Phó Chánh án TAND TP.HCM chia sẻ về việc kiều bào nhờ đứng tên giùm nhà đất

Phó Chánh án TAND TP.HCM chia sẻ về việc kiều bào nhờ đứng tên giùm nhà đất
9 giờ trướcBài gốc
Hôm nay (22-4), báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm“Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM”.
Chia sẻ về thực tiễn chính sách với kiều bào hiện nay, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM) cho biết, hiện nay pháp luật về đất đai nhà ở đối với kiều bào đã khá thông thoáng. Nếu còn quốc tịch Việt Nam (VN) thì sẽ có đầy đủ các quyền về đất đai như cá nhân trong nước như được giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Còn đối với trường hợp kiều bào không còn quốc tịch VN nhưng có giấy xác nhận là người gốc VN và được nhập cảnh vào VN thì cũng được hưởng chính sách mới mở rộng hơn liên quan đến quyền thừa kế so với Luật Đất đai 2013 như: được nhận thừa kế đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở...
“Tuy nhiên, thực tế chúng ta thấy có nhiều tranh chấp phát sinh liên quan đến việc kiều bào nhờ người trong nước đứng tên giùm bất động sản", ông Hiển nêu vấn đề để các đại biểu cùng thảo luận.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó Chánh án TAND TP.HCM) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó Chánh án TAND TP.HCM) cho biết rất tâm đắc về một số ý kiến mà kiều bào nêu. Theo bà Dung, những kiều bào trở về VN không phải để kiếm tiền mà để cống hiến, về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Bà Dung cũng kể về một vụ án xảy ra cách đây vài năm. Anh A là một Việt kiều Mỹ quay về VN đòi một căn nhà. Theo anh, đây là số tiền tích lũy gửi về cho cô em gái mua một căn nhà để lo cho cha mẹ và để mỗi lần về VN anh sẽ ở tại căn nhà này.
Việc gửi tiền về mua nhà đều có gửi thư từ trao đổi qua lại với em gái, nội dung nói rõ số tiền gửi về là để mua biệt thự. Do thời điểm đó, Việt kiều không được phép đứng tên trên nhà, đất nên anh nhờ em gái đứng tên dùm. Một vài năm sau do công việc không quay về VN, khi lên mạng anh tá hỏa phát hiện em gái đang rao bán căn nhà.
Anh lập tức quay về VN và nói chuyện với em gái. Người em gái thì cho rằng đã có công sức nuôi ba má và giữ gìn căn nhà. Nếu trả thì anh A cũng không thể đứng tên nên đề nghị anh A trả 2/3 giá trị hoặc người em sẽ trả cho anh A 1/3 giá trị căn nhà. Anh A đã lưu hết những bản ghi âm này và cung cấp chứng cứ cho tòa cùng các chứng từ gửi tiền.
Anh A khởi kiện với mong muốn được nhận căn nhà là nơi cha mẹ anh sống, nơi lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm của cha mẹ anh, của anh. Luật pháp thời điểm đó, không cho phép đối tượng này được sở hữu nhà hay quyền sử dụng đất. Vì vậy, sau khi định giá căn nhà, tòa tính một phần công sức đóng góp của em gái, phần còn lại anh A nhận một số tiền và quay lại nước ngoài. Được biết sau đó, người em cũng lo tiền trả cho người anh để giữ lại căn nhà này.
Theo bà Dung, trước đây, việc đứng tên trên nhà, đất đối với người VN định cư ở nước ngoài có phần hạn chế. Như trong những vụ án chia thừa kế, người VN định cư ở nước ngoài có mong mỏi làm sao để được nhận nhà, bởi với họ ngôi nhà là quê hương là ký ức tuổi thơ nhưng luật quy định họ chỉ nhận giá trị kỷ phần thừa kế.
Tuy nhiên, đến nay Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực đã quy định rất rõ. Cụ thể, như khoản 1 Điều 28 Luật Đất đai 2024 quy định: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc VN định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào VN được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao. Người gốc VN định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào VN được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự”.
"Như vậy, đến nay luật đã cho phép, luật đã cởi mở để tạo điều kiện cho kiều bào về VN sinh sống và đóng góp cho đất nước", bà Dung nói.
Hoàn thiện các chính sách với kiều bào là cần thiết
Trong lịch sử dân tộc, Bác Hồ đã từng thu hút các nhà tri thức, khoa học được đào tạo bài bản ở nước ngoài về phục vụ Tổ quốc theo lời kêu gọi của Bác, như: Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Trần Đại Nghĩa…
Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Do đó, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đều hướng đến việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, phát triển.
Ông Huỳnh Tấn Đạt (ngoài cùng bên phải) trao đổi bên lề tọa đàm với Luật sư Cổ Hiệp (giữa) và ông Henry Bùi Xuân Hoàng (CEO Công ty Cổ phần KHCN Hoàn Vũ - Trung tâm phân tích công nghệ cao). Ảnh: NGUYỆT NHI
Do đó, việc hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan đến chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài là cần thiết nhằm góp phần hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại; đồng thời giúp họ nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện chúng ta cũng đã có những thay đổi trong chính sách pháp luật đối với kiều bào như: Luật Căn cước 2023 quy định thông tin thể hiện trên thẻ CCCD là "nơi cư trú" thay vì "nơi thường trú", tháo gỡ vướng mắc cho công dân VNĐCONN không có đăng ký thường trú tại Việt Nam. Hay quyền và nghĩa vụ về đất đai của kiều bào còn quốc tịch Việt Nam cũng như cá nhân trong nước...
Ông HUỲNH TẤN ĐẠT, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM
YẾN CHÂU
Nguồn PLO : https://plo.vn/pho-chanh-an-tand-tphcm-chia-se-ve-viec-kieu-bao-nho-dung-ten-gium-nha-dat-post845870.html