Cảnh nhộn nhịp trong một lễ hội tại Khu khu đô thị sân bay KITA Airport City ở Cần Thơ
Từ ngày 1/7/2025, 34 tỉnh, thành phố trên cả nước hoàn tất việc sáp nhập và đồng loạt vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Đây là bước đi lịch sử “sắp xếp lại giang sơn”, mở ra cơ hội tái cấu trúc không gian phát triển, hình thành những vùng kinh tế quy mô lớn hơn, tăng khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư, qua đó khai thác hiệu quả hơn tiềm năng phát triển của từng địa phương.
Động lực tăng trưởng từ hạ tầng Tây Đô
Thành phố Cần Thơ mới nổi lên như một cực tăng trưởng giàu triển vọng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sau khi hợp nhất với Hậu Giang và Sóc Trăng. Với diện tích hơn 6.360 km2, dân số gần 4,2 triệu người, Cần Thơ không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn củng cố vị thế trung tâm vùng, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển đồng bộ cả về kinh tế, xã hội và hạ tầng.
Với vị thế mới, Thành phố Cần Thơ có điều kiện để phát triển đa ngành, từ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ đến du lịch sinh thái kết hợp văn hóa, tâm linh. Thành phố mới nay hội tụ đầy đủ tiềm năng của các vùng kinh tế đặc thù: kinh tế biển (Sóc Trăng), nông nghiệp công nghệ cao (Hậu Giang), trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghiệp chế biến và hệ thống logistics (Cần Thơ).
Không chỉ là trung tâm hành chính, Cần Thơ đang định hình một thị trường tiêu dùng lớn, năng động và hấp dẫn với các nhà đầu tư. Lực lượng lao động trẻ, trình độ cao từ hệ thống trường đại học, cao đẳng trên địa bàn là một điểm cộng trong việc thu hút dòng vốn vào các ngành kinh tế mũi nhọn như chế biến nông sản, công nghệ cao, dịch vụ, thương mại điện tử.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có, vấn đề cốt lõi hiện nay là phải tháo gỡ nút thắt hạ tầng - một trong những rào cản lớn nhất đang làm chậm tốc độ phát triển của toàn vùng. Trong bối cảnh đó, ưu tiên hàng đầu của Cần Thơ sau sáp nhập là tập trung phát triển hệ thống giao thông nội vùng và liên vùng hiện đại, kết nối đồng bộ giữa đường cao tốc, cảng biển, sân bay và đường sắt tốc độ cao.
Hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đang được thúc đẩy như: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (tổng mức đầu tư 27.523 tỷ đồng), cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (44.691 tỷ đồng), cụm cảng biển Sóc Trăng (vốn đầu tư dự kiến đến năm 2030 hơn 61.500 tỷ đồng), tuyến đường sắt tốc độ cao đang được nghiên cứu và đặc biệt là kế hoạch nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Các trục giao thông huyết mạch dần hoàn thiện không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý, mà còn mở ra “đường băng” tăng tốc cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến Cần Thơ.
Tâm điểm của “tam giác động lực” mới
Song hành với đà phát triển hạ tầng, thị trường bất động sản Cần Thơ bước vào giai đoạn mới với nhiều dư địa tăng trưởng. Theo các chuyên gia, dân số tăng nhanh và các trung tâm đô thị được mở rộng sau sáp nhập sẽ kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở, mặt bằng thương mại và hạ tầng xã hội. Đặc biệt, giới đầu tư đang hướng sự quan tâm đến những khu đô thị quy hoạch đồng bộ, tích hợp đầy đủ tiện ích và sở hữu kết nối giao thông thuận lợi với các trục huyết mạch liên vùng.
Đáng chú ý cuối tháng 4/2025, siêu trung tâm thương mại AEON Mall Cần Thơ đã được động thổ xây dựng trên diện tích 8,6 héc ta với tổng vốn đầu tư 5.400 tỷ đồng. Khi hoàn thành, dự án này không chỉ tạo cú hích cho ngành bán lẻ - dịch vụ mà dự báo còn thúc đẩy gia tăng giá trị cho toàn bộ khu vực xung quanh, đặc biệt là các dự án đô thị lớn có khả năng khai thác thương mại - lưu trú - tiêu dùng khu vực lân cận.
Khu đô thị KITA Airport City góp phần hình thành “tam giác động lực” ở Cần Thơ
Nổi bật trong số đó là khu đô thị KITA Airport City - tâm điểm kết nối của “tam giác động lực” gồm Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ - Siêu trung tâm thương mại - Khu đô thị sân bay quy mô 154 héc ta. Sự hiện diện của ba trung tâm lớn trong bán kính chưa đầy 5 phút di chuyển tạo ra chuỗi giá trị liên hoàn, nơi cư dân có thể sống, làm việc, giải trí, mua sắm, giao thương mà không cần di chuyển xa.
Đặc biệt, KITA Airport City được phát triển theo mô hình đô thị thông minh - đa chức năng, tích hợp đầy đủ tiện ích như trường học, bệnh viện, trung tâm hành chính, công viên, khu thể thao, trung tâm thương mại và không gian công cộng, đáp ứng toàn diện nhu cầu sống của cư dân. Cảnh quan xanh được bố trí hài hòa, giao thông nội khu tổ chức linh hoạt, mang lại môi trường sống tiện nghi và chất lượng.
Giới chuyên môn nhận định, thành phố Cần Thơ không chỉ là trung tâm mới về hành chính mà còn đang định hình là đô thị thông minh, đáng sống bậc nhất vùng Tây Nam Bộ. Những khu đô thị như KITA Airport City chính là lời khẳng định cho tầm nhìn dài hạn: phát triển đô thị không chỉ để mở rộng không gian, mà còn để nâng cao chất lượng sống, thu hút nhân tài, dòng vốn và hình thành hệ sinh thái kinh tế - xã hội bền vững.
Như Loan