Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan dự hội nghị thẩm tra sơ bộ dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan dự hội nghị thẩm tra sơ bộ dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo
19 giờ trướcBài gốc
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Tham dự có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, Tạ Đình Thi; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; cùng các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng một số bộ, ngành liên quan.
Quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Luật Khoa học và Công nghệ được ban hành năm 2013, qua hơn 10 thi hành, đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ. Trên cơ sở đó, khoa học và công nghệ đã có những bước tiến tích cực, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành luật cũng cho thấy pháp luật hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học, công nghệ, khơi thông mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo hội nghị
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ thị, kết luận liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu khai mạc
Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm giải quyết những vướng mắc đã rõ, có thể thi hành được ngay. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế đầy đủ, căn cơ và có hệ thống trong các đạo luật có vai trò quan trọng, nền tảng của lĩnh vực này.
Toàn cảnh hội nghị
Để kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành luật; gỡ bỏ mọi rào cản, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc xây dựng Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết: dự án Luật gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành. Dự thảo Luật có sửa đổi lớn với 26 điều, bổ sung 23 điều.
Dự thảo Luật đã bám sát các nội dung chính sách tại Nghị quyết 118/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7.2024 cụ thể: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học và công nghệ; tăng cường phổ biến tri thức khoa học và công nghệ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu tại hội thảo
Để kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đã bổ sung chính sách liên quan đến hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) cho khoa học và công nghệ thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Kế thừa tối đa những nội dung của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua và phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Xây dựng nhiều phương án khi đưa ra xem xét
Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã đóng góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, gắn với tên gọi của dự thảo luật; sự phù hợp của nội dung dự thảo luật với chủ trương, đường lối của Đảng; mức độ thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng (đặc biệt là mức độ thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị).
Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Công tác đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu
Các đại biểu cũng góp ý về các nội dung chính sách cơ bản của dự thảo Luật và mức độ, sự phù hợp của việc cụ thể hóa các chính sách bằng các điều, khoản trong dự thảo Luật: đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học và công nghệ; tăng cường phổ biến tri thức khoa học và công nghệ; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo (Chính sách mới bổ sung so với Nghị quyết của Chính phủ, để kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW); việc bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, nguồn tài chính, nguồn nhân lực; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; sự cần thiết, tính hợp lý của thủ tục hành chính; phân quyền, phân cấp…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ với những khó khăn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan thẩm định trong việc xây dựng các dự thảo của Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Đại diện các bộ ngành tham dự hội nghị
Nhấn mạnh quan điểm cần thay đổi tư duy xây dựng pháp luật theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm luật pháp phải kiến tạo không gian phát triển, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo thống nhất đối với các nội dung thuyết minh về các quy định của dự thảo Luật, trong đó, bảo đảm xây dựng nền tảng pháp lý cho nền khoa học nước nhà phát triển.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, không nên quy định chi tiết trong luật, vì khoa học và công nghệ là lĩnh vực có sự thay đổi liên tục. Trong vòng 5 năm nữa chưa biết điều gì sẽ xuất hiện, điều gì sẽ mất đi, vì vậy càng quy định chi tiết thì sẽ càng rối.
Các đại biểu dự hội nghị
Đối với, công tác quản lý, kiểm soát được các nhà khoa học rất quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, kiểm soát thế nào để không quá cứng nhắc, không tạo khó khăn đối với nhà khoa học, trong đó có vai trò của nhà nước đối với nguồn vốn và ngân sách là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, những vấn đề trao đổi còn có ý kiến khác nhau thì có thể thiết kế nhiều phương án, trong đó có thuyết minh cụ thể từng phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khánh Duy
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-le-minh-hoan-du-hoi-nghi-tham-tra-so-bo-du-an-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-post409341.html