Mới đây, đạo diễn Victor Vũ cùng ê-kip tung trailer bộ phim “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu”. Bộ phim dự kiến ra rạp vào tháng 5 tới. Nội dung phim lấy bối cảnh thời nhà Nguyễn, xoay quanh vụ mất tích kỳ bí, quỷ dị ở vùng sơn thủy miền Bắc mà viên quan tên Kiên phải tìm ra chân tướng tội ác.
Thám tử Kiên từng là nhân vật phụ trong phim “Người vợ cuối cùng” (cũng do Victor Vũ đạo diễn) công chiếu năm 2023. Dù đứa con tinh thần này của đạo diễn họ Vũ không đạt được doanh thu kỷ lục nhưng nhân vật thám tử Kiên do Quốc Huy thể hiện khiến dân tình không ngừng xuýt xoa, khen ngợi.
Đinh Ngọc Diệp và Quốc Huy trong phim “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu”.
Trong một bài phê bình, TS Hà Thanh Vân đánh giá: “Quốc Huy diễn biểu cảm rất tốt, từ nụ cười, ánh mắt đến cái nhếch môi, phong thái đĩnh đạc, tự chủ, cho thấy một ông quan tra án thông minh, quả quyết, bắt đúng người đúng tội, nhưng hành xử cũng rất độ lượng, nhân đạo”. Không ít ý kiến cho rằng, dù ít đất diễn nhưng Quốc Huy vẫn đủ sức “át vía” Kaity Nguyễn (vai vợ ba) lẫn Thuận Nguyễn (vai người tình của vợ ba).
Công chúng rất yêu thích nhân vật Kiên và mong muốn đạo diễn sớm làm một bộ phim riêng về nhân vật này. Thêm vào đó hình ảnh viên quan tra án dưới thời các triều đại phong kiến Việt Nam còn khá mới mẻ trên màn bạc nên khán giả càng tò mò, thích thú. Không phụ tấm lòng ấy, Victor Vũ triển khai ngay “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu”, kịch bản lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Hồ oán hận” của tác giả Hồng Thái. Dù mới trình làng những thước phim đầu tiên về vụ án rùng rợn, người hâm mộ đã náo nức chờ đợi ngày công chiếu. Ngoài hai diễn viên chính ở phần trước là Quốc Huy và Đinh Ngọc Diệp (vai vợ hai của quan huyện Đức Trọng), phim có sự góp mặt của nhiều gương mặt trẻ tiềm năng.
Kiểu phim khai triển từ nhân vật phụ không hiếm ở các nền điện ảnh lớn như Mỹ, Pháp, Trung Quốc… Điển hình như những chú minion màu vàng dễ thương, đáng yêu trong series “Kẻ trộm mặt trăng” (Mỹ). Dù chỉ là nhân vật làm nền cho câu chuyện nhưng tạo hình và tính cách dễ thương đã khiến các minion được yêu mến không kém nhân vật chính. Nhờ vậy, nhà sản xuất mạnh dạn thực hiện tiếp bộ phim mang tên “Minions” chỉ xoay quanh hành trình của các minion tinh nghịch. Nhưng với điện ảnh Việt, đây vẫn là hướng đi ít người khai phá. Đến nay, nước ta chỉ có khoảng ba phim điện ảnh chọn nhân vật phụ để biến thành nhân vật chính trong phần tiếp theo. Ngoài “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu”, trước đó có “Thanh Sói” và “Để Mai tính 2”.
“Thanh Sói” xoay quanh cuộc đời thăng trầm của nhân vật phụ cùng tên trong phần đầu đình đám “Hai Phượng”. Chủ mưu vụ bắt cóc con gái Hai Phượng, Thanh Sói là kẻ cầm đầu đường dây buôn người xuyên quốc gia. Vẻ ngoài lạnh lùng, tàn bạo cùng võ nghệ cao cường của cascadeur - diễn viên Thanh Hoa không chỉ triệt hạ Hai Phượng mà còn “đốn gục” khán giả. Sức hút của nhân vật Thanh Sói đã góp phần giúp “Hai Phượng” chạm mốc doanh thu 200 tỷ đồng vào năm 2019, trở thành bộ phim hành động thuần Việt ăn khách nhất mọi thời đại lúc bấy giờ. Thừa thắng xông lên, Ngô Thanh Vân quyết định làm tiếp phần hai khai thác riêng về cuộc đời chị đại Thanh Sói, lý giải vì sao Thanh Sói trở thành ác nữ máu lạnh khét tiếng giới xã hội đen. Sau nhiều lần hoãn chiếu vì dịch bệnh, cuối cùng “Thanh Sói” cũng ra rạp vào năm 2022.
Tương tự, Trịnh Hương Hội là nhân vật phụ do Thái Hòa thủ vai trong “Để Mai tính”. Đây là nhân vật được cho là đặc sắc, ấn tượng nhất trong toàn bộ dàn nhân vật mà đạo diễn Charlie Nguyễn mời tham gia. Thời điểm năm 2010, nhân vật thuộc cộng đồng LGBT vẫn là “món lạ” trên màn ảnh rộng. Trong khi đó Thái Hòa lại thể hiện một Trịnh Hương Hội “bóng lộ” ẻo lả, ưa lòe loẹt nhưng hài hước, tốt bụng, dễ mến. Không bỏ lỡ thời cơ, đạo diễn Charlie Nguyễn triển khai ngay “Để Mai tính 2” (tên ban đầu là “Để Hội tính”) để Thái Hòa thỏa sức tô đậm nhân vật thú vị này.
