Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia. Ảnh: Công Phương.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, ngành Giao thông vận tải từ lâu đã trở thành huyết mạch kết nối mọi miền đất nước, góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội. Trong đó, công sức và sự cống hiến của từng người lao động chính là động lực thúc đẩy sự vận hành liên tục và hiệu quả của hệ thống giao thông vận tải.
Chủ đề của hội nghị tập trung vào Luật Thủ đô, Luật Công đoàn và các chính sách mới liên quan đến người lao động. Đây là những quy định pháp luật và chính sách mang tính chiến lược, nhằm đảm bảo mỗi người lao động đều được hưởng các quyền lợi chính đáng, đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực vào việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, công bằng và bền vững.
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc. Ảnh: Công Phương.
“Hội nghị đối thoại hôm nay không chỉ là nơi để chúng ta tiếp nhận thông tin, mà còn là cơ hội để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của anh chị em công nhân lao động. Mỗi câu hỏi, mỗi ý kiến chia sẻ sẽ góp phần làm sáng tỏ những khía cạnh cần điều chỉnh và hoàn thiện, để các chính sách thực sự trở thành công cụ bảo vệ và phát triển cuộc sống của người lao động”, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh khẳng định.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương, Công ty Cổ phần Công trình Giao thông 2 Hà Nội hỏi: Tôi muốn biết quyền của đoàn viên công đoàn trong Luật Công đoàn sửa đổi được quy định như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà trả lời: Luật Công đoàn sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2025. Luật Công đoàn năm 2024 có rất nhiều nội dung mới, có lợi cho đoàn viên, vấn đề chị Thu Phương hỏi được nêu cụ thể tại Điều 21 Luật Công đoàn 2024.
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời câu hỏi. Ảnh: Công Phương.
Cùng đặt câu hỏi, ông Vương Danh Tường, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần tư vấn xây dựng giao thông Hà Nội hỏi: quyền lợi của người lao động sau khi nghỉ hưu theo Luật BHXH 2024?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu trả lời: theo Luật BHXH 2024, người lao động được nghỉ hưu khi có đủ 15 năm đóng BHXH. Về cách tính tỷ lệ, trường hợp người lao động nam có 15 năm đóng BHXH được hưởng 40%, mỗi năm đóng thêm được cộng thêm 1% cho đến khi đủ 20 năm đóng BHXH thì được hưởng 45%. Quy định về số năm đóng tối thiểu 15 năm này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động mà chỉ áp dụng với các trường hợp đủ điều kiện về tuổi đời.
Anh Trần Trung Đức, Thanh tra Giao thông vận tải Hà Nội hỏi: Trong Luật Thủ đô có quy định nào về thu hút người tài không? Hiểu thế nào là người tài?
Chuyên gia Phạm Thị Thanh Hương trả lời: khoản 1 Điều 16 Luật Thủ đô 2024 quy định về việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài ở Thủ đô Hà Nội. Theo đó, công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức,...
Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia BHXH Khu vực I trả lời câu hỏi của người lao động. Ảnh: Công Phương.
Câu hỏi bạn đọc trực tuyến: Hà Nội đang triển khai những hoạt động gì để đưa Luật Thủ đô đi vào cuộc sống?
Chuyên gia Phạm Thị Thanh Hương trả lời: Luật Thủ đô 2024 đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024. Luật Thủ đô là niềm phấn khởi, tự hào lớn lao không chỉ đối với toàn thể Nhân dân Hà Nội, mà còn đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trên địa bàn Thủ đô. Mở ra những cơ chế đột phá và quyền lợi chính sách mới.
Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô 2024 là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Trung ương đối với Hà Nội – trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa và khoa học lớn nhất cả nước.
Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 37 về đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủ đô 2024. UBND thành phố ban hành đã ban hành các văn bản về tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, đã phát động phong trào tuyên truyền cao điểm để Luật đi vào cuộc sống với phương châm "tuyên truyền sớm, sâu rộng, hiệu quả và đến đúng đối tượng".
Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội trả lời câu hỏi về Luật Thủ đô 2024. Ảnh: Công Phương.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Hà Nội cũng đã và đang tích cực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa 9 nhóm chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô.
Trong thời gian vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng. Các nội dung trọng tâm bao gồm chính sách thu hút nhân tài, phát triển giáo dục, y tế, quy hoạch kiến trúc, bảo tồn khu phố cổ, hạ tầng giao thông, và các chính sách huy động nguồn lực đầu tư, phát triển văn hóa – xã hội phù hợp với đặc thù Thủ đô.
Đáng chú ý là quy định về dùng quỹ lương của Thành phố tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, người làm việc trong các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội… mà thuộc ngân sách thành phố đảm bảo chi thường xuyên.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành và toàn thể Nhân dân, Luật Thủ đô 2024 sẽ ngày càng sâu rộng vào cuộc sống và tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện, xứng tầm khu vực và thế giới.
Tại hội nghị, ban tổ chức đã nhận được nhiều câu hỏi của công đoàn viên và câu hỏi của độc giả trực tuyến. Các chuyên gia cũng đã trả lời các câu hỏi của độc giả.
Công Phương