Chiều 13/5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2025-2030 và Hướng dẫn sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của thành phố.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, đây là hai nội dung rất quan trọng, cần quán triệt để thống nhất thực hiện trên địa bàn thành phố. "Liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thành phố đã bám sát theo chỉ đạo của Trung ương", ông Nguyễn Văn Phong nói.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, Hà Nội đã thông qua đề án không tổ chức cấp huyện; sắp xếp từ 526 xã, phường, thị trấn thành 126 đơn vị hành chính cấp cơ sở."Điều này nhận được sự đồng thuận rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thành phố", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nói.
Cụ thể, với đề án sắp xếp các đơn vị hành chính, có gần 97% nhân dân đồng tình ủng hộ. Về dự kiến tên gọi đơn vị hành chính cấp cơ sở mới sau sắp xếp cũng được Trung ương, cơ quan truyền thông, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đạt khoảng 97%. Sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt, thành phố sẽ triển khai theo đúng lộ trình quy định.
Về công tác sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thành phố khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nôịnhấn mạnh, đây là việc hệ trọng.
"Làm thế nào để vừa đảm bảo thực hiện đúng theo chỉ đạo của Trung ương, bám sát tình hình thực tiễn Thủ đô; đồng thời phải sắp xếp, tổ chức được bộ máy đủ năng lực, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ người dân, doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Phong lưu ý.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, trong quá trình sắp xếp bộ máy đơn vị hành chính cấp cơ sở, cũng như sau khi bộ máy mới hình thành, đi vào hoạt động, đều "không được làm gián đoạn các hoạt động".
"Cùng với thực hiện nhiệm vụ sắp xếp bộ máy, phải đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; tăng cường công tác quản lý đất đai, tài sản, tài chính, tài liệu, trật tự xây dựng, đảm bảo không để xảy ra sự cố bị động, bất ngờ; đảm bảo trong năm 2025 phải đạt tăng trưởng trên 8%", ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, sau hội nghị quán triệt, thành phố thống nhất nhận thức để tổ chức thực hiện, đảm bảo không có độ trễ, đảm bảo hiệu quả theo đúng định hướng chỉ đạo của Trung ương và thành phố trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng".
Quang Phong/Báo Tin tức