Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chủ trì làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chủ trì làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam
16 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chủ trì cuộc làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: Hồ Long
Đồng chủ trì cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh - Phó Trưởng đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan - Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu tại cuộc làm việc với EVN
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát, phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hồ Long
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đã nêu các vấn đề Đoàn giám sát quan tâm. Các thành viên trong Đoàn đề nghị EVN làm rõ một số nội dung còn hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường; khó khăn khi thực hiện các quy định mới; khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ngày càng nghiêm ngặt; cũng như việc triển khai các chính sách chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nêu các vấn đề Đoàn giám sát quan tâm. Ảnh: Hồ Long
Đơn cử, từ ngày 1/7/2025, các nhà máy nhiệt điện sẽ phải áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 19:2024/BTNMT về khí thải công nghiệp nhiệt điện, thay thế cho QCVN 22:2009/BTNMT hiện hành. So với trước đây, các chỉ tiêu về bụi, SO₂, NOx trong quy chuẩn mới khắt khe hơn rất nhiều. Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý khí thải để đáp ứng các yêu cầu mới là một thách thức lớn, nhất là về kỹ thuật, tài chính và tiến độ triển khai. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của Tập đoàn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại cuộc làm việc.
Đoàn giám sát đề nghị EVN báo cáo rõ hơn về các khó khăn trong việc thực hiện thủ tục cấp Giấy phép môi trường; thực hiện đánh giá tác động môi trường; quy định lắp đặt Hệ thống quan trắc tự động liên tục đối với các nhà máy điện có số giờ vận hành hàng năm rất ít; các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn thiếu cụ thể, khó triển khai…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ phát biểu tại cuộc làm việc
Một loạt vấn đề liên quan đến quản lý chất thải rắn công nghiệp, nhất là tro xỉ, được thành viên Đoàn giám sát đặt ra. Hiện vẫn còn lượng lớn tro xỉ tồn đọng tại các bãi thải của EVN. Đoàn giám sát yêu cầu EVN báo cáo cụ thể về số lượng tồn đọng, cũng như các biện pháp xử lý trong thời gian tới. Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hồ Long
Đặc biệt, Đoàn giám sát lưu ý, tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, tình trạng phát thải bụi than, tro xỉ vẫn là vấn đề nan giải, cần được xử lý bằng các giải pháp trước mắt và dài hạn. Bên cạnh đó, việc lưu giữ các máy biến áp có chứa dầu PCB, một loại chất thải nguy hại cần xử lý đặc biệt, vẫn chưa được thực hiện triệt để tại một số đơn vị thành viên.
Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Quang Huân phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hồ Long
Cũng theo Đoàn giám sát, EVN chưa thực hiện kiểm kê toàn diện và tổng thể lượng khí nhà kính phát thải hàng năm của Tập đoàn, vì vậy chưa định lượng được kết quả giảm phát thải khí nhà kính và đánh giá được hiệu quả của các giải pháp đầu tư mà Tập đoàn đã thực hiện trong các năm qua.
Đoàn giám sát đề nghị EVN làm rõ việc thực hiện các chủ trương, chính sách về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó có những chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, nhất là áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi công nghệ thân thiện môi trường...
Báo cáo với Đoàn giám sát, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, EVN luôn xác định bảo vệ môi trường không chỉ là nghĩa vụ pháp lý và trách nhiệm xã hội, mà còn là yếu tố then chốt bảo đảm sự phát triển bền vững và vận hành lâu dài của từng nhà máy điện trong hệ thống.
Trong quá trình quản lý, vận hành, EVN và các đơn vị thành viên luôn tuân thủ đầy đủ các cam kết về bảo vệ môi trường, đồng thời đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý và quan trắc môi trường tự động tại các cơ sở sản xuất điện.
Phó Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hồ Long
Tính đến nay, tất cả các nhà máy điện thuộc EVN đã được cấp giấy phép môi trường. Các hệ thống giám sát nước thải đã được triển khai đồng bộ, dữ liệu quan trắc được công bố công khai theo quy định. Phần lớn các nhà máy nhiệt điện than đã hoàn tất việc đầu tư hệ thống xử lý khí thải, đảm bảo đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Riêng hai nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 1 và Nhiệt điện Ninh Bình – hiện chưa có hệ thống xử lý khí thải đạt yêu cầu, EVN xác định sẽ thay đổi công nghệ và tiến tới xây dựng mới hoàn toàn để đáp ứng các yêu cầu về môi trường trong thời gian tới.
Liên quan đến tình trạng phát sinh tro, bụi tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, đặc biệt là Nhà máy Vĩnh Tân 4, gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân, Tổng giám đốc EVN cho biết, EVN đã giao nhà máy xây dựng đề án kho than kín. Công trình dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2025 và hoàn thành trong vòng 6 tháng.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và áp lực phát triển bền vững ngày càng gia tăng, vai trò của ngành điện, đặc biệt là EVN, càng trở nên quan trọng như huyết mạch năng lượng của quốc gia. Không chỉ bảo đảm an ninh năng lượng, EVN còn phải là lá cờ đầu bảo vệ môi trường trong lĩnh vực năng lượng.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những nỗ lực đáng kể và kết quả tích cực của EVN trong bảo vệ môi trường gắn với các hoạt động của doanh nghiệp, đã đầu tư công nghệ kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải và đang chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch. Điều này thể hiện cam kết của EVN đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững chung của đất nước.
Tuy nhiên, qua báo cáo của EVN và ý kiến phát biểu tại cuộc họp hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc. Đó là: ngành điện vẫn đối mặt với những thách thức lớn từ công nghệ cũ, việc xử lý tro xỉ, quản lý phát thải khí nhà kính và đòi hỏi về nguồn lực đầu tư. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và tiềm ẩn rủi ro, gây cản trở cho sự phát triển bền vững của chính Tập đoàn.
Do đó, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị EVN phải quyết liệt hơn nữa, xác định nhận thức rõ ràng bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là yếu tố sống còn cho sự phát triển. Chủ động rà soát, hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường nội bộ, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn; tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng xanh và đầu tư công nghệ tiên tiến; nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn báo cáo Đoàn giám sát. Ảnh: Hồ Long
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội và của các thành viên Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị EVN bổ sung báo cáo thông tin, số liệu về những vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát quan tâm; thể hiện rõ ràng, cụ thể các kiến nghị về cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường cần rà soát, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hoàn thiện và gửi báo cáo bổ sung đến Đoàn trước ngày 25/7/2025. Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng trong phạm vi lĩnh vực quản lý nghiên cứu các nội dung kiến nghị của EVN để rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; tổng hợp báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Cũng trong sáng nay, sau khi làm việc với EVN, Đoàn giám sát làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Tin: Hà Lan; Ảnh: Hồ Long
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-le-minh-hoan-chu-tri-lam-viec-voi-tap-doan-dien-luc-viet-nam-10379857.html