Chỉ quy định những cơ chế, chính sách thiết thực, giải quyết những vấn đề cấp bách
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Đồng thời nhấn mạnh, chỉ đưa vào dự thảo Nghị quyết những cơ chế, chính sách thiết thực, giải quyết những vấn đề cấp bách, có tính khả thi để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chỉ đưa vào những nội dung mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các vấn đề cơ chế tổ chức thực hiện hay trình tự, thủ tục sẽ không đưa vào.
“Dự thảo Nghị quyết vì vậy cần được hoàn thiện theo hướng ngắn gọn hơn, bảo đảm chất lượng tốt nhất, có thể thi hành ngay sau khi ban hành”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nhiều vấn đề được đưa vào điều chỉnh trong dự thảo Nghị quyết phải nghiên cứu thấu đáo để có phương án xử lý thuyết phục hơn. Ví dụ như, rủi ro trong nghiên cứu khoa học, công nghệ khác với việc lợi dụng thẩm quyền hoặc quản lý không chặt chẽ trong các hoạt động khác. Trong nghiên cứu khoa học sẽ phải chấp nhận rủi ro, chỉ xử lý nếu công trình nghiên cứu không đi đến đích do lựa chọn hình thức đầu tư không hiệu quả, còn nếu do yếu tố khách quan của nhà khoa học, tổ chức thì phải chấp nhận.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nên hướng đến huy động toàn bộ nguồn lực xã hội, không chỉ từ ngân sách nhà nước để thúc đẩy khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Bởi lẽ, trong nhiều lĩnh vực hiện không chỉ doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp tư nhân đang đi đầu về đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu, sáng tạo như cơ khí, chuyển đổi số… Do đó, Nhà nước cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, có cơ chế hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, thúc đẩy hợp tác quốc tế để đổi mới khoa học, công nghệ, chuyển đổi số rất quan trọng, nhưng quan trọng nhất là phải thúc đẩy được nội lực của chúng ta, đặc biệt là nguồn lực về con người.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) mong muốn, Nghị quyết lần này tháo gỡ được khó khăn được đưa ra nhiều lần trong các báo cáo tổng kết về triển khai khoa học, công nghệ là về cơ chế tài chính.
Bởi, thực tế tiến hành nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo còn bị ách tắc, trong đó, triển khai một đề tài nghiên cứu còn vướng bởi thực hiện thủ tục hành chính, chủ đề tài vì thế lo thực hiện thủ tục đăng ký, quyết toán hơn lo thực hiện nghiên cứu khoa học. “Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc này cho công tác nghiên cứu khoa học”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
“Luật Khoa học và Công nghệ và Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định phát triển thị trường khoa học, công nghệ. Tại dự thảo Nghị quyết đã chọn việc thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp, là một nội dung trong phát triển thị trường khoa học, công nghệ”, Phó Thủ tướng cho biết.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Hồ Long
Ghi nhận những cơ chế, chính sách hiện hành và nội dung của dự thảo Nghị quyết, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nhận thấy, cần có cơ chế gắn kết ba nhà là: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Bên cạnh đó là có cơ chế, chính sách để xây dựng các phòng thí nghiệm; tạo điều kiện hơn về thuế cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho nghiên cứu khoa học ứng dụng; tạo môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phó Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi số quốc gia không chỉ tạo ra cuộc cách mạng không chỉ trong công tác quản lý Nhà nước mà còn trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, không chỉ các cơ quan quản lý Nhà nước mà xã hội đều tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia thì mới thành công.
Có chính sách nâng cao năng lực đội ngũ nhà quản lý và nhà khoa học
Dẫn bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Trung Quốc, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cho rằng, đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần gắn với đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Tức là tập trung đầu tư cho giáo dục đại học - nơi đào tạo đội ngũ nhân lực sáng tạo và nhân lực thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, xây dựng các chiến lược, chương trình, dự án khoảng 10 năm, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược, phát huy nguồn lực từ nhà nước và toàn xã hội.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung các chính sách đột phá trong hợp tác giữa cơ quan nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp, với mục tiêu coi đây là động lực quan trọng trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế đất nước.
Bổ sung chính sách về thu hút, phát triển và nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ các nhà quản lý khoa học, đội ngũ các nhà khoa học mà đặc biệt cần đề cập đến các kịch bản phát triển của đất nước trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Cân nhắc quy định cơ chế thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học từ cấp phổ thông trung học đến đại học nhằm khơi tạo niềm đam mê nghiên cứu khoa học và ươm tạo các nhà khoa học trẻ ngay từ môi trường phổ thông trung học và đại học, qua đó góp phần thúc đẩy một nguồn nhân lực dồi dào cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Dự thảo Nghị quyết quy định viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Tán thành với việc bổ sung quyền được tham gia thành lập doanh nghiệp của viên chức, viên chức quản lý tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, các ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai), Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cùng có băn khoăn, khi dự thảo Nghị quyết chưa quy định tiêu chí xác định những viên chức, viên chức quản lý nào được có quyền nêu trên, cũng như chưa quy định điều kiện cấp phép thành lập những doanh nghiệp này.
Tán thành với quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Điều 6 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng lưu ý, cần xác định trường hợp nào phải trả lại kinh phí do ngân sách cấp giữa trường hợp thực hiện công trình nghiên cứu không ra kết quả dù đã hoàn thành đầy đủ các quy trình, thủ tục liên quan hoặc ra kết quả nhưng thấp hơn so với mục tiêu đặt ra.
Thanh Hải