Phó chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn: Ô nhiễm không khí là thách thức vô cùng lớn

Phó chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn: Ô nhiễm không khí là thách thức vô cùng lớn
8 giờ trướcBài gốc
Ô nhiễm môi trường của Hà Nội rất cấp bách
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay tình trạng ô nhiễm môi trường của thủ đô Hà Nội hiện nay hết sức cấp bách, đe dọa trực tiếp tới chất lượng sống, sức khỏe của nhân dân. Riêng về ô nhiễm không khí là vấn đề thách thức vô cùng lớn.
Theo các nghiên cứu, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là từ các phương tiện giao thông vận tải, nhất là do sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu). Hiện Hà Nội có 1,1 triệu ô tô và khoảng 6,9 triệu xe máy. Riêng trong khu vực vành đai 1 - trung tâm nội đô, số lượng xe máy lên tới 450.000, trong khi dân số trong khu vực này chỉ khoảng 600.000.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn
Theo ông Tuấn, vừa qua Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg. Đây là một chỉ thị có các nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt, khá toàn diện trong lĩnh vực môi trường, trong đó cũng xác định một đối tượng là các phương tiện giao thông vận tải cá nhân.
“Chỉ thị 20 cũng tương đồng với Luật Thủ đô, cũng có những điều khoản rất cụ thể trong việc triển khai Điều 28 Luật Thủ đô”, ông Tuấn nói.
Nguyên tắc là kiểm soát trong khu vực trung tâm đô thị lõi, xác định theo các vành đai như vành đai 1, mở rộng vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4, thậm chí vành đai 5. Riêng vành đai 4, vành đai 5 thì là vành đai liên vùng thủ đô, vành đai 1 là trung tâm nội đô lịch sử, vành đai 2 thuộc nội đô lịch sử, vành đai 3 là nội đô mở rộng.
“Quá trình này rất phù hợp cho các vùng không khí để xử lý. Chắc chắn tất cả phương tiện dù là của cá nhân hay công cộng đều phải hướng tới phát thải thấp”, ông Tuấn nói.
Phó chủ tịch TP.Hà Nội cũng nhấn mạnh chỉ những phương tiện sạch mới tạo ra điều kiện phát thải thấp. Các phương tiện 2 kỳ, chạy xăng, dầu tạo ra những hệ lụy về môi trường.
“Hệ quả của việc này là vừa không văn minh vừa thiếu trật tự và đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới môi trường”, ông Tuấn nêu.
Tổ chức mạng lưới giao thông công cộng thông minh
Ông Dương Đức Tuấn cho hay để triển khai việc này, TP.Hà Nội sẽ nghiên cứu một cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ chuyển đổi phù hợp nhất nhất cho nhân dân, đặc biệt người sử dụng phương tiện chạy bằng xăng dầu trong khu vực vành đai trung tâm của thủ đô.
Ngoài ra, đưa ra chế độ ưu đãi nhất để đổi các phương tiện, thậm chí hỗ trợ vào cả giá thành. Luật Thủ đô cũng khuyến khích việc này, thậm chí các phương tiện xanh, sạch thì được miễn gần như 100% lệ phí trước bạ, phí đăng ký.
Đề xuất cấm xe máy chạy xăng vào khu vực vành đai 1 từ tháng 7.2026
Bên cạnh đó, khi chuyển đổi phương tiện với mốc ngày 1.7.2026, trạm sạc cho các xe sử dụng điện sẽ chuẩn hóa lại quy hoạch. Nhiệm vụ về đầu tư công của thành phố để kiện toàn trạm sạc phù hợp, song song với việc phải bảo đảm an toàn.
“Nhiều trường hợp chúng ta kiểm soát không phù hợp sẽ tạo ra dấu hiệu mất an toàn cho các đối tượng sử dụng xe này. Chúng ta thấy pin xe là vấn đề liên quan tới cả phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ”, ông Tuấn nêu.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh trong vành đai 1 và 2, Hà Nội cũng tổ chức mạng lưới hệ thống giao thông công cộng đa phương thức thích hợp nhất, hiện đại nhất, thông minh nhất.
Hiện nay khu vực vành đai 1 có 45 tuyến xe buýt với 535 xe, trong đó có 11 tuyến xe buýt điện với 126 xe. Hà Nội sẽ cấu trúc lại mạng lưới này.
“Hiện nay vành đai 1 mới chỉ được 11/45 tuyến xe buýt điện. Chúng tôi sẽ tăng cường mạng lưới xe buýt quy mô trung bình 8-12-16 chỗ. Loại hình này tỏ ra rất hiệu quả khi triển khai hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trong khu vực vành đai 1 để tạo thành mạng lưới phủ rộng hơn”, ông Tuấn nói.
Theo đó, hệ thống xe buýt này này cũng sẽ kết hợp với hệ thống đường sắt đô thị. Hiện nay có tuyến Cát Linh – Hà Đông đi vào trung tâm vành đai 1. Đến năm 2030 TP.Hà Nội sẽ phải hình thành hoàn chỉnh 3 tuyến đường sắt đô thị (tuyến đường sắt đô thị số 2, số 3, số 5) và tuyến đường sắt đô thị nhánh số 2A.
Theo ông Tuấn, vận tải hành khách công cộng càng tăng cao thì càng kiểm soát được phương tiện cá nhân.
Đối với vành đai 1, Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng trước mắt lên gấp đôi so với tỷ lệ chung của toàn thành phố, bảo đảm 40%. Như vậy người dân sử dụng xe máy chuyển đổi trong vành đai 1, kể cả người dân ngoài vành đai 1 tới vành đai 1, phân tán vào hệ thống mạng lưới giao thông của vành đai xuyên tâm là có một mạng lưới để bổ trợ.
“Tôi hy vọng lợi ích hài hòa trong vấn đề này sẽ bảo đảm hết tất cả, không có hiện tượng đột ngột, đứt gãy, khó khăn, bất khả thi. Những nội dung này phải cố gắng cao độ, quyết liệt mới thực hiện được”, ông Tuấn nêu.
Lam Thanh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/pho-chu-tich-ha-noi-duong-duc-tuan-o-nhiem-khong-khi-la-thach-thuc-vo-cung-lon-234967.html