Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 19/11.
Nóng và rất cấp bách!
Các nước châu Âu đặt ra những tiêu chuẩn rất gắt gao đối với hàng hóa xuất sang. Các doanh nghiệp không đạt được chứng chỉ về vấn đề môi trường hay giảm sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu vào. Thực tế này đã được Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chỉ ra trong phát biểu dẫn đề và gợi ý thảo luận tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 19/11.
Điển hình trong lĩnh vực may mặc, nếu không đáp ứng tiêu chuẩn và chứng chỉ đánh giá giảm thải phát thải carbon, sảm phẩm chưa chắc đã nhập khẩu được vào các quốc gia này. Theo Phó thống đốc, đây là vấn đề nóng và rất cấp bách đối với các doanh nghiệp của Việt Nam.
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, xã hội, tác động đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân, do đó, việc tập trung tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là vấn đề đặc biệt quan trọng và cấp thiết.
Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ quyền con người hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện. Việt Nam cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc năm 2015; Ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2016. Tại Hội nghị COP26 (Glasgow 2021), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 đến năm 2050.
Về yếu tố xã hội, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, bảo vệ quyền con người và Luật Nhân đạo quốc tế, tham gia Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc...
Việt Nam cũng là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai các cam kết quốc tế nêu trên thông qua việc ban hành khung chính sách, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; Các chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Luật Bảo vệ môi trường (2020)... Các quy định này đã tạo điều kiện thúc đẩy các công cụ kinh tế thực hiện tăng trưởng xanh, thúc đẩy ESG như tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, yêu cầu quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD.
“Tăng trưởng bền vững đang là vấn đề then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong đó, ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Tăng cường áp dụng ESG đòi hỏi các tổ chức tín dụng (TCTD) phải thực thi, tuân thủ và cập nhật liên tục những thay đổi trong quy định và chính sách để thể hiện tốt trách nhiệm với môi trường và xã hội. Mặt khác, thực hành các tiêu chuẩn ESG sẽ giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của TCTD thông qua việc công bố và minh bạch các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường và xã hội.
Cùng đó, Phó thống đốc cũng nhấn mạnh rủi ro về môi trường và xã hội không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của TCTD (rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng...), do vậy, việc thực hành ESG sẽ giúp các TCTD cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận.
Đồng thời, khi áp dụng ESG, các TCTD có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển các sản phẩm tín dụng.
Dòng vốn tín dụng tăng trưởng nhanh hơn ở lĩnh vực thực hành ESG
Thời gian qua, ngành ngân hàng tiên phong đi đầu trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG.
Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp, định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo liên quan tới nội dung ESG trong hoạt động ngân hàng như: ban hành Chỉ thị về thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng (Chỉ thị số số 03/CT-NHNN); phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam (Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018), Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1408/QĐ-NHNN), Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020); ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, có hiệu lực từ 01/6/2023 triển khai Luật Bảo vệ môi trường.
Các giải pháp được triển khai từ rất sớm nêu trên đã cho thấy sự trách nhiệm của ngành ngân hàng trong thực hành ESG. Cũng theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, kết quả triển khai hoạt động ESG được thể hiện rất rõ nét qua tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của ngành ngân hàng.
Đến ngày 30/9/2024, dư nợ tín dụng nhóm này đã đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Từ nhận thức đến hành động, ngân hàng thương mại quan tâm hơn đến yếu tố rủi ro môi trường. Tính hiệu quả của một khoản vay không chỉ là lỗ lãi mà còn tiêu chí liên quan yếu tố phát triển bền vững của cấc doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng cao hơn mức chung (khoảng 11%).
Thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng cũng như hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng cấp thiết, bên cạnh các cơ hội, thuận lợi trong triển khai thực hiện vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho cả cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các đơn vị thực thi đòi hỏi các bên cần nhận thức và hành động nhanh.
Tuy nhiên, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh đây là vấn đề không phải nhỏ với doanh nghiệp. Trong khi các tập đoàn lớn có nguồn lớn, trình độ quản trị tốt, vẫn còn rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chưa hiểu về ESG. Tuy nhiên, trong thực thi ESG, tất cả phải vận hành tạo ra chuỗi liên kết trong giá trị để cùng nhau hành động.
Cần làm như thế nào để cả nền kinh tế và hầu hết doanh nghiệp thực hành ESG là câu hỏi được Phó thống đốc đặt ra.
Trong khuôn khổ buổi hội thảo hôm nay, Phó thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ răng, ông mong muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng, doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung vào một số nội dung như: làm rõ nội hàm yếu tố ESG bởi nhận thức trúng mới hành động đúng và nội hàm gắn với ngành ngân hàng.
Cũng theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt văn bản sắp tới còn phải làm nhiều, nhưng phải chờ nhiều nội dung khác. Như bảng phân loại danh mục dự án xanh cần chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đó sẽ định hình dòng vốn vào lĩnh vực. Do đó, đây là các vấn đề còn ở phía trước. Tiếp đến, ngành ngân hàng cần đi đầu nhưng cụ thể sẽ đi đầu như thế nào. Cuối cùng, các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước góp phần thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Đối với các tổ chức tín dụng, Phó thống đốc gợi ý thảo luận làm rõ 3 vấn đề. Trong đó, làm rõ tình hình triển khai và những ưu tiên trong thực hành ESG tại các TCTD Việt Nam phù hợp với bối cảnh vĩ mô, năng lực tài chính, trình độ quản trị hiện nay. Những chính sách, chương trình của các ngân hàng từ hỗ trợ kỹ thuật tới cung ứng vốn cho doanh nghiệp phát triển xanh, bền vững. Cùng đó, những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ và những đề xuất kiến nghị để góp phần thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cũng là nội dung cần phân tích.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá rất cao Báo Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” để kết nối nhiều đơn vị bao gồm các ngân hàng, doanh nghiệp, các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị liên quan nhằm cung cấp, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, thông tin hữu ích góp phần nâng cao năng lực thực hành ESG tại Việt Nam nói chung và trong ngành ngân hàng nói riêng theo các thông lệ quốc tế.
“Tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là một hội thảo rất hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đặc biệt là đối với các TCTD và có ý nghĩa quan trọng nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức của ngành ngân hàng cũng như toàn xã hội về thúc đẩy áp dụng ESG tại Việt Nam”.
Tùng Linh