Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công
4 giờ trướcBài gốc
Một dự án sử dụng vốn đầu tư công. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Cuối chiều 14/5, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì cuộc họp của Tổ công tác số 5 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với 3 bộ, cơ quan trung ương và 13 địa phương, gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ.
* Tỷ lệ giải ngân thấp
Thông tin về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch năm 2025 của các đơn vị thuộc Tổ công tác số 5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 Thủ tướng Chính phủ giao cho 16 đơn vị là 100.687,28 tỷ đồng (chiếm 12,2% tổng kế hoạch đầu tư vốn của cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao).
Tính đến ngày 30/4, tổng số vốn đã phân bổ là 105.302,226 tỷ đồng, đạt 104,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó 3 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương đã phân bổ hết kế hoạch vốn được giao; còn 5 địa phương chưa phân bổ hết với tổng số vốn còn lại là 1.028,09 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,02% tổng kế hoạch đầu tư vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 5, chiếm khoảng 12,44% tổng số vốn chưa phân bổ của cả nước (8.263,085 tỷ đồng).
Nguyên nhân chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 cho các nhiệm vụ, dự án là do dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; dự án chờ điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; thực hiện sắp xếp bộ máy, địa phương tạm dừng thực hiện một số dự án xây dựng trụ sở làm việc, tránh lãng phí. Một số địa phương chưa phân bổ chi tiết ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ dự án do phụ thuộc vào nguồn thu sử dụng đất, xổ số, bội chi ngân sách địa phương...
Ước đến ngày 30/4, giải ngân của các đơn vị thuộc Tổ công tác đạt 12,85% kế hoạch được Thủ tướng giao, thấp hơn mức trung bình của cả nước. Trong đó, Bộ Ngoại giao thấp nhất, chỉ đạt 2,09%, Bộ Công Thương đạt 5,78%, Sóc Trăng 7,82%, An Giang 7,7%.
Khó khăn, vướng mắc của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được ông Trung nêu ra là Luật Đất đai năm 2024 mới có hiệu lực thi hành; các quy định, hướng dẫn về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được ban hành mới với nhiều nội dung thay đổi, quy định chưa rõ nên ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Một số dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư do địa phương chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu để thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (thủ tục thu hồi đất, thỏa thuận để áp giá đền bù); vẫn còn tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, giá nguyên, vật liệu biến động tăng cao hơn so với đơn giá lập dự toán.
Cơ chế chính sách đã có, vốn đã giao, vấn đề phải quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn trong giai đoạn này, đến tháng 7 không thực hiện được sẽ rất khó khăn khi các địa phương bắt tay vào sắp xếp bộ máy, sáp nhập, hợp nhất, Thứ trưởng Bộ Tài chính lo ngại.
Đại diện EVN cho biết, Tập đoàn có 1 dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với nguồn vốn dự kiến từ ngân sách nhà nước là 2.526 tỷ đồng. Thời gian qua dự án gặp khó khăn trong triển khai do biển động và thiết bị chưa về, nên nhà thầu chỉ thực hiện một số hạng mục trên đất liền với khối lượng ít, chưa đủ điều kiện để nghiệm thu theo quy định của hợp đồng. EVN cam kết năm 2025 thực hiện đóng điện đúng tiến độ dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, tỉnh đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các công trình, dự án; chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hướng dẫn thực hiện chuyển tiếp quản lý các công trình, dự án để thực hiện sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính đã giải đáp vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, đánh giá tác động môi trường, nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công các tuyến cao tốc…
Thi công đường ống dẫn nước ven Quốc lộ 61C tại Hậu Giang. Ảnh: Nguyễn Hằng – TTXVN
* Đẩy nhanh giải ngân gắn với chất lượng
Biểu dương 3 bộ, cơ quan và 8/13 địa phương đã phân bổ hết kế hoạch vốn được giao, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị các đơn vị tiếp tục phấn đấu để không chỉ đạt mục tiêu về phân bổ nguồn vốn mà quan trọng là giải ngân vốn thấp nhất đạt 95% trong năm 2025. Đối với 5 địa phương chưa phân bổ hết nguồn vốn (Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau), cần quan tâm khẩn trương có giải pháp để bố trí số vốn được giao, làm cơ sở để các dự án đầu tư công tăng tốc giải ngân tới đây.
Nhìn vào tỷ lệ giải ngân của các bộ, cơ quan, địa phương Tổ công tác số 5 cập nhật đến hôm nay cũng mới đạt 14-15%, vẫn ở mức thấp hơn trung bình của các nước, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung giải pháp thúc đẩy thời gian tới.
Phân tích các nguyên nhân chậm trễ trong giải ngân đầu tư công, trong đó có nguyên nhân "lặp đi lặp lại nhiều lần" như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, khó khăn, Phó Thủ tướng nêu rõ, vấn đề này thuộc thẩm quyền của địa phương, đề nghị lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo làm tốt công tác giải phóng mặt bằng mới có thể triển khai dự án.
Về nguyên nhân do nguồn cung vật liệu hạn chế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm, hướng dẫn địa phương liên hệ tìm nguồn bù đắp kịp thời, phù hợp, đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ ra, công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của một số bộ, ngành và các địa phương còn lúng túng.
Nêu rõ vài tháng tới thực hiện sắp xếp lại bộ máy, hợp nhất các tỉnh, nếu không triển khai kịp thời thì tiến độ thi công sẽ bị chậm lại, Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu nhân rộng kinh nghiệm của Long An, Tiền Giang là chuyển tổ công tác, ban quản lý dự án ở huyện về tỉnh để triển khai.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc, phân bổ, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Trong đó, nắm chắc tình hình, xác định rõ vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm từng dự án để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết. Tập trung quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về cung ứng vật liệu thi công, đẩy nhanh tiến độ.
Các địa phương với tinh thần "tương thân, tương ái" hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau triển khai tốt các dự án. Các tỉnh lân cận phối hợp, nhất là những tỉnh đang còn dư nguồn cung vật liệu có thể điều chuyển cho nhau để đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm bổ sung cho các dự án giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn. Việc đẩy nhanh giải ngân phải gắn liền với bảo đảm chất lượng công trình, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời cán bộ yếu kém về năng lực, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân. Các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 của bộ, cơ quan, địa phương mình.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị các địa phương làm tốt công tác chuẩn bị thực hiện chuyển tiếp các công trình, dự án, kế hoạch đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tính liên tục, nhất quán trong quản lý và triển khai thực hiện, không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công.
Chu Thanh Vân/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/pho-thu-tuong-bui-thanh-son-khong-de-viec-sap-xep-bo-may-anh-huong-den-tien-do-giai-ngan-dau-tu-cong/373576.html