Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Malaysia

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Malaysia
một ngày trướcBài gốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trước hội đàm. (Ảnh: Nhật Bắc)
Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ những kết quả nổi bật trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Malaysia?
Chuyến thăm chính thức Malaysia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong suốt chuyến thăm, Chính phủ Malaysia đã dành cho Thủ tướng Chính phủ và đoàn sự đón tiếp trọng thị, ấm áp với những nghi lễ cao nhất; thể hiện sự coi trọng đặc biệt dành cho Việt Nam – Đối tác chiến lược toàn diện duy nhất của Malaysia trong ASEAN.
Chuyến thăm nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, thể hiện ưu tiên của Việt Nam trong việc đưa quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, trong đó có Malaysia, tiếp tục phát triển sâu hơn, toàn diện hơn, thực chất hơn, đột phá hơn.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã có các cuộc trao đổi thực chất, hiệu quả với Lãnh đạo cấp cao Malaysia, trong đó hai bên nhất trí thiết lập cơ chế trao đổi thường niên giữa hai Thủ tướng nhằm kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, đưa hợp tác song phương phát triển xứng tầm khuôn khổ mới.
Hai nước đã công bố hoàn thành việc xây dựng Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2025-2030, hướng tới ký kết trong năm nay. Hai Thủ tướng cũng chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó nhất trí duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Hai bên đã nhất trí về những định hướng tăng cường hơn nữa kết nối hai nền kinh tế; nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng; hạn chế áp dụng các rào cản thương mại; tạo thuận lợi xuất nhập khẩu các mặt hàng hai bên có tiềm năng, thế mạnh; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Thủ tướng ba nước Việt Nam, Malaysia và Singapore chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu điện, ngày 26/5. (Ảnh: Nhật Bắc)
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thúc đẩy ký kết các văn kiện liên quan nhằm đẩy mạnh hợp tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng và các tổ chức khủng bố, phản động; nhất trí xem xét việc thành lập cơ chế tham vấn về các vấn đề trên biển và thiết lập đường dây nóng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Các cơ quan và doanh nghiệp lớn hai nước đã tích cực đàm phán, thống nhất và đạt được 3 thỏa thuận quan trọng, mang tính đột phá trong lĩnh vực hợp tác năng lượng và giáo dục - đào tạo.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 46, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng các Thủ tướng Malaysia và Singapore đã chứng kiến lễ ký Phụ lục Thỏa thuận hợp tác phát triển về việc xuất khẩu điện gió ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore giữa Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), MYEC (Malaysia) và Sembcorp (Singapore). Đây là bước tiến lớn trong hợp tác năng lượng, không chỉ giúp cụ thể hóa những chương trình hợp tác phù hợp với chính sách chuyển dịch năng lượng tái tạo của hai nước, mà còn mở ra triển vọng xây dựng Lưới điện chung ASEAN.
Có thể nói, chuyến thăm chính thức Malaysia của Thủ tướng Chính phủ đã thành công tốt đẹp, tạo xung lực mạnh mẽ, đưa quan hệ Việt Nam-Malaysia bước vào giai đoạn phát triển mới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Quang Hòa)
Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị cấp cao liên quan và đóng góp của đoàn Việt Nam tại các Hội nghị?
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị liên quan vừa khép lại với nhiều dấu mốc đáng nhớ. Dấu mốc đầu tiên là việc lãnh đạo các nước ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur về “ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta” và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cùng bốn chiến lược về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và kết nối, thể hiện vai trò chủ động dẫn dắt của ASEAN trong định hình tương lai của khu vực, khơi dậy khát vọng phát triển và vươn tầm mạnh mẽ vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng chung.
Dấu mốc lịch sử thứ hai là việc các nước ASEAN nhất trí kết nạp Timor-Leste làm thành viên thứ 11 của ASEAN vào tháng 10 tới. Quyết định này đánh dấu bước mở rộng mới của ASEAN sau ba thập kỷ, thể hiện tinh thần bao trùm, gắn bó và kết nối của Cộng đồng ASEAN; không chỉ là bước tiến lịch sử của Timor-Leste, mà còn là cơ hội để ASEAN mở ra không gian mới cho hợp tác và phát triển.
Điểm nhấn thứ ba của các Hội nghị lần này là tư duy mở rộng liên kết của ASEAN để thích ứng với các biến động về địa chính trị, địa kinh tế. Không chỉ củng cố và khai thác dư địa hợp tác đầu tư và thương mại nội khối và với các đối tác hiện có, ASEAN tích cực thúc đẩy liên kết vượt ra ngoài khu vực với việc tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC và Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC-Trung Quốc, mở ra cơ hội mới cho đa dạng hóa đối tác, thị trường và chuỗi cung ứng, tạo đà cho hợp tác liên khu vực phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Trong thành công chung của các Hội nghị, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm và có nhiều đóng góp thiết thực cùng nhiều đề xuất mang tính bứt phá.
