Sự trở lại của I’m Sorry, I Love You không chỉ là hành trình của hoài niệm mà còn khẳng định giá trị vượt thời gian của câu chuyện nhân văn, đưa thế hệ mới và cũ xích lại gần nhau hơn.
Anh Thư (Theo Koreatimes)