Những ca nhập viện vào thời điểm cuối năm là: nam giới, huyết áp rất cao nhưng không duy trì việc uống thuốc, thường xuyên uống bia, rượu. Ảnh: Shutterstock.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Sóng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết trung bình mỗi năm, khoa Bệnh lý mạch máu não của bệnh viện tiếp nhận khoảng 16.000 ca. Riêng năm 2024, con số lên đến 17.340 ca, trong đó có 15% bệnh nhân đột quỵ là do xuất huyết não, gây tàn phế và tử vong cao.
Như vậy, mỗi ngày, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận hàng chục trường hợp nhập viện do đột quỵ. Những tháng cuối năm, con số này tăng thêm 10-15%.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, đột quỵ có hai thể chính là nhồi máu não và xuất huyết não. Từ tháng 11 đến đầu năm sau, khi thời tiết bắt đầu trở lạnh cũng là lúc số trường hợp xuất huyết não tăng lên rõ rệt.
Điều này là do không khí lạnh gây tác động đến sự co dãn hệ thống mạch máu, làm tăng huyết áp và tăng hoạt động của tim.
“Tuy nhiên, thời tiết lạnh chỉ một phần nguyên nhân kích hoạt khiến huyết áp tăng trên mức bình thường”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Lý giải điều này, PGS.TS Huy Thắng chỉ ra "mẫu số chung" của những ca nhập viện vào thời điểm cuối năm là: nam giới, huyết áp rất cao nhưng không duy trì việc uống thuốc, thường xuyên uống bia, rượu. Có thể nói, thời tiết chỉ tác động một phần nhỏ. Nguyên nhân gốc rễ vẫn là do thói quen sinh hoạt không điều độ.
Theo nhiều chuyên gia, nhận thức của người Việt về nguy cơ đột quỵ còn hạn chế. Nhiều người không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của bệnh, dẫn đến việc không đi khám định kỳ hoặc không tuân thủ điều trị, chẳng hạn như quên uống thuốc hạ huyết áp theo chỉ định.
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng khẳng định với người bệnh cao huyết áp, việc tuân thủ điều trị là yếu tố then chốt giúp kiểm soát huyết áp. Nếu uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn, huyết áp có thể được giữ ở mức bình thường, ngay cả khi thời tiết lạnh. Trong một số trường hợp, huyết áp của người bệnh vẫn có thể tăng nhẹ do thời tiết, nhưng không ở mức đáng báo động nếu điều trị đúng cách.
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết trong số 50-70 bệnh nhân đột quỵ được tiếp nhận mỗi ngày tại khoa, không ít người làm nghề tài xế. Đáng chú ý, nhiều tài xế có tiền sử cao huyết áp nhưng không đủ điều kiện hoặc không duy trì thói quen tầm soát và uống thuốc đều đặn.
Môi trường làm việc căng thẳng, yêu cầu tập trung cao độ, lịch làm việc bất thường, thường xuyên thức khuya là những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở nhóm nghề này. Nguy cơ càng cao ở những người có bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, nhưng không kiểm soát tốt bằng cách tái khám và tuân thủ điều trị.
PGS Thắng khuyến cáo tài xế và những người có bệnh nền nên tầm soát định kỳ, duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ để giảm rủi ro đột quỵ, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm khi áp lực công việc gia tăng.
“Việc phòng ngừa không thể đợi đến khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ mới xử lý, bởi điều này sẽ là quá muộn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của tài xế và hành khách trên xe,” PGS Thắng nhấn mạnh.
Nguồn tin tham khảo: Tạp chí Tri thức