Tỉnh Đồng Nai mới sẽ có quy mô kinh tế khoảng 26 tỷ USD, xếp thứ tư cả nước. Tỉnh sẽ là trung tâm công nghiệp, nông nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu… Theo Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, sáp nhập tạo nên cơ hội, động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội.
“Chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Thách thức là rất lớn, nhưng cơ hội còn lớn hơn. Với truyền thống cách mạng kiên cường, năng động, sáng tạo củacả Đồng Nai và Bình Phước, tôi có niềm tin với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, toàn thể Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Nai mới sẽ biến thách thức thành động lực, đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng quê hương chúng ta trở thành một cực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, một địa phương phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại và là một hình mẫu tiêu biểu của sự hợp tác phát triển trong cả nước”, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chia sẻ với Báo Đồng Nai.
* Thưa ông, tỉnh Đồng Nai mới trên cơ sở sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai cũ với mô hình chính quyền 2 cấp sẽ chính thức đi vào hoạt động đồng bộ vào ngày mai (1-7). Vậy thông điệp đầu tiên mà ông muốn gửi gắm trong thời khắc lịch sử này là gì?
Trong lịch sử, hai tỉnh Đồng Nai, Bình Phước từng thuộc Trấn Biên Hòa (sau là tỉnh Biên Hòa). Việc hợp nhất 2 tỉnh Bình Phước - Đồng Nai lần này là cuộc “tái ngộ” lịch sử từ mạch nguồn Trấn Biên xưa, là một trong những quyết sách chiến lược được Trung ương tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, khoa học, chặt chẽ, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất, chuẩn bị thế và lực cho tỉnh Đồng Nai nói riêng và đất nước nói chung bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, với tầm nhìn 100 năm tới.
Một góc phường Đồng Xoài. Ảnh tư liệu
Trong thời khắc lịch sử này, điều đầu tiên tôi muốn nhắn gửi đến quân và dân cũng như toàn thể cán bộ, công chức, viên chức tỉnh chính là: Đây chính là lúc chúng ta cần đến sức mạnh của sự đoàn kết và đồng lòng. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp sẽ là một "đại sứ" cho sự hợp tác và phát triển. Hãy cùng nhau nắm bắt những cơ hội mới từ việc sáp nhập, tạo nên động lực mới. Tinh thần cởi mở, hợp tác của người dân và doanh nghiệp sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ nhất để biến tiềm năng của tỉnh mới thành hiện thực.
* Tỉnh Đồng Nai mới sẽ là một trong những địa phương trong top đầu cả nước về quy mô dân số, quy mô diện tích cũng như quy mô nền kinh tế. Ông có thể cho biết, với những tiềm năng to lớn đó, đâu sẽ là mục tiêu cơ bản mà địa phương hướng đến trong thời gian tới?
- Sau hợp nhất, tỉnh Đồng Nai mới nằm trong top đầu cả nước về quy mô dân số, diện tích và quy mô nền kinh tế. Tỉnh Đồng Nai mới có vị trí quan trọng, là trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ liên vùng, là “thủ phủ” công nghiệp lớn nhất cả nước. Với vị trí này, Đồng Nai mới sẽ trở thành trục hành lang kinh tế quan trọng, mạng lưới giao thông đa dạng, đa phương thức (hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy) với Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là cửa ngõ hàng khôngquốc tế của Việt Nam, Cảng Phước An là trung tâm cảng biển lớn của cả nước. Đồng Nai mới sẽ trở thành một trung tâm sản xuất hàng hóa, dịch vụ, logistics lớn của đất nước.
Với vị trí này, Đồng Nai mới sẽ trở thành trục hành lang kinh tế quan trọng, mạng lưới giao thông đa dạng, đa phương thức (hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy) với Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là cửa ngõ hàng không quốc tế của Việt Nam, Cảng Phước An là trung tâm cảng biển lớn của cả nước. Đồng Nai mới sẽ trở thành một trung tâm sản xuất hàng hóa, dịch vụ, logistics lớn của đất nước.
Mô hình phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1. Ảnh tư liệu
Trên lĩnh vực nông nghiệp, cả Đồng Nai và Bình Phước đều có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn. Khi sáp nhập, Đồng Nai mới sẽ trở thành tỉnh có ngành chăn nuôi quy mô lớn nhất Việt Nam.
Tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất cũng được đánh giá không chỉ mạnh về kinh tế, vững về quân sự - quốc phòng, với “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”, vùng đất này còn được đánh giá là cái nôi của nhiều nền văn hóa đặc sắc, nơi hội tụ gần như đầy đủ các thành phần dân tộc trong cả nước (hơn 50 thành phần dân tộc).
Tỉnh Đồng Nai mới là vùng đất được đánh giá là cái nôi của nhiều nền văn hóa đặc sắc, nơi hội tụ gần như đầy đủ các thành phần dân tộc trong cả nước. Ảnh tư liệu
Với những tiềm năng, lợi thế được đánh giá “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, chính sách đầu tư cởi mở, thông thoáng. Cùng với đó là cơ chế vận hành của Đảng và Nhà nước trên tinh thần “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền” với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, tôi tin tưởng rằng tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất sẽ vươn mình trở thành một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam.
* Thưa ông, việc sáp nhập 2 tỉnh thành tỉnh Đồng Nai mới không chỉ đơn thuần là việc sáp nhập cơ học về địa giới hành chính, nó còn liên quan đến công tác tổ chức bộ máy chính quyền, đặc biệt là con người. Ông nhìn nhận như thế nào về những thách thức này?
- Đúng, đây là một vấn đề rất quan trọng, là mối quan tâm chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh trong thời khắc lịch sử này. Trước hết, chúng ta phải khẳng định rõ, chủ trương sáp nhập tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước là một quyết sách chiến lược nhằm tạo ra một không gian phát triển mới rộng lớn hơn, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cả hai địa phương. Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, con đường phía trước không chỉ có thuận lợi.
Sáp nhập hai tỉnh là một công việc hệ trọng và phức tạp, việc hợp nhất bộ máy hành chính, sắp xếp cơ cấu lại tổ chức, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ hai địa phương là một thách thức lớn và sẽ có những xáo trộn ban đầu về nơi làm việc, vị trí công tác, thậm chí là những thay đổi trong cuộc sống của một bộ phận cán bộ và gia đình.
Bên cạnh đó, việc thống nhất các cơ chế, chính sách, đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế - xã hội và đặc biệt là dung hòa những khác biệt về văn hóa, tập quán giữa các địa phương cũng đòi hỏi thời gian, công sức và sự thấu hiểu.
Phối cảnh trung tâm chính trị, hành chính tỉnh Đồng Nai tại phường Trấn Biên theo phương án đoạt giải nhất cuộc thi ý tưởng quy hoạch chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh tư liệu
* Những khó khăn, thách thức đã được nhận diện rõ, vậy theo ông, đâu sẽ là chìa khóa để “hóa giải” những khó khăn, thách thức này để tạo ra động lực phát triển mới cho tỉnh Đồng Nai mới?
- Như tôi đã nói từ đầu, đây chính là lúc chúng ta cần phát huy cao nhất sức mạnh của sự đoàn kết và đồng lòng. Sự đoàn kết, đồng lòng sẽ là “chìa khóa” “hóa giải” mọi khó khăn, thách thức.
Với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tôi đặt kỳ vọng vào tinh thần trách nhiệm, sự chuyên nghiệp và ý chí vượt qua thử thách. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc rằng, sự thay đổi này là vì lợi ích chung, vì sự phát triển của tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Thi công Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh. Ảnh: tư liệu
Từ đó, tạm thời gác lại những băn khoăn, tâm tư cá nhân, đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ có những chính sách, lộ trình sắp xếp cán bộ một cách công tâm, khách quan, minh bạch, có lý có tình, đảm bảo ổn định và tạo điều kiện tốt nhất để mỗi người phát huy được năng lực của mình.
Công nghiệp vẫn là lĩnh vực thế mạnh và là một trong những động lực chính của nền kinh tế của tỉnh Đồng Nai (mới). Ảnh: Phạm Tùng
Bộ máy mới của tỉnh mới cũng cần một luồng sinh khí mới. Do đó, tôi kỳ vọng mỗi cán bộ, công chức sẽ là một nhân tố tích cực trong việc xây dựng quy chế hoạt động, cải tiến quy trình làm việc, nhanh chóng đưa bộ máy vào vận hành một cách trơn tru, hiệu quả. Phải quyết tâm xóa bỏ tư duy cục bộ địa phương, cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đoàn kết và hiệu quả.
