Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Thanh Tùng.
Cùng với cả nước, 95 phường, xã của Đồng Nai đã chính thức vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1-7.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Thanh Tùng cho biết, dù thay đổi về tổ chức bộ máy, song ngay trong tuần đầu tiên vận hành, công tác chỉ đạo, điều hành ở 95 xã, phường trong tỉnh vẫn được thực hiện thông suốt. Đội ngũ cán bộ (CB), công chức (CC), viên chức nhanh chóng ổn định tâm thế, bắt tay ngay vào công việc với sự khẩn trương, trách nhiệm cao, không để gián đoạn hoạt động công vụ, phục vụ tốt cho người dân.
Nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy
Ông có thể chia sẻ thêm một số kết quả nổi bật qua một tuần vận hành chính thức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh?
- Từ những ngày đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, 95 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới trong toàn tỉnh đã chủ động, linh hoạt, đồng loạt triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, từng bước đưa mô hình vào hoạt động ổn định, đúng định hướng chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy.
Nhiều nội dung công việc trọng tâm đã được các địa phương tập trung triển khai hoàn thành sớm như: tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất HĐND và phiên họp đầu tiên của UBND cấp xã mới; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ làm việc; triển khai hệ thống phần mềm và dữ liệu điện tử; củng cố trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) cấp xã; kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự theo mô hình mới.
Người dân làm thủ tục đất đai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Long Thành. Ảnh: Hoàng Lộc
Trong đó, việc tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất của HĐND và phiên họp đầu tiên của UBND cấp xã tại 95 xã, phường mới đã tạo nền tảng pháp lý, chính trị vững chắc cho bộ máy chính quyền cấp xã đi vào vận hành theo cơ cấu mới. Đội ngũ cán bộ, công chức được kiện toàn, phân công rõ ràng, thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn được giao.
Với khối lượng hồ sơ thủ tục lớn, từ tinh thần không để người dân phải chờ đợi lâu, CBCC tại các trung tâm phục vụ hành chính công xã, phường còn sẵn sàng đi sớm, về muộn hơn nhiều giờ để giải quyết công việc cho người dân.
Cùng với đó, hệ thống phần mềm dùng chung và cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng đã được triển khai đồng bộ, đảm bảo khả năng xử lý công việc trên môi trường điện tử. Cán bộ, công chức được cấp tài khoản và chữ ký số; các quy trình tiếp nhận, xử lý, phê duyệt và trả kết quả hồ sơ hành chính bước đầu được thực hiện thông suốt, đúng quy trình. Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc tại trụ sở UBND cấp xã được bố trí, nâng cấp theo hướng hiện đại, tiết kiệm, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong điều kiện mới.
Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã, phường là nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Không khí và tinh thần làm việc tại đây những ngày qua đã diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, việc vận hành các TTPVHCC xã, phường đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn chuyển tiếp mô hình tổ chức mới. Đặc biệt, việc tổ chức lại TTPVHCC cấp xã theo hướng liên thông, một cửa, một cửa liên thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức đến giao dịch; đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Người dân đến giải quyết TTHC khá đông và qua nắm bắt thực tế cho thấy, người dân đã hài lòng với những đổi thay tích cực từ mô hình chính quyền mới.
Tại các trung tâm phục vụ hành chính công xã, phường, ngoài CBCC trực tiếp giải quyết hồ sơ cho người dân, các địa phương còn bố trí bổ sung lực lượng đoàn viên thanh niên, nhân viên của FPT, nhân viên của các văn phòng đăng ký đất đai, nhân viên bưu điện để hỗ trợ thêm người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ thủ tục hành chính.
Mặt khác, trong những ngày đầu vận hành, lãnh đạo Đảng ủy, UBND các phường, xã còn thường xuyên có mặt kiểm tra, giám sát hoạt động của trung tâm; động viên tinh thần làm việc của đội ngũ CBCC. CBCC chủ động nắm bắt công việc, thực hiện tốt tác phong, văn hóa ứng xử, thái độ phục vụ nhân dân trong thực thi công vụ.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số
Để có những kết quả trên, trước đó, tỉnh đã có sự chuẩn bị ra sao, thưa ông?
- Để đảm bảo vận hành được thông suốt ngay từ những ngày đầu vận hành, trước đó, tỉnh đã tích cực triển khai chuẩn bị đồng bộ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các đơn vị, địa phương chủ động trang bị máy móc, phương tiện, cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin và các điều kiện cần thiết để CBCC vận hành hiệu quả công việc. Các sở, ngành của tỉnh đã chủ động vào cuộc giải đáp vướng mắc và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong quá trình vận hành.
Đặc biệt, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch triển khai việc tổ chức vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ cho vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Qua đó đã giúp cho CBCC tiếp cận ngay được các nhiệm vụ, quyền hạn phải triển khai thực hiện cũng như việc vận hành xử lý công việc trên môi trường điện tử.
Sau vận hành thử nghiệm, tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh các nội dung còn bất cập trong cơ chế phối hợp, quy trình xử lý công việc để mô hình chính quyền cấp xã thực sự hoạt động hiệu quả, gần dân, phục vụ dân khi đi vào vận hành chính thức.
Ngoài ra, để đảm bảo việc thực hiện thủ tục hành chính được thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn, UBND tỉnh sớm công khai địa chỉ trụ sở trung tâm phục vụ hành chính công, số điện thoại đường dây nóng và danh mục thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả tại trung tâm phục vụ hành chính các phường, xã mới sau sáp nhập. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi và phục vụ tốt cho người dân khi chính thức triển khai chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1-7.
Cán bộ, công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Trảng Bom hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Hồ Thảo
Để bộ máy mới của chính quyền địa phương 2 cấp tiếp tục hoạt động thông suốt, hiệu quả, thực sự gần dân, sát dân, theo ông, chúng ta sẽ cần phải tiếp tục làm những gì trong thời gian tới?
- Mục tiêu cao nhất mà chúng ta hướng tới khi vận hành chính quyền mới, vẫn là phục vụ người dân tốt nhất, đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả. Để thành công đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu trong toàn Đảng bộ, các cấp ủy, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong giai đoạn đầu vận hành, cùng với những kết quả tích cực, chắc chắn sẽ có những vấn đề phát sinh. Do đó, sẽ cần tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình vận hành, hoạt động của bộ máy mới (nhất là cấp xã) để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xử lý những vấn đề mới phát sinh. Đồng thời, kịp thời báo cáo Trung ương những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền để chỉ đạo xử lý nhằm đảm bảo bộ máy mới hoạt động thông suốt, hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục rà soát, bố trí đầy đủ trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc, nơi ở cho CBCC và các điều kiện cần thiết khác nhằm tạo động lực cho đội ngũ CBCC trong thực thi công vụ. Chú trọng tập huấn nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm của CB cấp xã đáp ứng được yêu cầu công việc mới.
Đặc biệt là phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi. Rà soát, bảo đảm đường truyền kết nối ổn định cho trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, tạo sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao trong CB, đảng viên, CC, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Xin cảm ơn ông!
Hồ Thảo (thực hiện)