Cùng dự có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi U Huấn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Đặng Ngọc Huy; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan và các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi...
Đây là cuộc tiếp xúc cử tri đầu tiên của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập, được kết nối trực tuyến với 10 xã, phường phía Tây của tỉnh.
Tỉnh Quảng Ngãi mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum trước đây, có diện tích tự nhiên gần 15 nghìn km2 (lớn thứ 5 cả nước), quy mô dân số hơn 2 triệu người với 43 dân tộc anh em. Quảng Ngãi có 96 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 86 xã, 9 phường và 1 đặc khu.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã được nghe Đoàn ĐBQH thông báo nhanh về kết quả Kỳ họp thứ Chín; có 17 lượt ý kiến với 34 nội dung của cử tri ở 10 điểm cầu trực tuyến. Theo đó, cử tri đều đánh giá cao và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan ban ngành của tỉnh đã triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18 của Trung ương.
Bên cạnh đó, cử tri cũng bày tỏ băn khoăn khi tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng; ngành công nghiệp còn thiếu sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp chưa được nhiều; nông nghiệp còn manh mún, liên kết chuỗi còn yếu; kinh tế tập thể, hợp tác xã còn khó khăn; môi trường đầu tư, kinh doanh còn hạn chế; du lịch, dịch vụ chuyển biến chưa rõ nét; hạ tầng, giao thông, đô thị, dịch vụ, chuyển đổi số, y tế, giáo dục, môi trường phát triển chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; việc làm, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; giảm nghèo miền núi chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Cử tri phát biểu ý kiến
Cử tri cho rằng, yêu cầu cấp thiết sau sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính là phải đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, cải cách bộ máy và nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước..., tạo bứt phá đưa tỉnh Quảng Ngãi phát triển lên tầm cao mới.
Sau khi lắng nghe, tổng hợp các ý kiến của cử tri, phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trân trọng cảm ơn cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của địa phương và cử tri mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông, nhất là vùng sâu, vùng xa để giúp kết nối vùng trong tỉnh và với các địa phương khác… Đồng thời cho biết, để tạo thuận lợi cho người dân sau sáp nhập, tỉnh đang đặt Trung tâm Phục vụ hành chính công cơ sở 2 tại phường Kon Tum để giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền sở, ban ngành. Tỉnh cũng đang khẩn trương đầu tư, sửa chữa để bố trí nhà công vụ cho cán bộ, công chức, người lao động được điều động đến vị trí công tác mới.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cử tri tiếp tục ủng hộ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, phát triển kinh tế - xã hội; đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống quê hương cách mạng hào hùng, bản sắc văn hóa các dân tộc, một lòng một dạ theo cách mạng trước đây vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới ngày nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn cử tri kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh trong giai đoạn đầu sáp nhập tỉnh và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng, chống luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, góp phần bảo vệ Đảng, chính quyền và quê hương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn phường Kon Tum
Với cán bộ, chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải bám sát địa bàn, gần dân, sát dân, đề cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, hết lòng phụng sự người dân; giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân ngay từ cơ sở, không đùn đẩy lên trên đúng với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Trung ương sẽ luôn theo dõi, chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể, giúp địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, chuẩn bị kỹ lưỡng để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, bầu cử ĐBQH khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Năm 2025 là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới, trong khi mục tiêu trở thành quốc gia phát triển chỉ còn hai thập niên. Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với truyền thống của người dân cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, Quảng Ngãi sẽ sớm thực hiện được mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, góp phần đưa đất nước sớm bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trao quà tặng 15 gia đình chính sách tại phường Kon Tum
Nhân dịp này, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn Đảng bộ, chính quyền cấp huyện, cấp xã và người dân Kon Tum, Quảng Ngãi những năm qua đã không ngừng nỗ lực vươn lên, phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, chủ động vượt khó khăn và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, khá toàn diện trên các lĩnh vực, hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mô hình chính quyền địa phương 3 cấp trước đây./.