Đội ngũ cán bộ của tỉnh Đồng Nai cũng như tỉnh Bình Phước, mỗi nơi đều có những kinh nghiệm, những thế mạnh riêng. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta học hỏi, bổ sung cho nhau, tạo nên một đội ngũ mạnh hơn, toàn diện hơn.
Đặc biệt, sự đồng thuận và ủng hộ của người dân chính là cội nguồn sức mạnh, là yếu tố quyết định thành công của chủ trương lớn này. Tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng, mỗi người dân sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, cùng nhau chia sẻ những khó khăn bước đầu.
* Thưa ông, tỉnh Đồng Nai mới sẽ là địa phương kế thừa vị trí chiến lược quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển. Ông có thể chia sẻ tầm nhìn để hiện thực hóa những tiềm năng, lợi thế đó?
- Đồng Nai nằm ở vị trí trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, Đồng Nai có nhiều cơ hội, không gian phát triển sau khi sáp nhập.
Cảng biển Phước An đóng vài trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngành logistics trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phạm Tùng
Do đó, tỉnh Đồng Nai mới xác định mục tiêu phát triển công nghiệp vẫn là động lực chính của nền kinh tế. Với vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, đặc biệt quỹ đất rộng lớn, còn nhiều dư địa phát triển, đặc biệt thu hút ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường.
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai mới có cảng Phước An, Sân bay Long Thành, có các cửa khẩu biên giới. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển ngành logistics. Tất nhiên, tỉnh cũng cần phải phấn đấu đầu tư, hoàn thành khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Đồ họa: Hải Quân
Cùng với đó, hình thành được các khu đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp. Phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho Vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung tạo ra những chuỗi giá trị mới, có hàm lượng chất xám phải cao hơn, tri thức phải nhiều hơn, chất lượng sống cho người dân phải tốt hơn.
* Con người luôn là yếu tố then chốt của quá trình phát triển, với tỉnh Đồng Nai mới, ông có thể cho biết thêm chiến lược thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?
- Hiện nay, Đồng Nai cũng đang chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài đến tỉnh sinh sống và làm việc. Từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nhằm đạt chuẩn quốc tế, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng lao động một cách bền vững. Thời gian tới, Đồng Nai phải trở thành “điểm đến” là nơi thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc và sinh sống.
* Thưa ông, tỉnh Đồng Nai mới sẽ tập trung vào những giải pháp nào để vẫn đạt mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và những năm tiếp theo?
- Đồng Nai mới là tỉnh có quy mô kinh tế xếp thứ 4 cả nước nên tăng trưởng kinh tế của tỉnh đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng chung của Việt Nam. Do đó, tỉnh đã phân công cụ thể nhiệm vụ, công việc cho từng ngành, từng lĩnh vực và đưara các giải pháp để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm nay và những năm tiếp theo.
Đồng Nai sẽ đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Trong đó, cầu Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng đưa vào khai thác. Ảnh: Phạm Tùng
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng GRDP của tỉnh đạt hơn 132,3 ngàn tỷ đồng, tăng 8,21%, cao hơn 1,93% so với cùng kỳ năm trước. Theo tôi, với quyết tâm cao củaTỉnh ủy, chính quyền tỉnh và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, Đồng Nai sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10% trở lên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững của quốc gia.
UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, kịch bản tăng trưởng chi tiết cho từng ngành, lĩnh vực, ưu tiên cho các giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh nhanh chóng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hoạt động hiệu quả. Đồng thời, tỉnh huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh giảingân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước…
* Ông có thể cho biết rõ hơn các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong 6 tháng cuối năm?
- Đồng Nai sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm của quốc gia, tỉnh. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, góp phần hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch Chính phủ giao. Đồng Nai cũng đặt mục tiêu sẽ thuộc nhóm 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Mới đây, Đồng Nai đã thành lập Tổ tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh, mục đích là để kịp thời nhận diện rõ những khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Từ đó, các chuyên gia kinh tế sẽ đề xuất giải pháp khắc phục, vượt qua khó khăn.
Ra mắt Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hải Quân
Trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục chung tay phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực để tỉnh trở thành trung tâm kinh tế phát triển hàng đầu của Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông!