Sáng 8-7, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo các sở, ngành đã đi thăm, kiểm tra thực tế vùng trồng bưởi và tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Khánh Vĩnh.
Theo báo cáo của UBND xã Khánh Vĩnh, tổng diện tích gieo trồng toàn xã hiện có 1.148ha; trong đó cây hàng năm là 636ha, cây lâu năm là 512ha. Cây bưởi là một trong những cây trồng chủ lực địa phương và đã hình thành vùng trồng tập trung nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi là nhiệt đới ẩm, đất đai phù hợp và tập quán canh tác cây ăn quả lâu đời của người dân địa phương. Với diện tích hơn 120ha, bưởi Khánh Vĩnh hiện đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thị trường tiêu thụ ổn định. Giống bưởi chủ lực được người dân lựa chọn là bưởi da xanh, đã khẳng định được chất lượng, mẫu mã đẹp, vị ngọt thanh, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Trên địa bàn xã hiện có 3 sản phẩm bưởi được chứng nhận OCOP (bưởi da xanh Ngân Nguyễn của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn; bưởi da xanh Thái Tường của hộ kinh doanh Đặng Thái Luyện; bưởi da xanh Sơn Nguyên của hộ kinh doanh cơ sở Sơn Nguyên). Trong năm 2025, xã tiếp tục thực hiện hỗ trợ và đăng ký chứng nhận 2 sản phẩm: Cam mật của hộ kinh doanh Nguyễn Phi Hùng và sầu riêng của hộ kinh doanh Lê Xuân Khoa. Ngoài ra, trên địa bàn xã có 4 hợp tác xã về nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, chủ yếu thực hiện sản xuất, liên kết đầu vào sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình sản xuất; có 1 doanh nghiệp và 3 cơ sở kinh doanh thực hiện thu mua bưởi da xanh. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn chưa có mã số vùng trồng trên cây bưởi và mã số đóng gói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng thăm vườn bưởi của ông Đặng Thái Luyện (thôn Sơn Thành, xã Khánh Vĩnh).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng thăm, trao đổi tình hình hoạt động thu, mua với lãnh đạo Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn (tổ 2, đường Lê Hồng Phong, xã Khánh Vĩnh).
Qua kiểm tra thực tế vườn bưởi của ông Đặng Thái Luyện (thôn Sơn Thành), vườn sầu riêng của ông Ngô Văn Tú (thôn Đông) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn (Tổ 2, đường Lê Hồng Phong), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng đánh giá cao điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp cho cây bưởi nói riêng và cây ăn quả nói chung sinh trưởng và phát triển tốt; nông dân trên địa bàn ham học hỏi, cần cù chịu khó. Nhiều ứng dụng kỹ thuật mới đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp đã được nông dân ứng dụng rộng rãi trong canh tác bưởi như: Ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến… Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm nông sản không đồng đều, thị trường tiêu thụ không ổn định, đa phần sản phẩm nông sản đều tiêu thụ trực tiếp trên thị trường, chưa có liên kết tiêu thụ; vì vậy, giá cả nông sản phụ thuộc rất nhiều vào thị trường. Ông đề nghị chính quyền địa phương cần tăng cường kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất; đầu tư công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế. Đồng thời, tổ chức các mô hình điểm, mô hình trình diễn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến có hiệu quả rõ rệt để nông dân học tập; tập trung đào tạo, tập huấn để nâng cao chất lượng nguồn lực, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương; phát triển mô hình liên kết 4 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp), tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm.
THANH XUÂN