Trước hết là vai trò của Việt Nam cùng ASEAN kiến tạo tư duy phát triển mới dựa trên bao trùm và bền vững. Thông điệp “5 hơn” của Thủ tướng Chính phủ: Đoàn kết hơn, Tự cường hơn, Chủ động hơn, Bao trùm hơn và Bền vững hơn là cơ sở toàn diện để ASEAN tăng cường sức mạnh tập thể, làm chủ cuộc chơi, bảo đảm phát triển bao trùm cho thế hệ hiện nay và mai sau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo lãnh đạo các nước ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur về “ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta”. (Ảnh: Nhật Bắc)
Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực chuyển động phức tạp, khó lường, ASEAN cần bảo đảm không gian chiến lược độc lập và tự chủ, củng cố thực chất vai trò trung tâm, tăng cường năng lực thích ứng trước các biến động từ bên ngoài và tìm kiếm giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn cho các vấn đề đang đặt ra. Khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển xanh-bền vững cần được thúc đẩy mạnh mẽ thành trụ cột hợp tác mới, huy động toàn diện nguồn lực của cả khu vực công và khu vực tư, cùng phát triển những ý tưởng và sáng kiến mang tầm khu vực.
Trước sự gia tăng của xu hướng phân mảnh và phân tách, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ASEAN và các đối tác thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, củng cố chủ nghĩa đa phương, ủng hộ các nguyên tắc thương mại tự do, công bằng, bao trùm và dựa trên luật lệ. ASEAN cần phát huy vai trò kết nối chiến lược trên cơ sở mạng lưới FTA hiện có, định hình mô hình hợp tác liên khu vực ASEAN-GCC và ASEAN-GCC-Trung Quốc và tiếp tục nhân rộng mô hình này với các đối tác tiềm năng khác.
Theo đó, Thủ tướng đưa ra nhiều đề xuất thúc đẩy thực chất quan hệ ASEAN-GCC và ASEAN-GCC-Trung Quốc, đề nghị đặt trọng tâm vào hợp tác thương mại, đầu tư và liên kết chuỗi cung ứng, sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN-GCC và xem xét khả năng xây dựng Hiệp định thương mại tự do ASEAN-GCC-Trung Quốc.
Thủ tướng cũng đề nghị dành ưu tiên cao cho các lĩnh vực tiềm năng và mang tính đột phá như năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, hạ tầng bền vững, phát triển công nghệ xanh, hợp tác hàng không, du lịch và xây dựng một mạng lưới kết nối tài chính vững mạnh giữa các trung tâm lớn của khu vực, tạo bệ phóng đưa hợp tác giữa các khu vực bứt phá trong tương lai.
Có thể nói, những thông điệp và đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị đã góp phần lan tỏa những tư duy đổi mới trong ASEAN, tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực, trách nhiệm của Việt Nam cùng kiến tạo tương lai phát triển ổn định và bền vững cho khu vực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC)-Trung Quốc, ngày 27/5. (Ảnh: Nhật Bắc)
Xin Phó Thủ tướng cho biết những kết quả chính của các cuộc tiếp xúc song phương của Đoàn Việt Nam với các nước, các đối tác trong dịp này?
Nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 và Hội nghị cấp cao ASEAN- Hội đồng Hợp tác vùng vịnh (GCC) và Trung Quốc ở Kuala Lumpur, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Chính phủ đã gặp gỡ, tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao nhiều nước láng giềng, đối tác chiến lược và đối tác quan trọng. Lãnh đạo các nước, đối tác đều nêu bật thông điệp coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đánh giá cao chính sách phát triển hài hòa, bền vững và những đột phá chiến lược về thể chế, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, coi đây là những cơ hội hợp tác và kinh nghiệm rất có giá trị trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay.
Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc, hai bên đánh giá cao ý nghĩa lịch sử chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; tập trung nỗ lực triển khai hiệu quả nhận thức chung giữa Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước; tăng cường trao đổi chiến lược cấp cao, củng cố tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác thực chất đạt tiến triển cụ thể, nhất là về thương mại, đầu tư chất lượng cao, kết nối đường sắt, quyết tâm khởi công tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng trong năm 2025; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, thúc đẩy sớm đạt được COC hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Trong trao đổi với các lãnh đạo Lào và Campuchia, ba Thủ tướng đã nhất trí nhiều định hướng quan trọng nhằm triển khai kết quả cuộc gặp ba Người đứng đầu ba Đảng (tháng 2/2025), đưa hợp tác giữa ba nước thực sự chuyển biến về chất, kiến tạo không gian phát triển mới, nhất là kết nối trên 5 lĩnh vực lớn là hạ tầng giao thông, năng lượng, thương mại, chuyển đổi số, nguồn nhân lực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. (Ảnh: Nhật Bắc)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước ASEAN cũng trao đổi sâu rộng về các biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh-quốc phòng, văn hóa-giáo dục, du lịch, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, giàu tiềm năng như kết nối hạ tầng, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Với GCC, hai bên chia sẻ nhu cầu mở rộng mạng lưới khuôn khổ đối tác và sớm khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với khu vực, thuận lợi hóa hơn nữa hợp tác về năng lượng, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, sản phẩm, dịch vụ Halal.
Có thể nói, những kết quả quan trọng đạt được từ các cuộc tiếp xúc song phương nói trên đã lan tỏa thông điệp về một Việt Nam năng động, đổi mới, hội nhập và vươn mình mạnh mẽ, mở ra những tiền đề và xung lực thuận lợi đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Quang Hòa
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/pho-thu-tuong-bo-truong-bui-thanh-son-tra-loi-phong-van-ve-ket-qua-chuyen-cong-tac-cua-thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-toi-malaysia-315787.html