Hướng dẫn người dân cách cài đặt các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh
Trở thành công dân số
Hiện nay, gần như chuyển đổi số, công nghệ số đều đang len lỏi, tác động liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Từ việc làm giấy tờ, thủ tục hành chính đến giao dịch mua bán, sử dụng các dịch vụ công cộng... đều ứng dụng công nghệ số.
Vừa qua, khi dẫn con lên phường làm căn cước công dân, tôi nhẩm đếm phải trên cả trăm người xếp hàng chờ, trong đó đa số là các cháu ở độ tuổi 14, 15. Cũng may trước đó, nhờ được các cán bộ công an phường hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký trước trên dịch vụ công trực tuyến, nên thời gian thực hiện cho mỗi trường hợp diễn ra khá nhanh. Một số người dân lớn tuổi chưa quen với các thao tác, ứng dụng dịch vụ trên điện thoại di động, nhưng chỉ qua vài phút hướng dẫn trực tiếp của các đoàn viên, thanh niên, họ đã đăng ký thành công dịch vụ công trực tuyến xin cấp căn cước công dân.
Thời gian qua, nhiều lớp học phổ cập kiến thức cơ bản về công nghệ, nâng cao năng lực số, ứng dụng trên môi trường số đã được Thành đoàn Huế, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố tổ chức. Mới đây, tại xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), Ban Thường vụ Thành đoàn phối hợp với Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Huế (IOC) - Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức lớp "Bình dân học vụ số" để tuyên truyền, hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên và người dân kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin, các dịch vụ số... Tại lớp học, nhiều người được hướng dẫn sử dụng các thiết bị thông minh, mạng xã hội; cài đặt Hue-S, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua phần mềm Hue-S.
Ứng dụng các tiện ích trên di động thông minh để giao dịch, chia sẻ thông tin
Chị Võ Thị Chi, chủ tiệm kinh doanh tạp hóa ở xã Giang Hải, huyện Phú Lộc chia sẻ: "Nhờ các bạn trẻ hướng dẫn, chỉ bày các ứng dụng, thao tác trên điện thoại thông minh, tôi đã có thể đặt hàng, chuyển khoản giao dịch với các đại lý từ xa. Trước đây, nghe đến công nghệ số cứ tưởng cao siêu, nhưng lúc thực hành lại thấy rất dễ làm...".
Thực hiện chiến dịch bình dân học vụ số, bên cạnh tập huấn, hướng dẫn cho người dân tiếp cận, thực hành các thao tác điện tử, dịch vụ số trên môi trường mạng..., nhiều đối tượng, lứa tuổi từ thanh niên đến người già, từ những người công nhân, giáo viên, cán bộ đến doanh nhân... cũng tích cực tham gia các lớp học về kỹ năng số để không còn bị tụt hậu, đứng ngoài lề với thời cuộc công nghệ số, chuyển đổi số. Ông Nguyễn Hữu Lễ, Chủ tịch Câu lạc bộ Lâm nghiệp thành phố Huế tại một hội thảo cho rằng, ngoài tự tìm tòi, học hỏi qua những lớp phổ cập kỹ năng số, hay các khóa tập huấn chuyên sâu về công nghệ số, trí tuệ nhân tạo... sẽ giúp những nhà khoa học hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau được mở mang kiến thức, tự tin "hòa nhập" cùng giới trẻ, xã hội và trở thành những công dân số.
Sử dụng kỹ năng số an toàn, hiệu quả
Theo thống kê từ Phòng Chuyển đổi số - Sở Khoa học & Công nghệ, đến nay, toàn thành phố Huế có trên 876.000 người có điện thoại thông minh, chiếm hơn 75% dân số trưởng thành; 86,6% hộ gia đình có người có điện thoại thông minh và khoảng 50% người dùng thiết bị di động thông minh tiếp cận các dịch vụ chính quyền điện tử, các dịch vụ thông minh và giao tiếp trên môi trường mạng.
Ông Trương Ngọc Tính, cựu chiến binh ở phường Thủy Vân, quận Thuận Hóa kể: "Khi con cháu mới sắm cho chiếc điện thoại thông minh, vợ chồng tôi chỉ biết nghe gọi thông thường. Sau khi các cán bộ trên phường hướng dẫn cách kết nối mạng, cài đặt, cập nhật các ứng dụng đáng tin cậy, chúng tôi khám phá thêm nhiều tính năng rất tiện ích như xem các thông tin thời sự trên máy di động, chuyển khoản tiền, kết nối liên lạc, nhắn tin trên zalo, facebook... dù chỉ ngồi ở nhà".
Theo quan điểm của ngành khoa học và công nghệ, thực hiện bình dân học vụ số là cách để xây dựng công dân số toàn diện, xã hội số phát triển và để không ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số cũng như khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Bên cạnh nâng cao năng lực số, người dân còn cần được nâng cao kỹ năng số, kỹ năng thực hành an toàn trên không gian mạng.
Thực tế, tình trạng lừa đảo bằng công nghệ cao đang khiến không chỉ người dân trong nước mà cả thế giới vất vả đối phó. Để ứng phó vấn nạn này, theo khuyến cáo, người dân cần nhận diện và biết cách đề phòng cảnh giác, đặc biệt phải biết được những kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng, ứng dụng các dịch vụ số, các dịch vụ đô thị thông minh, kỹ năng phòng ngừa rủi ro để tránh mắc bẫy lừa đảo trên không gian mạng.
Theo cơ quan quản lý, hiện nay, mạng xã hội kết nối người dùng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì thế, các khóa tập huấn đã dành thời gian phân tích, tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ và sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, an toàn bằng cách phải bảo vệ thông tin cá nhân, không tiết lộ quá nhiều, chọn chế độ riêng tư; giao tiếp văn minh; cẩn trọng với người lạ, cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo...
Ông Dương Văn Sỹ, Trưởng phòng Truyền thông - Trung tâm IOC cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối, kết hợp tổ chức trang bị, nâng cao kỹ năng số cho người dân thông qua các khóa học trực tuyến về cách làm chủ điện thoại thông minh, phòng tránh các rủi ro trên không gian mạng, sử dụng tài khoản định danh điện tử... Qua đó, đã xây dựng hàng chục bài giảng video về các kỹ năng cơ bản, thu hút hơn 63.300 học viên và hơn 419.300 lượt tham gia các khóa học.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN