Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, huyện Thanh Trì dâng hương tại lễ kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi mùa Xuân Kỷ Dậu (1789). Ảnh: Quang Thái
Tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành và huyện Thanh Trì đã thành kính dâng hương tại tượng đài Chiến thắng Ngọc Hồi, bày tỏ sự tri ân chiến công oanh liệt của cha ông trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dâng hương tại buổi lễ. Ảnh: Quang Thái
Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong cho biết, vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), Nghĩa quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ đã lập nên một kỳ tích vẻ vang, phá tan tuyến phòng thủ của quân Thanh và cùng cánh quân phía Tây Nam mở toang cửa tiến vào kinh thành Thăng Long, xóa bỏ ách đô hộ của quân xâm lược nhà Thanh và chế độ phong kiến cuối thế kỷ XVIII, thống nhất giang sơn, giành nền độc lập, đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Nổi bật trong chiến công chung đó là trận hành quân thần tốc đại phá đồn Ngọc Hồi - cứ điểm phòng ngự quan trọng nhất trong hệ thống phòng thủ của Tôn Sĩ Nghị và của quân Thanh.
Các tầng lớp nhân dân dâng hương tại buổi lễ. Ảnh: Quang Thái
Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Ngọc Hồi thuộc xã Vĩnh Trung, tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín. Ngày nay, Ngọc Hồi thuộc xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Đồn Ngọc Hồi của quân Thanh được xây dựng khoảng tháng Chạp năm Mậu Thân (1788) trên cánh đồng phía Nam; cách kinh thành Thăng Long 14 km, có vị trí trọng yếu khống chế con đường Thiên lý, ngăn chặn cuộc tiến công của quân Tây Sơn từ Tam Điệp ra, bảo vệ cửa ngõ phía Nam Thăng Long.
Tại đồn Ngọc Hồi, quân địch cho đắp lũy đất cao, phía ngoài bố trí một bãi chướng ngại vật khá phức tạp và nguy hiểm, chúng cắm chông sắt, làm cạm bẫy và đặc biệt là đặt hệ thống địa lôi. Sức phòng thủ mạnh và kiên cố của đồn lũy này là kết hợp chặt chẽ giữa chướng ngại vật, chiến lũy với lực lượng rất mạnh và hỏa lực khá lớn.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong đọc diễn văn kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái
Với khí thế tấn công thần tốc, đánh tiêu diệt nhanh, bằng sức mạnh áp đảo, đêm mùng 4, rạng ngày mùng 5 tết Kỷ Dậu, đội quân Tây Sơn tấn công đồn Ngọc Hồi dưới sự đốc chiến trực tiếp của Vua Quang Trung. Bộ binh, kỵ binh và tượng binh của ta ào ạt xông vào đồn địch.
Trước sự tấn công vũ bão của quân Tây Sơn, quân Thanh không chống cự nổi phải bỏ chạy tán loạn, số tàn quân sống sót bị dồn về đầm Mực, cánh đồng thuộc xã Vĩnh Quỳnh, gần Ngọc Hồi ngày nay, và bị tiêu diệt tan rã tại đây.
Đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái
Chiến thắng Ngọc Hồi đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Thanh xâm lược, mở toang cửa ngõ phía Nam Thăng Long cùng các cánh quân khác…. ào ạt tiến vào Thăng Long khiến Tôn Sĩ Nghị phải chui vào ống đồng tháo chạy về nước. Tướng Sầm Nghi Đống phải tự tử. Quang Trung dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào Thăng Long trong niềm hân hoan vui sướng của toàn thể nhân dân. Chiến thắng Ngọc Hồi có ý nghĩa quyết định trong việc giải phóng Thăng Long.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong khẳng định, trong 236 năm qua, Chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi, mùa Xuân năm Kỷ Dậu mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt và của mỗi người dân Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó là sự kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là chiến thắng của đạo lý chính nghĩa thắng phi nghĩa, là chiến thắng trí tuệ của dân tộc, của nghĩa quân Tây Sơn, đứng đầu là anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong điểm lại những kết quả nổi bật năm 2024. Trong đó, Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành và hoàn thành vượt mức 19/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng 15,2% so với cùng kỳ. Thu ngân sách 3.440 tỷ đồng, đạt 108,1% dự toán giao, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tiết mục nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái
Huyện được thành phố đánh giá hoàn thành xuất sắc 8/13 tiêu chí, hoàn thành tốt 5/13 tiêu chí thi đua, là huyện đầu tiên của thành phố ứng dụng trung tâm giáo dục thông minh. Toàn huyện có 69/73 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 94,5%. Năm 2024, huyện đã giảm 168/168 hộ cận nghèo, đến nay huyện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tiết mục nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái
Đặc biệt, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án huyện phát triển thành quận, xã phát triển thành phường; đến nay đạt 33/34 tiêu chuẩn (còn 1 tiêu chuẩn là cân đối thu chi ngân sách, sẽ phấn đấu hoàn thành tiêu chí này trong năm 2025). Thanh Trì là huyện đầu tiên của thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
“Những kết quả công tác của huyện đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của Thủ đô và đất nước”, đồng chí Nguyễn Xuân Phong nhấn mạnh.
Đình Hiệp