Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp
Dự phiên họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh; các thành viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp
Tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế và Tài chính thẩm tra các nội dung về: điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Trình bày Tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng nêu rõ, tổng mức đầu tư Dự án sau khi rà soát, cập nhật đến nay dự kiến là 21.551 tỷ đồng, tăng 3.714 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn của Dự án như sau: sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là 21.551 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 17.124 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 là 4.427 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp
Điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư, sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của 3 Dự án thành phần như sau: Dự án thành phần 1: sơ bộ tổng mức đầu tư 6.693 tỷ đồng; Dự án thành phần 2: sơ bộ tổng mức đầu tư 7.642 tỷ đồng; Dự án thành phần 3: sơ bộ tổng mức đầu tư 7.216 tỷ đồng.
Đa số các ý kiến Ủy ban Kinh tế và Tài chính đều thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm của tổ chức cá nhân dẫn đến tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được Quốc hội phê duyệt trước đó.
+ Báo cáo về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, đây là dự án thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia. Việc sớm đầu tư Dự án là cấp thiết nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo định hướng của Đảng và Nhà nước; đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây và bảo đảm an ninh quốc phòng; phân bổ lại và tạo ra không gian mới phục vụ phát triển kinh tế; phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại, góp phần giảm tai nạn giao thông.
Về phạm vi đầu tư, Dự án có điểm đầu tại Quốc lộ 19B thuộc địa phận thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tổng chiều dài khoảng 125km, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85km. Quy mô đầu tư của Dự án là 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường là 24,75m.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại phiên họp
Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư Dự án là đầu tư công; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng. Dự kiến tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2025, hoàn thành Dự án năm 2029.
Cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Kinh tế và Tài chính thống nhất sự cần thiết đầu tư Dự án, cho rằng, việc sớm đầu tư Dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cùng vùng và các địa phương liên quan.
Bên cạnh đó, một số ý kiến nêu rõ, qua khảo sát cho thấy diện tích phải thu hồi, bồi thường là khá lớn, nhất là diện tích của người dân đang trồng cây cao su, cà phê... Do đó, đề nghị Chính phủ cần có cơ chế bồi thường rõ ràng cho người dân; có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm được tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án.
Có ý kiến đề nghị, Chính phủ cần bổ sung thêm phần đánh giá dự báo tác động đến di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, phi vật thể, không gian văn hóa, phát triển du lịch của vùng Tây Nguyên. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, tối ưu hướng tuyến của Dự án để giảm thiểu nhu cầu chuyển đổi sử dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn, đất rừng sản xuất lớn, đất trồng lúa.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, cần làm rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan của việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để tăng tính thuyết phục khi trình Quốc hội cho ý kiến. Đồng thời, nêu rõ tiến độ khi nào dự án hoàn thành.
Đối với chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Phó Chủ tịch Quốc hội nhất trí với sự cần thiết và nhấn mạnh cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý đã rõ.
Quang cảnh phiên họp
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, trong Tờ trình của Chính phủ cần thuyết minh rõ hơn để tăng tính thuyết phục của chủ trương đầu tư Dự án; trong đó, bổ sung nội dung liên quan đến hướng tuyến gắn với quy hoạch, tính kết nối của Dự án này với các hệ thống giao thông khác.
Đồng thời, lưu ý, công tác thu hồi đất, di dời các hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần có phương án ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho Dự án; làm rõ việc bố trí tái định cư dọc theo tuyến đường này ra sao? Cùng với đó, thuyết phục rõ hơn vì sao lựa chọn phương án đầu tư của Dự án là đầu tư công trong bối cảnh hiện nay đang khuyến khích thu hút các nguồn xã hội hóa theo phương thức đối tác công - tư; phân chia các dự án thành phần như thế nào?
Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ, với quy mô của Dự án thì có cần thiết báo cáo Quốc hội hay không. Về 9 cơ chế, chính sách đặc thù Chính phủ đề xuất áp dụng cho Dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần cập nhật, rà soát kỹ lưỡng, tránh trường hợp một chính sách vừa được quy định trong luật vừa được quy định trong nghị quyết của Quốc hội.
Minh Trang