Nhân vật vốn từng được công chúng ưu ái khi xuất hiện ở phần đầu dễ trở thành bàn đạp thuận lợi để nhà sản xuất quảng bá cho phần hai. Khán giả háo hức tò mò về một câu chuyện đã được xem sẽ tiếp tục tiến triển như thế nào. Điều này tạo tiền đề thuận lợi cho bộ phim về mặt quảng bá, giữ chân khán giả mà không tốn nhiều chi phí. Nhưng sự yêu mến ban đầu này không phải là “át chủ bài” quyết định sự thành bại của một tác phẩm điện ảnh mới. Bởi hai “tiền bối” đi trước là “Để Mai tính 2” và “Thanh Sói” đều “ngã ngựa” về mặt doanh thu lẫn trình chuyên môn.
Cảnh trong phim “Thanh Sói”.
Theo thống kê của Box Office Việt Nam, khi rời rạp, “Thanh Sói” chỉ thu về chưa đầy 25 tỷ đồng, trong khi chi phí sản xuất tròm trèm gần 50 tỷ. Cú ngã đau điếng này khiến Ngô Thanh Vân bàng hoàng còn giới chuyên môn lẫn khán giả thì vô cùng bất ngờ bởi trước đó người chị em sinh đôi là “Hai Phượng” đã khuynh đảo phòng vé. Hơn nữa mức đầu tư cho “Hai Phượng” chỉ bằng một nửa phần tiền truyện, biến “Thanh Sói” thành tác phẩm được đầu tư và tốn công sức bậc nhất trong sự nghiệp của Ngô Thanh Vân. Do đó ai ai cũng chắc mẩm “Thanh Sói” sẽ đại thắng, hoặc cùng lắm là hòa vốn.
Lý giải lý do “Thanh Sói” thất bại, nhiều ý kiến cho rằng chuyện phim chưa đủ hấp dẫn dù cảnh hành động, đánh đấm khá ổn. Nếu “Hai Phượng” đẫm tính thuần Việt thì “Thanh Sói” lại mang màu sắc phim xã hội đen Hồng Kông (Trung Quốc). Đã vậy Ngô Thanh Vân thay hoàn toàn dàn diễn viên để đóng vai Thanh Sói thời trẻ chứ không còn mời Thanh Hoa đóng chính dù diễn viên này mới là người được khán giả yêu thích. Lời thoại của dàn nhân vật giang hồ lại quá văn vẻ, dạy đời nên khán giả quay lưng.
Tương tự, chị Hội ở “Để Mai tính” được yêu mến một thì qua “Để Mai tính 2” lại bị ghét gấp mười. Phim ra rạp khá rầm rộ nhưng nhanh chóng bị sự la ó, phản ứng của cộng đồng LGBT vì những thước phim lố bịch, xúc phạm thế giới thứ ba. Nhóm phản đối đã thực hiện một chiến dịch tẩy chay “Để Mai tính 2” trên Facebook. Họ cho rằng, bộ phim đã lạm dụng người đồng tính, chuyển giới một cách phản cảm để gây cười như “truyền thống” của phim Việt bấy lâu nay.
Ngoài điệu bộ, hành động bị cho là lố của chị Hội, cảnh bị lên án nhất trong “Để Mai tính 2” chính là khi chị Hội bị tạm giam vào buồng nam. Chị Hội hốt hoảng đòi chuyển sang buồng giam nữ. Nhưng khi phát hiện buồng giam này có một anh chàng điển trai, chị Hội liền thay đổi ý định.
Nhóm phản đối cho rằng khai thác ẩn ức tình dục của người đồng tính, chuyển giới đã khắc sâu sự kỳ thị của xã hội, khiến không ít người nghĩ sai lệch rằng giới LGBT ai cũng có ham muốn trơ trẽn như thế. Thái Hòa dù được mệnh danh là “ông vua phòng vé” cũng không thể làm hạ hỏa sự giận dữ của công chúng.
Điều khiến nhà làm phim lẫn diễn viên lo ngại nhất đó là cái bóng quá lớn của vai diễn ở phần đầu. Không phủ nhận rằng, nhờ cái bóng đó, khán giả mới chịu bỏ tiền vào phòng vé, nhà sản xuất đỡ tốn chi phí quảng cáo và được khán giả đón nhận ngay khi phim chưa trình làng. Nhưng để lặp lại thành công và độ hot của vai diễn trước đó, cần có sự tính toán và nghiên cứu thị hiếu khán giả cũng như phân khúc thị trường kỹ lưỡng.
Khi quyết định bắt tay làm phần hai, đạo diễn Charlie Nguyễn từng thú thật: “Chúng tôi rất hồi hộp khi làm phần 2 “Để Hội tính”. Làm phần 2 áp lực hơn rất nhiều so với phần 1, vì khán giả đã có ấn tượng quá mạnh với phần 1 rồi. Điều đó buộc chúng tôi làm phần 2 phải thành công hơn, hoặc ít ra cũng giữ được độ nóng như phần 1”. Có lẽ chính áp lực này dễ khiến nhà sản xuất lẫn đạo diễn nôn nóng nên hầu hết phim khai triển từ nhân vật phụ ở thị trường điện ảnh Việt vẫn bị gắn mác là “ăn theo”.
Ngoài việc giữ được “linh hồn bộ phim” là diễn viên và đạo diễn cũ, phần tiếp theo cần có những sáng tạo và đột phá thì mới hy vọng giữ được chân khán giả. Bởi từ vai diễn đầu, khán giả ít nhiều đoán trước được kiểu nhân vật và nội dung ở phần tiếp theo, khiến nó trở nên nhàm chán, cũ kỹ. Do đó để làm được bộ phim khai triển từ nhân vật phụ thành công, tạo được hiệu ứng độc lập so với phần 1 là cả một thử thách mà người đạo diễn và nhà sản xuất phải vượt qua trong xu hướng làm phim tất yếu này.
Mai Quỳnh Nga