Tiếng vọng từ chiến trường
“Ngày 15-4-1972, tôi lên đường nhập ngũ. Năm ấy, tôi vừa tròn 18 tuổi, cũng như bao thanh niên cùng thế hệ, trong lòng sục sôi một khát vọng được cống hiến…”, cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Thế Đệ (sinh năm 1954) bắt đầu câu chuyện, chậm rãi như lật giở từng trang ký ức.
Những năm tháng hoa lửa ở chiến trường miền Trung Nam Bộ dường như chỉ mới hôm qua. Ông kể về những ngày làm văn thư tiểu đoàn, khi mà sau 3 tháng hành quân ròng rã, cuốn sổ “trích ngang” đã trở nên thừa thãi. Bởi lẽ, tên tuổi, quê quán, cha mẹ của gần 400 đồng đội đã được ông khắc sâu vào tâm trí. Ông nói về họ, không phải như những cái tên trên giấy, mà như những người anh em ruột thịt.
Khi được bổ sung vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 261B thuộc Trung đoàn Đồng Tháp 1, ông thực sự bước vào cuộc chiến. Ông kể, thế trận lúc bấy giờ là “thế trận cài răng lược”, ta và địch đóng xen kẽ giữa miền sông nước chằng chịt của Kiến Phong, Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), Bến Tre (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long). Ở đó, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một con rạch, một lằn đạn.
Doanh nhân, cựu chiến binh Nguyễn Thế Đệ.
Ký ức đưa ông về ngày 21-5-1973, tại bốt Ông Khậm trên sông Ba Rài (xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho - nay là xã Bình Phú, tỉnh Đồng Tháp), một tốp 3 chiếc trực thăng đi tiếp tế lương thực, thuốc men, đạn dược cho bốt Ông Khậm. Đôi mắt ông như sáng lên một tia kiêu hãnh thầm lặng khi kể về trận phục kích táo bạo. Trong không khí đặc quánh của trận địa, người lính trẻ Nguyễn Thế Đệ đã cùng một người đồng đội khác chờ đợi thời cơ.
“Vị trí của mình cách nó chỉ khoảng 40-50 mét thôi, chúng tôi đồng loạt nổ súng, một chiếc trực thăng rơi tại chỗ, một chiếc bị thương”, ông mỉm cười chia sẻ khi nhớ lại khoảnh khắc chiến công đầu đời ấy đã mang về cho ông danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay”.
Chiến trường sau đó ngày càng khốc liệt. Giọng ông chùng xuống khi nhớ về người bạn, người anh, người Đại đội trưởng, người anh hùng Dương Chiến Đoàn. Ông kể lại trận đánh bi tráng vào bốt Chín Cai (tỉnh Đồng Tháp) ngày 28-8-1974. Vì hỏa lực địch quá mạnh, các mũi tấn công của ta không phối hợp được nhịp nhàng. Đại đội trưởng Dương Chiến Đoàn đã anh dũng hy sinh khi trận đánh còn dang dở.
Gần 51 năm sau, khi trở lại thắp hương cho người đại đội trưởng ấy, ông vẫn nghẹn ngào: “Báo cáo anh: Quân địch ở đồn Chín Cai đã bị tiêu diệt rồi, đồn đã bị san phẳng rồi. Miền Nam đã giải phóng rồi, đất nước, non sông đã liền một dải…”. Lời báo cáo muộn màng ấy là tiếng lòng của cả một thế hệ, của những người lính không bao giờ quên những người đã ngã xuống.
Dẫu đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những ký ức đó cũng chính là nguồn sức mạnh vô tận để người lính ấy vững bước trên mọi mặt trận của cuộc đời sau này.
Bản lĩnh người lính trên thương trường
Sau nhiều lần bị thương, tháng 12-1975 người lính Nguyễn Thế Đệ trở ra Bắc, mang trong mình 62% thương tật. Sau đó, ông miệt mài học tập, rồi được cử đi học kỹ sư xây dựng tại Trường Đại học Xây dựng thành phố IASI - Romania và tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc (1977-1983).
Dù ở cương vị một nhà khoa học hay một doanh nhân, cựu chiến binh Nguyễn Thế Đệ vẫn luôn giữ tác phong làm việc nghiêm túc, cẩn trọng.
Giai đoạn từ năm 1984 đến 2003, ông công tác tại Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, trở thành một chuyên gia đầu ngành về kết cấu, tham gia xử lý những sự cố kết cấu phức tạp nhất của quốc gia. Đặc biệt, vào năm 1996, thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho Bộ Xây dựng, ông đã được tin tưởng giao chủ trì dự án “Xây dựng thực nghiệm nhà ở vùng ngập sâu Đồng bằng sông Cửu Long”, mang lại giải pháp an cư cho bà con nơi đây.
Ông chủ trì những đề tài cấp quốc gia, biên soạn những bộ tiêu chuẩn định hình nên sự an toàn của ngành xây dựng Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn của các giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực kết cấu xây dựng, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kỹ thuật với đề tài “Nghiên cứu hợp lý hóa phản ứng của kết cấu nhà cao tầng chịu tải trọng động đất ở khu vực Hà Nội” - Chuyên ngành: Kết cấu xây dựng; Mã số: 2.15.04 (năm 2003).
Niềm tự hào lớn nhất trên mặt trận khoa học của ông gắn liền với trận động đất 5,3 độ richter tại Lai Châu năm 2001. Khi đó, ông cùng các cộng sự đã trực tiếp lên khảo sát, hướng dẫn người dân và chính quyền địa phương các biện pháp xây dựng kháng chấn. Hơn 24 năm sau, ngày 16-5-2025, khi một trận động đất tương tự xảy ra (tại huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên), ông nhận được tin báo từ Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên: “Không có thiệt hại nào về nhà cửa và tính mạng con người”.
Với sự hợp tác chặt chẽ của chính quyền và người dân Lai Châu, những chỉ dẫn của nhóm chuyên gia Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng đã mang lại hiệu quả xã hội không thể đong đếm. Đó là thắng lợi lớn nhất trên mặt trận khoa học của ông.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực nghiên cứu, giai đoạn từ năm 1985 đến năm 2000 cũng là thời kỳ ông trực tiếp đưa những kiến thức chuyên sâu của mình ra thực địa. Với uy tín của một chuyên gia hàng đầu, ông đã tham gia thi công hàng loạt công trình trọng yếu của Nhà nước: Các trường Đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bệnh viện, các trụ sở Kho bạc, cơ quan Thuế...
Với nền tảng khoa học vững vàng và uy tín đã được khẳng định qua những công trình thực tế, năm 2002, Tiến sĩ Nguyễn Thế Đệ quyết định bước vào một lĩnh vực hoàn toàn mới: Đầu tư kinh doanh bất động sản. Đôi mắt ông ánh lên một niềm tin sắt đá khi chia sẻ: “Ý chí kiên cường của người lính chính là sự bổ sung lớn nhất cho khát vọng của người chiến sĩ khi đi làm kinh tế”.
Đôi bàn tay từng cầm chắc tay súng nơi chiến trường, nay lại vững vàng cầm bút trên mặt trận kinh tế, tiếp tục hành trình cống hiến cho quê hương, đất nước.
Kỷ luật quân đội trở thành kỷ luật thép của doanh nghiệp. Triết lý của ông đơn giản và đanh thép như một mệnh lệnh, được ông khẳng định một cách dứt khoát: “Chúng tôi luôn luôn làm là làm thật, làm đảm bảo chất lượng, tiến độ và không để cho bất cứ sự cố nào xảy ra dù là nhỏ nhất”.
Giai đoạn khủng hoảng bất động sản là phép thử lớn nhất đối với bản lĩnh của ông. Khi công ty đang triển khai dự án Tổ hợp công trình dịch vụ công cộng và chung cư cao tầng cao cấp Sun Square (21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm - nay là phường Từ Liêm, TP Hà Nội), thị trường đột ngột đóng băng, nhà không bán được.
