Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan làm việc với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về kết quả thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan làm việc với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về kết quả thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường
10 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chủ trì cuộc làm việc
Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Môi trường...
Báo cáo tổng quan về hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ phạm vi quan trắc của các hệ thống quan trắc môi trường gồm có: Hệ thống quan trắc môi trường quốc gia; hệ thống quan trắc môi trường của các Bộ/ngành; hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh; hệ thống quan trắc môi trường tại dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc làm việc
Trong đó, Hệ thống quan trắc môi trường quốc gia tập trung vào việc quan trắc môi trường nền và môi trường tác động phục vụ, cung cấp thông tin chất lượng môi trường nền và môi trường tác động tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới.
Hệ thống quan trắc môi trường của các Bộ/ngành với mục đích đánh giá theo những tiêu chí riêng của ngành, lĩnh vực.
Hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh phục vụ mục tiêu giám sát, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường của từng địa phương, tập trung quan trắc môi trường nền và môi trường tác động phục vụ việc cung cấp thông tin và định hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại cuộc làm việc
Hệ thống quan trắc môi trường tại dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp: hoạt động quan trắc môi trường mang tính tuân thủ, được các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước nhằm mục đích kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp đồng thời theo dõi thường xuyên, kịp thời phát hiện và ứng phó các sự cố môi trường có liên quan tới các công trình xử lý môi trường tại các cơ sở.
Quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên: được quy hoạch theo Quyết định số 90/QĐ-TTg trước đây và tiếp tục đưa vào Quyết định 224/QĐ-TTg hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy báo cáo tại cuộc làm việc
Qua thời gian vận hành hệ thống quan trắc môi trường, một số kết quả đạt được là: thực hiện công khai thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường tới cộng đồng bao gồm báo cáo kết quả quan trắc định kỳ và công bố chỉ số chất lượng không khí AQI theo thời gian thực để cộng đồng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin và có những biện pháp phòng ngừa khi xảy ra ô nhiễm môi trường không khí; phản ánh vấn đề ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn và suy giảm chất lượng nước; tăng cường quản lý các dữ liệu quan trắc nguồn thải, giám sát và có những phản ứng kịp thời.
Đoàn giám sát tham quan các phòng thí nghiệm của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc
Từ đầu năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm tích hợp và xử lý dữ liệu quan trắc môi trường. Đây là trung tâm đầu mạng, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ dữ liệu quan trắc môi trường trên cả nước. Trung tâm được trang bị hệ thống lưu trữ, xử lý và bảo mật thông tin hiện đại, giúp tổng hợp, thống kê và đánh giá nhanh chóng các dữ liệu quan trắc được tiếp nhận. Bộ cũng đã đầu tư các phòng thí nghiệm chuyên sâu với các thiết bị hiện đại, lần đầu tiên có tại Việt Nam, có thể phân tích các thông số môi trường mới như cacbon đen, thành phần hóa học bụi mịn PM 2,5…
Đoàn giám sát tham quan Trung tâm xử lý dữ liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng thẳng thắn nhìn nhận, mạng lưới quan trắc chưa được đầu tư đồng bộ giữa các vùng miền, giữa Trung ương và địa phương; việc cập nhật công nghệ, kỹ thuật quan trắc môi trường và việc kết nối, tích hợp dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo còn hạn chế; thiếu cơ chế tài chính ổn định và dài hạn cho hoạt động quan trắc môi trường.
Các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả mà ngành nông nghiệp và môi trường đạt được trong việc duy trì và phát triển hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, đồng thời nhấn mạnh: quan trắc môi trường là "xương sống" của công tác bảo vệ môi trường, là công cụ để giám sát thực hiện các quy định pháp luật, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường, kiểm soát nguồn phát thải và kịp thời cảnh báo tới người dân. Do vậy, cần có chính sách đầu tư mang tính dài hạn, ổn định; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động này; hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường tính ràng buộc trách nhiệm giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là địa phương trong lĩnh vực này.
Đoàn giám sát tham quan Trung tâm xử lý dữ liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc
Đoàn giám sát cũng đề nghị, ngành nông nghiệp và môi trường cần tiếp tục hoàn thiện quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực môi trường; thực hiện hiệu quả Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia; tăng cường đầu tư, đa dạng hóa nguồn lực tài chính; nâng cao năng lực kỹ thuật, chất lượng dữ liệu và đội ngũ nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số và tích hợp dữ liệu liên ngành; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho lĩnh vực quan trắc môi trường; đổi mới công nghệ xử lý, tích hợp và khai thác dữ liệu quan trắc và quản lý môi trường.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và gìn giữ, bảo vệ môi trường.
Đối với hoạt động quan trắc môi trường, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hoạt động quan trắc môi trường cần hướng tới hiệu quả thiết thực trong công tác tác bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cần thay đổi cách tiếp cận trong hoạt động quan trắc môi trường, chuyển từ đo lường để báo cáo sang đo lường để dự báo; từ phân tích, tổng hợp, công bố dữ liệu cho chuyên gia sang dữ liệu cho cộng đồng; từ phản ứng khi có sự cố môi trường sang chủ động phòng ngừa sự cố.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tiếp tục đổi mới tư duy, mở rộng phối hợp trong hoạt động quan trắc môi trường; đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành khung pháp lý trong hoạt động liên thông dữ liệu quan trắc môi trường giữa các bộ, ngành, địa phương, cộng động; thí điểm mô hình quan trắc môi trường cộng đồng để người dân cùng tham gia...
Đối với hệ thống trạm quan trắc môi trường, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các địa phương đối với hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với tiếp cận dữ liệu quan trắc môi trường; chú trọng đầu tư cho nhân lực trong hoạt động quan trắc môi trường.
+ Trước đó, Đoàn giám sát đã tham quan, khảo sát hệ thống phòng thí nghiệm được trang bị các thiết bị tiên tiến như máy quang phổ hấp thụ nguyên tử, máy sắc ký khí, thiết bị phân tích dioxin, phân tích thành phần bụi PM 2,5; tham quan khu vực Trung tâm tích hợp và xử lý dữ liệu quan trắc môi trường của của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc.
Thanh Chi
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-le-minh-hoan-lam-viec-voi-bo-nong-nghiep-va-moi-truong-ve-ket-qua-thuc-hien-phap-luat-ve-bao-ve-moi-truong-post410975.html