Vừa qua, dư luận xôn xao về việc một nhóm tác giả Việt bị bỏ bài báo trên tạp chí Journal of Intelligent & Fuzzy Systems thuộc Nhà xuất bản Sage. Tác giả chính của bài báo là PGS.TS Lê Quang Thảo, giảng viên khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Đáng chú ý, trong danh sách tác giả còn có bà Nguyễn Thị Bích Diệp, giám đốc một công ty tư vấn du học có trụ sở ở Hà Nội (là tác giả liên hệ) và 3 học sinh THPT các trường: Reigate Grammar School, Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam.
Bài báo bị gỡ có tên “Ứng dụng học sâu vào mạng cảm biến không dây để theo dõi cảm xúc của học sinh THPT”, xuất bản trực tuyến vào ngày 3/8/2023 và bị gỡ trong chiến dịch điều tra do Nhà xuất bản Sage thực hiện từ đầu năm 2024 tới nay.
Thông báo gỡ bài của nhà xuất bản.
Theo thông báo gỡ bài, nhà xuất bản phát hiện bài báo có một hoặc nhiều trong số các dấu hiệu như: Thao túng trích dẫn, bao gồm các trích dẫn không liên quan đến nội dung bài báo; Có những đoạn rối rắm, thừa thãi và các cụm từ bị xuyên tạc; Khả năng có sự tham gia trái phép của bên thứ ba trong quá trình nộp bài; Bằng chứng cho thấy có sự thông đồng giữa tác giả và người phản biện nhưng không bị phát hiện trước khi bài được xuất bản; Trích dẫn các bài báo đã bị gỡ bỏ do có dấu hiệu liên quan đến bên thứ ba và quy trình phản biện bị thao túng.
Trường đại học nói gì?
Trao đổi với PV Báo VietNamNet, PGS Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho hay tuần trước, nhà trường đã biết việc PGS Lê Quang Thảo có bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Journal of Intelligent & Fuzzy Systems thuộc Nhà xuất bản Sage bị rút. Sau khi nắm được sự việc, nhà trường đã yêu cầu PGS Thảo làm rõ vấn đề.
“Thầy Thảo báo cáo đã đề nghị tạp chí cho biết lý do cụ thể của việc bài báo bị gỡ để vụ việc được tường minh. Hiện nay, tạp chí chưa có ý kiến trả lời đề nghị của thầy Thảo. Ý kiến của tạp chí rất quan trọng vì họ là người ra quyết định chấp nhận bài và gỡ bài”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, việc một số học sinh phổ thông đứng tên đồng tác giả trong nghiên cứu khoa học là hiện tượng không thường xuyên xảy ra nên dễ gây thắc mắc. Tuy nhiên, điều nhà trường quan tâm nhiều hơn là những đóng góp khoa học của học sinh này cho nghiên cứu.
Tương tự, nhà trường cũng đã đề nghị thầy Thảo làm rõ những đóng góp về mặt khoa học của bà Nguyễn Thị Bích Diệp đối với bài báo. Đây là mối quan tâm chính chứ không phải địa chỉ nơi bà Diệp làm việc.
“Hiện thầy Thảo đang rà soát lại quá trình nghiên cứu (cách đây đã hơn 2 năm) để có câu trả lời tường minh về vấn đề này”, ông Bình nói.
Liên quan đến vấn đề liêm chính khoa học, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên cho hay, thời gian qua, nhà trường đã ban hành hướng dẫn về đạo đức trong nghiên cứu khoa học để đảm bảo chất lượng nghiên cứu, hạn chế rủi ro và giảm thiểu sự hiểu nhầm, mâu thuẫn nếu có giữa các bên liên quan đến hoạt động nghiên cứu.
Đối với trường hợp của PGS Lê Quang Thảo, PGS Trần Quốc Bình cho biết nhà trường sẽ xác minh đầy đủ thông tin để có cơ sở đưa ra kết luận xác đáng theo quan điểm tuân thủ các nguyên tắc về liêm chính khoa học.
Thúy Nga