Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 25 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, ngày 9/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã làm rõ nhiều nội dung cử tri và đại biểu quan tâm liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn.
Làm rõ thêm các ý kiến đại biểu HĐND TP quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 80.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ba ngành Y tế, Nông nghiệp - Môi trường và Công Thương.
Để tăng cường giám sát, từ năm 2023 đến nay, thành phố đã thành lập gần 1.000 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cấp. Tổng số tiền xử phạt các vi phạm ATTP từ năm 2023 đến nay là hơn 52 tỷ đồng, riêng 5 tháng đầu năm 2025 là khoảng 10 tỷ đồng. Đặc biệt, đã khởi tố 11 vụ án với 21 bị can liên quan đến vi phạm ATTP.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP đã có sự chuyển biến rõ nét. Nhận thức của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng đã được cải thiện và không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn.
Tuy nhiên, qua phóng sự phát tại phiên chất vấn cũng như ý kiến đại biểu HĐND nêu, bà Hà cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất mô hình và công tác quản lý sao cho đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục phân cấp rõ ràng trong công tác quản lý ATTP theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Trong đó, bố trí đủ, bảo đảm năng lực của cán bộ đáp ứng yêu cầu; phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, MTTQ, các đoàn thể trong phối hợp công tác quản lý ATTP tại địa phương.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa tuyên truyền, truyền thông về ATTP phù hợp với từng đối tượng; nâng cao ý thức của người tiêu dùng thực phẩm; trách nhiệm của người sản xuất và kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe của cộng đồng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm, phối hợp liên ngành kiên quyết xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giám sát ATTP, như xây dựng bản đồ thực phẩm sạch, chỉ dẫn thông minh các cơ sở uy tín để người dân lựa chọn, đồng thời cảnh báo những địa chỉ chưa đạt chuẩn.
Về lâu dài, Hà Nội sẽ kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATTP nhằm phù hợp với thực tiễn quản lý hiện nay. Việc hoàn thiện thể chế sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng để kiểm soát toàn diện từ sản xuất, chế biến, lưu thông đến tiêu dùng thực phẩm.
Kết lại bài phát biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị nhân dân Thủ đô nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATTP đối với việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng; không kinh doanh, sản xuất các sản phẩm không đảm bảo ATTP.
“Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái; lựa chọn những thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ; kiên quyết tẩy chay những thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nói thêm.
Quang Phong/Báo Tin tức và Dân tộc