“Làm xong phần móng, đến tầng năm, tầng sáu thì bất động sản rơi vào chu kỳ trầm. Bán không có người mua, giá thì cực rẻ”. Ông kể lại, đôi mắt nheo lại như để nhìn rõ hơn cơn sóng dữ năm nào. “Lúc bấy giờ mặc dù đã huy động hết vốn từ các cổ đông vẫn phải vay ngân hàng khoảng 200 tỷ đồng. Vô cùng khó khăn”.
Giữa bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp gục ngã, bản lĩnh của người lính được tôi luyện qua lửa đạn trong ông lại một lần nữa trỗi dậy. Đó là sự kiên định, là khả năng bình tĩnh phân tích tình hình và tính toán đường đi nước bước khi bị “hỏa lực” của thị trường bao vây.
Bằng ý chí đó, ông đã chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình vượt qua cơn bão táp, không chỉ để tồn tại, mà còn để vươn lên mạnh mẽ hơn. Công trình đồ sộ này, sau khi hoàn thành, đã được Bộ Xây dựng cấp chứng nhận “Công trình chất lượng cao”.
Trái tim người lính và những nghĩa tình không bao giờ cũ
Thành công trong kinh doanh không làm ông quên đi quá khứ. Ngược lại, nó trở thành phương tiện để ông thực hiện trách nhiệm của mình với xã hội và đồng đội.
Khi chúng tôi hỏi điều gì đã thôi thúc ông bền bỉ làm những việc thiện nguyện trong suốt hàng chục năm qua, ông không nói về những điều lớn lao, mà nói về một lẽ đơn giản của người đã đi qua chiến tranh, đã được nhân dân đùm bọc. “Khi nghĩ về những gì xã hội và nhân dân đã tạo dựng cho mình, tôi tâm niệm rằng mình phải có trách nhiệm đền đáp lại”, ông nói, giản dị mà thấm thía.
Không chỉ thành công trong kinh doanh, doanh nhân Nguyễn Thế Đệ còn là người tích cực trong các hoạt động cộng đồng.
Câu trả lời ấy là khởi nguồn cho tất cả. Là những con đường bê tông ở quê nhà để bọn trẻ đi học không còn lấm lem bùn đất. Là hàng trăm tấn nông sản của bà con huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương (nay là TP Hải Phòng) được ông thu mua và chở về Hà Nội phát miễn phí trong đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Là những suất học bổng suốt 10 năm liền (2014-2024) cho những trẻ em nghèo hiếu học của tỉnh Hải Dương (nay là TP Hải Phòng). Và còn là một thông lệ ấm áp đã thành truyền thống suốt hơn 30 năm, khi cứ đến ngày 28 tháng Chạp, ông lại trở về quê nhà (xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương-nay là xã Tân Kỳ, TP Hải Phòng) tự tay trao những phần quà động viên cho các cháu vừa đỗ đại học và các thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ, để truyền lại cho thế hệ trẻ ngọn lửa của khát vọng cống hiến.
Và trên hết, thiêng liêng và sâu nặng nhất, vẫn là nghĩa tình với những người đồng đội đã ngã xuống. Ông tặng “Nhà tình nghĩa” tới các cựu chiến binh khó khăn ở Đan Phượng (cũ), Thường Tín (cũ), Quảng Trị... Đặc biệt, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, ông đã cùng đồng đội về thăm gia đình người Đại đội trưởng Dương Chiến Đoàn và trao tặng một “Ngôi nhà tình nghĩa”, với một mong muốn giản dị là để người anh hùng có một nơi thờ cúng khang trang, ấm cúng hơn.
Danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2025 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp không mệt mỏi của cựu chiến binh, doanh nhân Nguyễn Thế Đệ đối với cộng đồng.
Ở tuổi 71, mang trong mình căn bệnh nan y, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Thế Đệ vẫn chưa bao giờ nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Ông nói, khát vọng làm giàu cho gia đình, cho doanh nghiệp, cho đất nước trong ông giờ đây còn mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Ông đang chuẩn bị để trao lại ngọn lửa ấy cho thế hệ con cháu, với một niềm tin son sắt rằng, chúng sẽ tiếp tục bước đi trên con đường mà ông đã đi, con đường của một người lính, suốt đời chiến đấu cho một Việt Nam “hùng cường hơn, thịnh vượng hơn”.
Bài và ảnh: YẾN NHI