Thực tế cho thấy, thuế và pháp luật về thuế điều chỉnh rất nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, công tác quản lý nhà nước của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Do vậy, việc nghiên cứu để sửa đổi toàn diện 2 đạo luật về thuế, nhất là trong điều kiện chúng ta đang phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay là cần thiết. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cùng các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật.
Về một số nội dung cụ thể liên quan đến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhìn chung ở nhiều nước trên thế giới, thuế tiêu thụ đặc biệt đều đánh cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được coi là có hại cho sức khỏe, như thuốc lá, đồ uống có cồn…, hoặc có hại cho môi trường, như xăng, nhiên liệu hóa thạch..., hoặc có hại tới môi trường xã hội như cờ bạc, và các sản phẩm tiêu dùng xa xỉ, như du thuyền, máy bay… Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng và ở chừng mực nào đó cũng đóng góp cho thu ngân sách nhà nước. Do đó, tôi đồng tình với quan điểm chỉ đạo và cách đặt vấn đề của cơ quan soạn thảo trong dự thảo Luật với những quy định bám sát xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ và đánh giá kỹ lưỡng hơn, vì có những sản phẩm vừa đóng góp cho thu ngân sách nhà nước, đồng thời vừa phục vụ cho nhu cầu của con người và đang ở ngưỡng chưa thật rành mạch giữa việc không cần thiết với việc phát triển sản xuất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu
Ví dụ, liên quan đến khoản 1, Điều 2, dự thảo Luật quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, đề nghị cần rà soát lại quy định các loại hình được khẳng định là thuốc lá trong dự thảo Luật, bảo đảm tương đồng, thống nhất với quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chúng ta đã sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá từ nhiệm kỳ trước, nhưng bây giờ đã xuất hiện một số loại thuốc lá mới, thì có quy định trong Luật lần này hay không?
Liên quan đến việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (với mức thuế suất 10%) với lý do đây là sản phẩm gây nên bệnh thừa cân, béo phì, không bảo đảm cho sức khỏe lâu dài cho người dân, cần hạn chế sử dụng. Tuy nhiên, trong Báo cáo thẩm tra đã nêu rõ, việc thừa cân, béo phì và các bệnh liên quan đến thừa cân, béo phì như tiểu đường… cũng không phải tất cả đều do nguyên nhân từ việc nước giải khát có đường.
Vấn đề đặt ra là quy định như thế nào để vừa bảo đảm cho sản xuất trong nước và các doanh nghiệp, vừa bảo đảm việc điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội? Tôi đồng ý nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân duy nhất, nhưng nếu lạm dụng và không đánh thuế thì sẽ hình thành nên một trong những thói quen không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, tôi nhất trí với đề nghị đưa nước giải khát có đường vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng nên có lộ trình về thời gian và mức đánh thuế để các doanh nghiệp trong nước và người dân có thời gian làm quen, thích nghi với quy định mới này, bảo đảm hài hòa giữa sản xuất trong nước và nhu cầu của người tiêu dùng. Cùng với đó, cần đánh giá một cách khoa học xem tỉ lệ ảnh hưởng sức khỏe như thế nào khi sử dụng nước giải khát có đường, đặc biệt là chọn một số bệnh do việc sử dụng nước giải khát có đường gây nên?
Tương tự, đề nghị đánh giá kỹ tác động với quy định xếp xe ô tô từ 17 chỗ đến 24 chỗ là sản phẩm xa xỉ, cao cấp và không phải thiết yếu để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, vì lý lẽ đưa ra chưa thật sự thuyết phục. Nhìn ngay mấy nước châu Á, như Singapore, thì họ lại đánh thuế với xe ít chỗ, nhất là xe taxi, còn với xe từ 7 chỗ trở lên, họ đánh thuế thấp để khuyến khích người dân tham gia các phương tiện công cộng, từ đó giảm tải tần suất và mức độ người tham gia giao thông… Do đó, cần đánh giá kỹ tác động và nghiên cứu để bảo đảm cho sản xuất trong nước và doanh nghiệp sản xuất ô tô, vừa là khuyến khích phát triển kinh tế, đồng thời cũng thay đổi thói quen của người dân.
Tương tự như vậy, với xe pickup cabin kép, tôi đề nghị cần đánh giá kỹ tác động. Đồng thời, cần rà soát, có quy định mang tính nguyên tắc đối với nhóm hàng dịch vụ kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt với lĩnh vực, nhóm hàng hóa phát triển nhanh trên các nền tảng quảng cáo trực tuyến, du lịch trực tuyến, game giải trí số…, để Chính phủ có căn cứ pháp lý cụ thể hóa hướng dẫn, quy định khi thực tiễn có biến động, thay đổi.
Tôi đề nghị, đối với những mặt hàng không có lợi hoàn toàn và cần thay đổi hành vi, thì phải đánh thuế thật cao, ví dụ như vàng mã và hàng mã… để góp phần thay đổi hành vi của xã hội.
Q. Khánh lược ghi