Năm học 2024 - 2025 được cho là năm học có nhiều bứt phá đối với ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk. Điều này được thể hiện ở những thành tích nổi bật mà ngành giáo dục tỉnh này đã đạt được như: Hoàn thành, vượt chỉ tiêu được giao về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chất lượng giáo dục học sinh dân tộc được nâng lên.
Dấu ấn nổi bật nhất là thành tích xuất sắc trong giáo dục mũi nhọn, cụ thể số lượng học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông của tỉnh Đắk Lắk năm 2024 tăng vượt bậc, đứng đầu 10 tỉnh khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ và có thứ hạng cao trong toàn quốc (top 20 - PV).
Cụ thể, với 72 giải, trong đó có 2 giải nhất,13 giải nhì, 18 giải 3 và 39 giải khuyến khích, có 3 học sinh ở các môn Tin học, Toán được chọn cử tham dự vòng 2 (vòng tuyển chọn học sinh tham dự các kỳ thi quốc tế). Đây là thành tích học sinh giỏi cao nhất từ trước đến nay của tỉnh Đắk Lắk.
Những khó khăn "đặc thù" của một tỉnh miền núi
Trao đổi với phóng viên, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Năm học 2024 - 2025 là năm học đánh dấu kết thúc một chu trình đổi mới giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai thực hiện toàn bộ các cấp học. Qua đó cho thấy ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn và thách thức để hoàn thành kế hoạch đề ra và đạt được những thành tích đáng tự hào".
Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Sở GD&ĐT Đắk Lắk cung cấp
Cụ thể theo thầy Hiệp, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã và đang đứng trước những khó khăn, thách thức tạo ra rào cản lớn trong tiến trình đổi mới. Trong đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn thiếu và không đồng bộ, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này cũng cho rằng, tỷ lệ trường học kiên cố hóa vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Hơn nữa, Đắk Lắk là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số, nhiều điểm trường lẻ ở cấp mầm non và tiểu học ở vùng khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc học của học sinh. Chất lượng giáo dục đang có sự chênh lệch giữa vùng sâu, vùng xa so với vùng trung tâm.
Ngoài ra, việc thực hiện các chế độ, chính sách cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm nhưng chưa đủ khắc phục những khó khăn, hạn chế ở một địa phương có 49 dân tộc anh em sinh sống. Tình trạng thiếu giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên dạy môn Tin học, Tiếng Anh cấp tiểu học ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học trong các nhà trường; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học, thiếu giáo viên dạy các môn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Mặt khác, theo lộ trình tinh giản biên chế của tỉnh, hàng năm các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành Giáo dục được giao biên chế thấp hơn năm trước. Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục và đào tạo còn thiếu hơn 1.200 giáo viên. Trong quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học học phổ thông, tỷ lệ học sinh lựa chọn các môn khoa học xã hội cao hơn các môn khoa học tự nhiên gây thừa, thiếu giáo viên cục bộ,…
Năng lực đội ngũ nhà giáo tuy đã được bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực nhưng chưa thể đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học, nhất là dạy các môn tích hợp và tổ chức các hoạt động giáo dục. Chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo vẫn chưa đảm bảo tốt nhất để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thật sự an tâm, cống hiến với nghề. Công tác xã hội hóa, tự chủ, phân cấp quản lý còn có những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngoài những khó khăn, thách thức đó, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cũng đề cập đến những hạn chế khác đang tồn tại ở địa phương này như: Công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở còn có những bất cập. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ học sinh tham gia học các chương trình giáo dục thường xuyên, các trường nghề thấp (hơn 10%) so với mục tiêu phân luồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (trên 30%).
Những nguyên nhân đã được chỉ ra từ nhận thức của học sinh, cha mẹ học sinh, kể cả các cấp quản lý, của cộng đồng về mục đích, ý nghĩa của công tác phân luồng; tư duy bằng cấp, học thuật vẫn thấm sâu trong mỗi nhà, mỗi người. Các trường nghề chưa đủ hấp dẫn, thị trường việc làm nghèo nàn.
Bên cạnh đó, kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 cũng đã bộc lộ chất lượng dạy học cấp trung học cơ sở đáng báo động, điểm tuyển sinh thấp, số lượng học sinh có điểm liệt cao ở một số môn, nhất là môn Toán. Công tác tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức thi còn chậm; công tác ra đề thi, chấm thi, xác định mức điểm liệt vẫn cần được đánh giá kỹ càng, rút kinh nghiệm sâu sắc.
Để giáo dục địa phương bứt phá cần sự nỗ lực của toàn ngành
Để khắc phục những khó khăn như trên, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cũng đã chia sẻ một số giải pháp khắc phục để ngành giáo dục tỉnh này có thể đạt được những thành tích như hiện tại.
Trong đó, vị lãnh đạo này nhấn mạnh đến việc, toàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 877/QĐ-UBND ngày 19/4/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh này về việc ban hành Đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 góp phần giải quyết bài toán xóa các điểm trường lẻ, sáp nhập trường, lớp tạo điều kiện cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội học tập tốt hơn.
Các nhà trường được tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo cho việc tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; nâng cao tỷ lệ phòng học kiên cố, đẩy mạnh việc xây dựng các trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực phục vụ cho việc tổ chức dạy học, giáo dục; giúp đỡ, tạo điều kiện cho học sinh khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số hoàn thành nhiệm vụ học tập, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
Ngành giáo dục tỉnh này cũng tích cực đổi mới công tác quản lý theo hướng phân cấp, tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình, coi trọng quản lý chất lượng giáo dục trong nhà trường. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ của nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học một cách linh hoạt, sáng tạo.
"Quan trọng nhất, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các lực lượng xã hội.
Theo đó, Sở đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Công tác truyền thông về đổi mới chương trình, sách giáo khoa được đẩy mạnh, quán triệt, phổ biến sâu rộng về chủ trương, quan điểm, nội dung, lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về thực hiện đổi mới.
Đồng thời, chúng tôi cũng đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. đồng thời, thực hiện sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương để đảm bảo các điều kiện cần thiết triển khai Chương trình hiệu quả", thầy Hiệp nhấn mạnh.
Qua đó, chia sẻ thêm về một số phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian sắp tới, đặc biệt là với học kỳ 2 năm học 2024 - 2025, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho hay, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”.
Cụ thể, một số nhiệm vụ trọng tâm được vị lãnh đạo này đề cập như: Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tổ chức có chất lượng các lớp bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo hoạt động giáo dục; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục; nâng tỷ lệ phòng học kiên cố, đẩy mạnh việc xây dựng các trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực phục vụ cho việc tổ chức dạy học, giáo dục; giúp đỡ, tạo điều kiện cho học sinh khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà các cấp học phổ thông, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học; duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Tổ chức nghiêm túc, an toàn, chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 và thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả và đảm bảo các quy định về dạy thêm học thêm tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trung Dũng