Phim hoạt hình Việt - đường dài chờ quả ngọt

Phim hoạt hình Việt - đường dài chờ quả ngọt
21 giờ trướcBài gốc
Dự án Tản Viên Phong Châu của Sun Wolf Animation Studio Ảnh: ĐPCC
Xây từ gốc
Tại sự kiện ra mắt của VAVA ở TPHCM, thành công của bộ phim hoạt hình Trung Quốc Na Tra 2: Ma đồng náo hải với doanh thu toàn cầu lên đến hơn 1,7 tỷ USD đã được đưa ra làm dẫn chứng. Na Tra 2: Ma đồng náo hải là quả ngọt mà Trung Quốc gặt hái sau một thời gian rất dài họ đầu tư vào phim hoạt hình.
“Việt Nam cũng có rất nhiều đơn vị giỏi, cá nhân có kỹ năng xuất sắc, thế nhưng cái chúng ta thiếu chính là sự đầu tư, “gieo trồng”. Phải làm những điều đó mới mong hoạt hình Việt có trái ngọt lớn hơn”, đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn phân tích.
Trên thực tế, để có bộ phim hoạt hình chiếu rạp thương mại “Make in Vietnam” đầu tiên - Wolfoo và hòn đảo kỳ bí ra mắt vào cuối năm 2023, đơn vị sản xuất là Sconnect đã được thành lập từ trước đó 10 năm. Đơn vị này tập trung phát triển các series chiếu trực tuyến với hàng chục ngàn video đã được sản xuất.
Nhìn rộng ra, tính từ thời điểm hoạt hình Việt có tác phẩm đầu tiên, Đáng đời thằng cáo (năm 1959), thì đó là hành trình vạn dặm. Điều đáng mừng, tại LHP hoạt hình lần đầu tiên của Việt Nam được tổ chức cuối năm 2024, có 4 dự án hoạt hình chiếu rạp đã được công bố gồm: Wolfoo và cuộc đua Tam Giới, Chiến binh gốm, Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu Zombie mắt lác.
Sun Wolf Animation Studio trước đó cũng công bố kế hoạch sản xuất phim hoạt hình Tản Viên Phong Châu, gồm 3 phần, dự kiến ban đầu là sẽ ra mắt lần lượt vào các năm 2025, 2028, 2030. Tuy nhiên, theo đạo diễn Leo Đinh - Giám đốc điều hành Sun Wolf Animation Studio, mốc thời gian này hiện đã thay đổi do kịch bản đang được viết lại. “Khi chúng ta đã tự tin ở khâu sản xuất, thì kịch bản càng phải hay”, đạo diễn Leo Đinh nhấn mạnh.
Mở chìa khóa hợp tác
Trong câu chuyện thành công của Na Tra 2, các chuyên gia trong ngành đặc biệt nhấn mạnh vai trò của sự hợp tác. Bộ phim là kết quả của sự chung tay từ 138 studio khắp Trung Quốc, với hơn 4.000 nhân sự, góp phần tạo nên 180.000 khung hình ấn tượng.
Hợp tác để cùng chia sẻ tài năng, trách nhiệm và rủi ro, đang trở thành xu hướng nổi bật của điện ảnh Việt, đặc biệt nó cần thiết trong lĩnh vực hoạt hình. Theo ông Đinh Trí Dũng, Giám đốc Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC, Chủ tịch Hiệp hội VAVA: “Mục tiêu chính của VAVA chính là kết hợp được các nguồn lực hiện đang tản mát khắp nơi để có thể làm được những dự án lớn. Đó là mục tiêu khó, nhưng tôi tin chúng ta có thể làm được”. Ông Dũng cho biết thêm, VAVA cũng sẽ đóng vai trò kết nối hợp tác trong và ngoài nước, từ đó giúp mở rộng cơ hội làm việc và hợp tác với các đối tác quốc tế.
Trong câu chuyện hợp tác để thúc đẩy bước tiến mới cho lĩnh vực hoạt hình, có hai khía cạnh quan trọng. Đầu tiên, là hợp tác về mặt sản xuất. Có thể lấy ví dụ điển hình về cú bắt tay giữa hai xưởng phim hoạt hình T7M Studio và Sun Wolf Animation Studio cuối năm 2022. Hai đơn vị này đã cùng kết hợp sản xuất các phần phim tiếp theo về nhân vật hoạt hình Thỏ bảy màu - được khán giả rất yêu thích, cũng như thực hiện chiến dịch gọi vốn cộng đồng để sản xuất series mới gồm 12 tập.
Một khía cạnh hợp tác khác là về đào tạo, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm. Từ tháng 1-2025, Sconnect đã kết hợp Gobelins - ngôi trường hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hoạt hình và nghệ thuật thị giác, để cùng tạo ra khóa học chuẩn quốc tế. Từ trước khi chính thức thành lập, VAVA đã tổ chức các hội thảo nhằm thúc đẩy sự phát triển và kết nối ngành kỹ xảo và hoạt hình Việt Nam với thế giới, như: xây dựng ngành công nghiệp VFX & Animation vững mạnh tại Việt Nam, Pháp và Thái Lan (2022); VFX Việt Nam - Pháp (2024).
Tại sự kiện ra mắt VAVA, đại diện LHP Hoạt hình Annecy (Pháp) và MIFA (Marché International du film danimation - Thị trường phim hoạt hình quốc tế) đã đưa ra lời mời gọi hấp dẫn dành cho các nhà làm phim, studio ở Việt Nam.
Tính đến năm 2024, Việt Nam có tổng cộng 48 studio VFX với hơn 3.563 nhân viên; và 54 studio hoạt hình với hơn 4.719 nhân viên. Trong đó, có các studio nổi bật như: AIOI Studios, Bad Clay, CYCLO, Sconnect, blankNegatives, SPICE fx, Zodiac II Media, AlienVFX... Ngoài ra, nhiều studio nước ngoài cũng đã thành lập chi nhánh và hoạt động tại Việt Nam như: Giant Swing Production, Jet Studio (Nhật Bản), Skyfall Studio, Synapse, Westworld, NCVVS, OPIM Digital, The Last VFX (Hàn Quốc), Bonjour SG, Xilam (Pháp)…
VĂN TUẤN
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/phim-hoat-hinh-viet-duong-dai-cho-qua-ngot-post782631.html