Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định, các ý kiến tại Hội nghị có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Công tác chuẩn bị tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (sửa đổi) rất tốt.
Trước yêu cầu giai đoạn phát triển mới về tư duy xây dựng và thực thi pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hoạt động giám sát có vị trí ngày càng quan trọng hơn, gắn với việc thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Một số Nghị quyết của Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị đã đề nghị làm rõ phạm vi đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND; nâng cao chất lượng hoạt động giải trình, chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật và giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh H.Ngọc
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tới đây phải thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng và phải khắc phục những bất cập trong hoạt động giám sát, bảo đảm đúng tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật.
Nhấn mạnh Luật phải mang tính ổn định, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu “dự thảo Luật không nên quy định các nội dung về quy trình, thủ tục và các nội dung có tính biến động cao. Bản thân từ “Luật Hoạt động” đã có tính biến động cao, nên không cần quy định những vấn đề quá cụ thể”.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết để quy định, hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng thời kỳ.
Đồng thời, cần chú ý rà soát, biên tập lại về khái niệm, nguyên tắc, thẩm quyền, quyền và trách nhiệm của chủ thể và đối tượng. Theo đó, phải chuẩn hóa khái niệm, trên cơ sở trả lời các câu hỏi: “là cái gì, ai làm, làm như thế nào và kết quả ra sao”. Việc khẳng định giám sát của Quốc hội và HĐND là một phương thức kiểm soát quyền lực là có lý.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh H .Ngọc
“Các điều về xây dựng chương trình giám sát chỉ nên quy định một khoản trong dự thảo Luật, quy định rất gọn về nguyên tắc xây dựng chương trình giám sát, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định và hướng dẫn chi tiết. Phải tùy sự phát triển của tình hình để quy định trong Nghị quyết hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Đáng lưu ý, khi không tổ chức HĐND cấp huyện thì trong hoạt động giám sát, nội dung nào chuyển về HĐND xã, nội dung nào chuyển về HĐND tỉnh, theo Phó Chủ tịch Quốc hội cần phải làm rõ.
"Phương thức giám sát phải phù hợp, khoa học, tiết kiệm chi phí và nhân lực. Làm rõ việc thực hiện phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp giữa các cơ quan dân cử như thế nào. Phối hợp giữa chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát ra sao", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ cơ chế sử dụng chuyên gia, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi trí tuệ nhân tạo trong hoạt động giám sát; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, nhất là các luật về tổ chức bộ máy.
H.Ngọc