Từ một vùng đất chịu nhiều tàn phá do chiến tranh, Đồng Nai đã có bước chuyển mình mạnh mẽ sau ngày 30-4-1975. Với sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, Đồng Nai đã vươn lên trở thành một trong những địa phương có kinh tế phát triển hàng đầu cả nước, GRDP đạt gần 260,3 ngàn tỷ đồng, xếp thứ 4 trên cả nước.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã trao đổi với Báo Đồng Nai về những thành tựu trong phát triển kinh tế của tỉnh qua nửa thế kỷ và mục tiêu cho những năm tới.
Các thành tựu kinh tế nổi bật
Đồng chí có thể cho biết những thành tựu về kinh tế Đồng Nai đã đạt được trong 50 năm qua?
- Sau ngày 30-4-1975, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ đều phải chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh. Tuy nhiên, người dân Đồng Nai đã vượt qua những đau thương, mất mát, tập trung vào khắc phục những khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội. Từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, Đồng Nai đã từng bước vươn lên trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam. Đồng thời, tỉnh cũng vào tốp 4 tỉnh, thành có GRDP lớn nhất cả nước cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương.
Trong 5 thập niên qua, mỗi địa phương trong tỉnh đều chọn cho mình một thế mạnh riêng để phát triển. Đơn cử như các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và thành phố Biên Hòa đã trở thành nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, đô thị. Các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Vĩnh Cửu và thành phố Long Khánh phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch. Do đó, nhiều năm nay, Đồng Nai luôn nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai rất chú trọng phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Việc này được thể hiện qua kết quả Đồng Nai luôn thuộc một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước trong Phong trào Xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo đồng chí, đâu là kết quả nổi bật của Đồng Nai trong phát triển công nghiệp?
- Đồng Nai được xem là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của cả nước. Đến nay, tỉnh đã thành lập được 37 khu công nghiệp, kế hoạch đến năm 2030 sẽ là 48 khu công nghiệp. Vào cuối những năm 1980, Đồng Nai là tỉnh đi đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều tập đoàn FDI đã đến tỉnh đầu tư, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài tỉnh, giúp người dân có thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống.
Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào tỉnh hơn 36 tỷ USD, trong đó riêng các khu công nghiệp đạt gần 31,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước đến đầu tư vào công nghiệp với số vốn đăng ký lên đến gần 4 tỷ USD. Công nghiệp - xây dựng của tỉnh chiếm gần 60% trong cơ cấu kinh tế.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phê duyệt xác định 5 khâu đột phá, 6 trụ cột, 36 dự án động lực. Do đó, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 làm cơ sở thu hút đầu tư.
Với lợi thế là trung tâm giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên Đồng Nai có nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn, có công nghệ hiện đại đặt nhà máy sản xuất như: Nestlé, SMC, Bosch, Lixil, Schaeffler, Tripod, UPM, Hyosung…
Từ hơn 10 năm trước, Đồng Nai thu hút đầu tư vào công nghiệp có chọn lọc, nhiều dự án thu hút được thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Do đó, tỉnh đã giảm dần nhập khẩu, tăng xuất khẩu và xuất siêu tăng lên theo từng năm.
Đồng Nai còn được biết đến là tỉnh đi đầu trong phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Để có được thành tựu trên, tỉnh đã làm gì, thưa đồng chí?
- Từ nhiều thập niên trước, nông dân Đồng Nai đã được biết đến là tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong chăn nuôi, trồng trọt nhanh. Do đó, tỉnh có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, cho thu nhập cao được nhân rộng. Đây là tiền đề để tỉnh xây dựng thành công Chương trình Nông thôn mới, sau đó là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Tháng 1-2015, huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh (nay là thành phố Long Khánh) là 2 đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước được Chính phủ công nhận danh hiệu nông thôn mới. Năm 2019, Đồng Nai được Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với kế hoạch. Sau đó, tỉnh tiếp tục đặt ra kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Phong trào này giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn. Đồng Nai hình thành các vùng quê xanh - sạch - đẹp thu hút nhiều tỉnh, thành trên cả nước đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và du lịch nghỉ dưỡng.
Sẽ đưa Đồng Nai tăng tốc và “cất cánh”
Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai sẽ lấy Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sông Đồng Nai làm động lực mới cho phát triển đột phá. Theo đồng chí, mục tiêu đột phá này sẽ được tỉnh triển khai như thế nào?
- Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và sông Đồng Nai sẽ tạo ra động lực cho tỉnh đột phá, tăng tốc, cất cánh trong phát triển kinh tế.
Tỉnh sẽ lấy người dân làm trung tâm, chủ thể quan trọng nhất trong phát triển để nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao. Đồng thời, tỉnh sẽ đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng, đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, hình thành các đô thị sân bay, đô thị sinh thái ven sông Đồng Nai mang đẳng cấp quốc tế.
Tháng 7-2024, sau khi Quy hoạch tỉnh được Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai đã công bố rộng rãi cho người dân, doanh nghiệp nắm rõ. Đồng thời, tỉnh tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để mời gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm và tiềm lực tham gia chuỗi 36 dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2025-2030.
Năm nay, Đồng Nai được Chính phủ giao nhiệm vụ đạt tăng trưởng kinh tế 10% so với năm 2024. Tỉnh đã triển khai những giải pháp gì để đạt được kết quả trên?
- Từ đầu năm, tỉnh đã đưa ra kế hoạch, giải pháp để GRDP tăng 10% trong năm 2025 và làm tiền đề cho những năm sau tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công để đảm bảo cuối năm giải ngân trên 95%, thu hồi dự án chậm triển khai theo kế hoạch giao cho nhà đầu tư đủ năng lực. Đồng Nai sẽ tiếp tục tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng nhanh hạ tầng các khu công nghiệp mới để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, chíp bán dẫn, du lịch, logistics, thương mại dịch vụ…
Tỉnh sẽ hỗ trợ, khuyến khích các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, giảm phát thải tiến dần đến net zero để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Xin cảm ơn đồng chí!
Hương Giang (thực hiện)