Phó Thống đốc thông tin về tình hình ngân hàng SCB và một số ngân hàng yếu kém

Phó Thống đốc thông tin về tình hình ngân hàng SCB và một số ngân hàng yếu kém
một ngày trướcBài gốc
Ngày 7-1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Bên lề sự kiện, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú đã chia sẻ thêm với phóng viên về căn cứ xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025, chương trình 145.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội và hướng xử lý các ngân hàng yếu kém...
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú - Ảnh: NGỌC DIỆP
Việc xử lý các ngân hàng yếu kém có thể hoàn tất trước Tết Nguyên đán
Đáng chú ý, theo Phó Thống đốc, hai ngân hàng mua bắt buộc đã được chuyển giao (OceanBank và CB). Còn lại hai ngân hàng đang trình Chính phủ (Dong A Bank, GPBank) có thể sẽ có phương án trước Tết Nguyên đán 2025.
Đối với trường hợp ngân hàng SCB, Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tình hình SCB đang được duy trì ổn định, đảm bảo được tiền gửi của người dân, cùng với đó tiến hành xử lý các sai phạm, yếu kém của ngân hàng và cá nhân gây ra.
Phương án tái cơ cấu SCB cũng đang được xây dựng một cách tích cực.
Tăng trưởng tín dụng của năm 2025 chắc chắn cao hơn năm 2024
Phó Thống đốc cho hay trong năm 2024, tổng dư nợ tín dụng toàn ngành tăng 15,08%, đạt 15,6 triệu tỉ đồng. Tổng doanh số cho vay trong năm đạt 23 triệu tỉ đồng, tăng thêm 2 triệu tỉ đồng so với năm 2023. Doanh số thu nợ khoảng 21 triệu tỉ đồng.
Theo Phó Thống đốc, những con số trên cho thấy khối lượng tín dụng rất lớn đã được đầu tư vào nền kinh tế dành cho các doanh nghiệp, các lĩnh vực trọng tâm theo tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt, rất đúng trọng tâm của Chính phủ và Thủ tướng.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của năm 2024, NHNN đặt ra mốc điều hành tín dụng cho năm 2025. Các chỉ tiêu của năm 2025 trước tiên phải căn cứ vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Quốc hội đặt ra cũng như của Chính phủ đã và đang hướng đến.
Tăng trưởng GDP của năm 2025 hiện đang đạt mục tiêu khoảng 8%, như vậy tín dụng của năm 2025 sẽ phải cao hơn mốc của năm 2024. Điều đó sẽ góp phần đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra, ông Đào Minh Tú khẳng định.
Tăng trưởng tín dụng mục tiêu của 2025 khoảng 15%, tùy theo điều kiện thực tế của nền kinh tế cũng như khả năng hấp thụ vốn, nhu cầu đầu tư vốn vào các lĩnh vực trọng tâm trọng điểm, nhất là lĩnh vực có tác động rất lớn, là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Với cơ chế giao tín dụng, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế thông thoáng hơn so với năm 2024. Các ngân hàng tự xác định mục tiêu cho vay khi có nhu cầu vốn thực sự cần thiết nhưng vẫn đảm bảo được an toàn cho chính ngân hàng. Ngay từ cuối năm 2024, NHNN đã công bố cơ chế tín dụng hạn mức cho các ngân hàng thương mại.
Trong năm 2024 vừa qua, NHNN cũng đã có 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, tuy nhiên cũng chỉ là hướng dẫn các ngân hàng tự tính toán lại và điều chỉnh hạn mức tín dụng của mình theo nhu cầu vốn một cách hợp lý.
"Một mặt NHNN cũng nghiên cứu việc sẽ có cơ chế phù hợp hơn để tạo sự chủ động hơn cho các ngân hàng thương mại nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lượng tín dụng cung ứng tăng thêm nhằm kiểm soát lạm phát. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý trên cơ sở đảm bảo được an toàn lành mạnh, nhất là những ngân hàng đang dồn vốn cho những lĩnh vực có nhiều rủi ro cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
145.000 tỉ đồng sẽ được 9 ngân hàng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng trước đây và sau này có 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, mỗi ngân hàng đăng ký thêm 5.000 tỉ đồng, tổng doanh số cho vay lên đến 145.000 tỉ đồng đã được cam kết. Các ngân hàng thương mại cũng rất coi trọng gói tín dụng này.
Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ rất tích cực cho đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt và tích cực của Chính phủ. Giải pháp này rất căn cơ và quan trọng để có thể giúp giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo.
Chính vì thế, với những ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia gói này, NHNN đã yêu cầu họ phải thực hiện một cách tốt nhất theo cam kết, cụ thể là thời hạn cho vay sao cho phù hợp với đối tượng có nhu cầu vay.
Phó Thống đốc cho biết ngày mùng 3-1 vừa qua, NHNN đã có văn bản đề nghị 9 ngân hàng tham gia cho vay gói mua nhà ở xã hội này, tín dụng mà nhóm các ngân hàng cho vay nhà ở xã hội sẽ không phải tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nói chung. Dư nợ cho vay nhà ở xã hội sẽ theo nhu cầu của thị trường, điều kiện mà họ có thể cho vay được.
Số lượng các vụ lừa đảo trong ngành ngân hàng giảm chóng mặt
Ngoài ra, thông tin từ Phó Thống đốc cho biết đến nay đã có 84,7 triệu tài khoản ngân hàng được xác thực sinh trắc học. Những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản đã giảm trên 50% kể từ sau khi ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong thanh toán.
Công nghệ thanh toán là vấn đề thời sự thu hút rất nhiều sự quan tâm của năm 2024. Nhiều ngân hàng thương mại ứng dụng dữ liệu dân cư của Bộ Công an, kết hợp với các chương trình của ngân hàng trong việc ứng dụng công nghệ trong thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống.
NGỌC DIỆP
Nguồn PLO : https://plo.vn/pho-thong-doc-thong-tin-ve-tinh-hinh-ngan-hang-scb-va-mot-so-ngan-hang-yeu-kem-post828992.html