Tại những khu phố tập trung đông cửa hàng thời trang, tình trạng đậu xe kín vỉa hè, thậm chí tràn xuống lòng đường diễn ra phổ biến. Đây là hình ảnh quen thuộc ở các địa điểm mua sắm đông đúc vào dịp cận Tết.
Tuyến phố Nguyễn Trãi lúc 18h30 chiều 22 tháng Chạp.
Không chỉ tại các tuyến phố, các trung tâm thương mại lớn như Aeon Mall Hà Đông cũng ghi nhận lượng khách tăng đột biến những ngày gần đây. Từ buổi tối đến tận khuya, các gian hàng thời trang đều đông kín khách, tạo nên một bầu không khí nhộn nhịp, rộn ràng.
Không khí mua sắm tấp nập tại các gian hàng thời trang trong trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông.
Như thường lệ, dịp trước Tết luôn là thời điểm vàng để các thương hiệu thời trang, từ cao cấp đến bình dân, tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi. Những khẩu hiệu như “Mua 2 tặng 1”, “Xả kho cuối năm”, “Tết sale hết” được treo khắp nơi, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Theo ghi nhận, nhiều mặt hàng được giảm giá từ 10% đến 50%. Cá biệt, một số sản phẩm được giảm giá lên tới 80%, nhưng chủ yếu là hàng lẻ size hoặc tồn kho từ các mùa trước. Những đợt giảm giá này không chỉ nhằm kích cầu tiêu dùng mà còn giúp các thương hiệu giải phóng hàng tồn để đón đầu xu hướng mới trong năm sau.
Hầu hết thương hiệu đều tranh thủ nhu cầu mặt hàng thời trang tăng mạnh dịp cận Tết để tung ra các chương trình khuyến mãi, kích cầu.
Nhiều khách hàng đã tranh thủ dịp này để sắm đồ Tết hoặc chuẩn bị cho các dịp quan trọng trong tương lai.
Anh Huy, sống tại Hà Đông, chia sẻ rằng anh vừa mua được một chiếc áo blazer giảm giá 60% để mặc trong đám cưới họ hàng sắp tới. Trước khi mua, anh đã khảo sát giá trên mạng, ghé nhiều cửa hàng để thử đồ và so sánh chất lượng, giá cả trước khi quyết định.
Đó là thời trang cao cấp, còn đối với các sản phẩm thời trang bình dân phục vụ nhu cầu hàng ngày, anh Huy cũng như nhiều người tiêu dùng khác lựa chọn săn sale trên các sàn thương mại điện tử để tiết kiệm thời gian.
Đây chính là nguyên nhân khiến cho không khí mua sắm cận Tết dù khá nhộn nhịp, đặc biệt vào buổi tối và cuối tuần, nhưng có phần kém đông đúc hơn so với những năm trước.
Chị Thúy, quận Thanh Xuân, nhớ lại, dịp cao điểm Tết năm ngoái, chị đã “bỏ cuộc” ra về vì không thể chen chân vào một cửa hàng quần áo thời trang được KOL giới thiệu đang có chương trình khuyến mãi khủng. Nhiều cửa hàng khác cũng rơi vào tình trạng quá tải khiến chị mua quần áo mà không thể thử trước vì phòng thử đồ luôn chật kín người xếp hàng chờ tới lượt.
Tuy nhiên, năm nay, theo chị Thúy việc mua sắm đã "dễ thở" hơn: “Các shop livestream bán hàng ngày trên TikTok, Shopee với các deal hấp dẫn. Do đó đã 'giảm tải' cho các cửa hàng”.
Bên cạnh phản ánh xu hướng ngày càng phổ biến của mua sắm trực tuyến, theo các chuyên gia, xu hướng sắm Tết 2025 của người Việt tiếp tục là tiết kiệm và thiết thực thay vì những mặt hàng xa xỉ.
Điều này đồng nhất với ghi nhận thực tế của phóng viên VnBusiness cho thấy, tại các cửa hàng thời trang cao cấp, dù cũng có chương trình giảm giá sâu, lượng khách hàng ghé thăm và mua sắm không đáng kể so với các cửa hàng thuộc phân khúc bình dân.
Không khí trầm lắng hơn tại các cửa hàng phân khúc cao cấp, xa xỉ.
Theo khảo sát của Buzzmetric, mùa mua sắm Tết năm nay nổi bật hai xu hướng chính. Thứ nhất, người tiêu dùng cân nhắc yếu tố giá cả nhiều hơn trước và ưu tiên sản phẩm thiết yếu và chăm sóc sức khỏe. Thay vì chọn hàng xa xỉ, người Việt chuyển hướng sang các mặt hàng thiết yếu và những dịch vụ cơ bản, bao gồm: Thực phẩm chức năng - dinh dưỡng (45%); Chăm sóc cá nhân (43%), Thời trang (45%); Thực phẩm và đồ uống không cồn (42% và 38%).
Thứ hai, người tiêu dùng ưu tiên tính tiện lợi, đơn giản và tiết kiệm. Chính vì vậy mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử dần lên ngôi. Người tiêu dùng chuộng thương mại điện tử nhờ sự tiện lợi và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như voucher giảm giá hoặc miễn phí ship.
Các xu hướng trên vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các thương hiệu thời trang cải thiện chiến lược kinh doanh, đáp ứng tốt hơn trước nhu cầu thay đổi của thị trường.
Đỗ Kiều