Phó thống đốc: Ngành ngân hàng 'khát' nhân sự về an ninh công nghệ thông tin

Phó thống đốc: Ngành ngân hàng 'khát' nhân sự về an ninh công nghệ thông tin
8 giờ trướcBài gốc
Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng.
Phát biểu tại Diễn đàn "Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ" diễn ra sáng nay (16/7), Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, ngành ngân hàng đang đứng trước sự thay đổi toàn diện do cách mạng 4.0. Theo đó, hiện trên 90% giao dịch của khách hàng thực hiện qua kênh số, các dịch vụ ngân hàng thực hiện tự động, khối lượng giao dịch giờ lên đến hơn 100 triệu giao dịch/ngày...
Với số lượng giao dịch, số lượng khách hàng tăng lên như vậy, nhân lực ngân hàng cũng phải thay đổi. Hầu hết các ngân hàng đã phải thành lập một khối chuyên trách, đó là khối dữ liệu, tương tự như là khối tín dụng.
"Nhiều ngân hàng đang coi rủi ro về công nghệ thông tin tương tự như rủi ro về tín dụng. Chưa bao giờ ngành ngân hàng khát nhân lực về an ninh công nghệ thông tin như hiện nay. Chúng ta thấy bức tranh ngành ngân hàng đã thay đổi hoàn toàn, nhân lực ngân hàng phải thay đổi rất nhanh để thích ghi với thay đổi này", Phó thống đốc nhận định.
PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết thêm, nhu cầu nhân sự số của ngành ngân hàng đang tăng rất mạnh.
"Thời điểm này, nguồn cung về công nghệ thông tin chưa đủ cầu. Ngành ngân hàng thiếu hụt nguồn cung nhân lực có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin. Đây là nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Nhu cầu nhân lực tăng lên rất mạnh: Nếu như năm 2018, ngành ngân hàng cần 320.000 nhân lực về công nghệ; thì đến năm 2026 là 750.000 người", TS. Hoàng Anh cho biết.
Về góc độc ngân hàng, ông Lưu Danh Đức, Phó tổng giám đốc LPBank thừa nhân, các ngân hàng đang chịu sức ép về thiếu nguồn nhân lực công nghệ ngân hàng, sự cạnh tranh khiến việc tuyển dụng rất khó.
Theo các chuyên gia công nghệ, khoảng 60% nhân sự ngân hàng đang cần đào tạo lại. Trong khi đó, đào tạo nhân lực ngân hàng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bà Ngô Lan, Giám đốc Navigos Search phía Bắc cho biết, hiện nay, yêu cầu đối với các ngân hàng về tuyển dụng nhân sự rất cao nếu không đáp ứng được sẽ bị sa thải. Nguyên nhân lớn nhất tác động đến làn sóng sa thải nhân viên ngân hàng chính là công nghệ.
"Tất nhiên, AI chưa thể thay thế được con người hoàn toàn, nhưng có thể đảm nhận rất nhiều tác vụ của nhân viên ngân hàng. Từ đó, có thể thấy rằng, nhu cầu về nhân lực không còn nhiều. Nếu như vậy thì hiện nay các ngân hàng chú trọng đến điều gì? Đó là công nghệ và kiểm soát rủi ro", bà Lan cho biết.
Theo Navigos, các ngân hàng dù sa thải nhưng họ vẫn tăng tuyển dụng song chủ yếu tuyển dụng ở nhóm kinh doanh bán hàng, nhóm tiếp thị và nhóm công nghệ.
Riêng về nhân lực công nghệ, theo các chuyên gia, nguồn cung về nhân sự mảng này tại Việt Nam rất thiếu. Dù Việt Nam không thiếu kỹ sư công nghệ nhưng khó nhất với ngân hàng là đa phần kỹ sư công nghệ lại không có kiến thức về kinh doanh, không đáp ứng được nhu cầu của ngân hàng. Một số ngân hàng tính tới tuyển dụng chuyên gia ngoại nhưng các chuyên gia này lại đòi hỏi mức lương rất cao khiến ngân hàng nội khó đáp ứng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam phải đẩy nhanh tốc độ đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain…, chứ không phải “rón rén” như hiện nay. Nếu chần chừ số hóa, AI… thì giấc mơ chuyển mình trong kỷ nguyên mới của đất nước không thể trở thành hiện thực.
"Theo tôi, khoa học công nghệ quyết định tính tự lực, tự cường của một quốc gia, trong đó quan trọng nhất là con người. Tôi đã từng tới thăm một chi nhánh ngân hàng quốc tế, trước đây họ có 203 nhân lực, giờ chỉ còn 3 người, trong khi nhiều ngân hàng trong nước vẫn ra sức mở thêm chi nhánh là không phù hợp", TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.
T.L
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/pho-thong-doc-nganh-ngan-hang-khat-nhan-su-ve-an-ninh-cong-nghe-thong-tin-d332765.html